Hướng đi đúng của du lịch Điện Biên
Nhìn lại hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm thấy rằng, việc tỉnh đề ra chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là hoàn toàn đúng đắn. Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đi đúng trọng tâm, trọng điểm. Lượng khách đến Điện Biên tham quan, du lịch 6 tháng đã gần bằng kế hoạch đề ra cả năm (Kế hoạch năm 2024 đón 1,3 triệu lượt khách, doanh thu 2.200 tỷ đồng).
Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, những năm qua, Điện Biên đã triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tổ chức nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách để xây dựng các sản phẩm và chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch phù hợp, tạo điểm nhấn, sức hút riêng cho ngành Du lịch phát triển.
Điện Biên nổi tiếng với những di tích lịch sử có giá trị to lớn. Quần thể Chiến trường Điện Biên Phủ - di tích cấp quốc gia đặc biệt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ biết trân trọng lịch sử, nhớ về quá khứ; biết vượt qua khó khăn gian khổ vươn lên trong cuộc sống hội nhập. Bên cạnh đó, Điện Biên có nhiều danh thắng, hang động đẹp, hoang sơ, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, với nền văn hóa đậm đà bản sắc của 19 dân tộc anh em.
Chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban 2024, tỉnh đã ký kết, triển khai hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế như: Lào, TP. Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, Thanh Hóa Giao ngành chủ quản, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các địa phương có thế mạnh về du lịch nghiên cứu, thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện du lịch tại các thị trường trọng điểm. Thông tin các tua, tuyến, điểm tham quan du lịch, nghỉ dưỡng, các món ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc địa phương được quảng bá, giới thiệu bằng nhiều cách, nhiều thứ tiếng để du khách dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu thông tin trước khi đến Điện Biên. Cùng với đó, tư vấn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch; xây dựng một số thôn, bản văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu đảm bảo điều kiện phục vụ ăn, nghỉ, tham quan của du khách. Tỉnh mời các công ty lữ hành, cơ quan báo chí truyền thông... cùng khảo sát, tìm hiểu, quảng bá và triển khai chương trình chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Một mặt, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội… để thu hút du khách.
Để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tỉnh cần có giải pháp tăng chất lượng dịch vụ, du lịch; đưa các mặt hàng nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành hàng hóa tinh xảo, chất lượng cao phục vụ khách du lịch. Quyết tâm phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh bằng việc nâng cấp nhà nghỉ, dịch vụ lưu trú, khu nghỉ dưỡng cao cấp; các khu thể thao nghỉ dưỡng; tăng cường hạ tầng giao thông nhằm kích hoạt du lịch; kết hợp giữa du lịch lịch sử với du lịch nghỉ dưỡng.
Phát huy những kết quả đã đạt được, tăng cường đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch gắn với bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ là “chìa khóa” để du lịch Điện Biên tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ. Qua đó, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025; đồng thời, đưa ngành du lịch trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, vừa góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh, vừa trực tiếp tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương.