Hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 08: lượng khách quốc tế đến tăng trưởng đột phá
Khách quốc tế đến Việt Nam (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Lượng khách quốc tế đến tăng trưởng đột phá
Năm 2016, du lịch Việt Nam lập dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên đón được 10 triệu khách quốc tế, tăng 5 triệu lượt so với năm 2010. Giai đoạn 2010-2016, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt mức tương đối cao 12% mỗi năm.
Bước vào giai đoạn mới sau khi Nghị quyết 08 được ban hành và đi vào cuộc sống, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng đột phá. Chỉ trong 2 năm 2017-2018, lượng khách quốc tế tăng thêm đạt hơn 5 triệu lượt so với năm 2016, bằng mức tăng cả giai đoạn 5 năm trước đó. Giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân khách quốc tế đạt rất cao 24,4% mỗi năm. Trong báo cáo “Điểm nhấn Du lịch 2018”, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam thứ 3 trong tốp 10 quốc gia có lượng khách quốc tế đến tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.
Năm 2019, sau 11 tháng, khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 16,3 triệu lượt, tăng trưởng 15,4% so với cùng kỳ 2018. Với tốc độ này, nếu không có diễn biến bất thường, dự kiến cả năm 2019, Việt Nam sẽ đón trên 17,5 triệu lượt khách quốc tế, về đích trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết 08 đề ra là đón 17-20 triệu lượt vào năm 2020.
Cùng với đó, khách du lịch nội địa cũng ngày càng tăng: năm 2016 đạt 62 triệu lượt; năm 2017 đạt 73,2 triệu lượt; năm 2018 đạt 80 triệu lượt. Du lịch đóng góp ngày càng cao trong tỷ trọng GDP quốc gia: năm 2016 du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 6,96% GDP; năm 2017 đạt 7,9% GDP; năm 2018 đạt 8,4% GDP. Du lịch đang hướng đến hiện thực hóa mục tiêu “đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” mà Nghị quyết 08 đã đặt ra.
Hệ thống doanh nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng lớn mạnh
Khách sạn InterContinental Nha Trang (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Song hành với sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cũng được đầu tư mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách. Năm 2016, toàn Ngành có 21.000 cơ sở lưu trú với 420.000 buồng, trong đó có 339 cơ sở được công nhận 4-5 sao với 60.273 buồng (chiếm 14,35% trong tổng số buồng). Đến năm 2018, con số đó là 28.000 cơ sở lưu trú với trên 550.000 buồng, trong đó có 428 cơ sở đạt 4-5 sao được công nhận với 88.564 buồng (chiếm 16,1%).
Kết quả trên phản ánh sự thu hút nguồn vốn đầu tư lớn vào lĩnh vực lưu trú, nhất là hạng cao cấp để đáp ứng nhu cầu của dòng khách quốc tế và nội địa đang tăng trưởng nhanh, trong đó ngày càng nhiều khách có khả năng chi trả cao.
Hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp quốc tế, được đầu tư bài bản theo mô hình các thiên đường vui chơi giải trí lừng danh thế giới được ra đời, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước. Trong đó, nổi bật là các khu vui chơi giải trí được đầu tư bởi các tập đoàn lớn trong nước như Vingroup, Sungroup…
Về hệ thống doanh nghiệp lữ hành, năm 2016, cả nước có 1.600 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, đến năm 2018, có 2.178 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Tính đến hết tháng 10/2019, cả nước có 2.537 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.
Năm 2016, toàn quốc có 18.391 hướng dẫn viên du lịch (HDV) được cấp thẻ, trong đó có 10.590 HDV quốc tế, 7.801 HDV nội địa và hàng chục nghìn thuyết minh viên tại các điểm du lịch. Năm 2018, số lượng HDV đạt 24.071, trong đó có 15.056 HDV quốc tế, 8.746 HDV nội địa, 269 HDV tại điểm. Tính đến cuối tháng 11/2019, trên cả nước có 26.683 HDV đã được cấp thẻ, trong đó có 16.938 HDV quốc tế, 9.058 HDV nội địa, 687 HDV tại điểm.
Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 12 bậc
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 63/140 nền kinh tế, tăng 12 bậc so với năm 2015 (75/141).
Hiện nay, trong Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5, sau Xin-ga-po (xếp hạng 17), Ma-lai-xi-a (29), Thái Lan (31), In-đô-nê-xi-a (40); xếp trên Bru-nây (72), Phi-líp-pin (75), Lào (97) và Cam-pu-chia (98). Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 13/22.
Đáng chú ý, Việt Nam có 3 nhóm chỉ số được xếp vào tốp dẫn đầu thế giới (hạng 1-35). Trong đó, nhóm chỉ số Sức cạnh tranh về giá xếp hạng 22; Tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ xếp hạng 29 (trong Đông Nam Á, Việt Nam chỉ sau In-đô-nê-xi-a (hạng 24); Tài nguyên tự nhiên xếp hạng 35 (trong Đông Nam Á, Việt Nam sau Thái Lan (hạng 10) và In-đô-nê-xi-a (17).
Du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đón nhận Giải thưởng World Travel Awards dành cho Du lịch Việt Nam
Trong vài năm qua, với những kết quả nổi bật, du lịch Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế tên tuổi vinh danh, trao tặng các giải thưởng mang tính toàn cầu. Tiêu biểu, tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã được nhận giải thưởng Điểm đến hàng đầu châu Á trong 2 năm liên tục (2018 và 2019). Giải thưởng do tổ chức giải thưởng World Travel Awards trao tặng, được coi là “giải Oscar của ngành Du lịch thế giới”. Bên cạnh đó, World Travel Awards cũng vinh danh Việt Nam là Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019 và Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019. Việt Nam được World Golf Awards trao tặng giải thưởng Điểm đến Golf tốt nhất châu Á 2019. Gần đây nhất, ngày 28/11, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards lần thứ 26 diễn ra tại Oman, Việt Nam đã vinh dự được gọi tên chiến thắng hạng mục “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019”.
Cùng với đó là rất nhiều giải thưởng quốc tế danh giá dành cho các điểm đến, địa phương, doanh nghiệp lữ hành, khu nghỉ dưỡng, hãng hàng không của Việt Nam. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực không ngừng của các đơn vị trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch, qua đó góp phần quan trọng nâng tầm, vị thế du lịch Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế.
Truyền Phương