Hoạt động của ngành

Hướng mở cho phát triển du lịch cộng đồng ở Đắk Lắk

Cập nhật: 28/05/2021 08:37:09
Số lần đọc: 967
Làm du lịch có trách nhiệm với môi trường và văn hóa địa phương không chỉ tạo nền tảng cho việc xây dựng ngành du lịch bền vững, cạnh tranh mà còn mở ra cơ hội cho nhiều địa phương trong việc khai thác, quảng bá văn hóa, phong tục tập quán cũng như cảnh quan thiên nhiên.


Bà N'Nhé Byă gắn bó với nghề dệt thổ cẩm.

Xác định điều đó, thời gian gần đây, ngành du lịch và các hộ dân làm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh nói chung, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng đã đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện vấn đề này.

Theo đó, cuối năm 2020, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức các lớp tập huấn đào tạo kiến thức xây dựng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay; du lịch có trách nhiệm với môi trường và văn hóa địa phương… cho người dân có nhu cầu làm du lịch cộng đồng tại các buôn: Akô Dhông (phường Tân Lợi), Tơng Jú (xã Ea Kao), buôn Tuôr (xã Hòa Phú) và buôn Kbu (xã Hòa Khánh) nhằm xây dựng và phát triển loại hình du lịch này, qua đó góp phần bảo tồn tốt hơn các giá trị truyền thống của dân tộc.

Thực tế cho thấy, sau khi tham gia những lớp tập huấn này, các hộ dân làm du lịch cộng đồng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã được trang bị thêm nhiều kiến thức thực tế và có cái nhìn rõ ràng hơn về du lịch cộng đồng; đặc biệt là việc gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường, văn hóa địa phương trong quá trình làm du lịch. Chị H’Tit Alio (buôn Akô Dhông) chia sẻ, trước đây cứ nghĩ làm du lịch cộng đồng đơn giản là chỉ việc đón khách rồi chuẩn bị chỗ ăn, ngủ nhưng sau khi được thông tin về các tác động tích cực và tiêu cực của du lịch đối với môi trường; những yêu cầu đối với sản phẩm du lịch bền vững hay việc sử dụng và tiết kiệm năng lượng trong dịch vụ lưu trú cho du khách... đã giúp chị có được nền tảng kiến thức và đặc biệt là thay đổi nhận thức trong việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng phù hợp với gia đình, buôn làng.

Bà H’Nhé Byă (buôn Tuôr) bao năm qua gắn bó với nghề dệt truyền thống nên luôn muốn mang nét văn hóa truyền thống này giới thiệu đến nhiều du khách trong và ngoài nước để quảng bá cũng như góp phần bảo tồn cho thế hệ mai sau. Cùng với đó, hiện nay bà vẫn còn giữ được ngôi nhà dài truyền thống nên sẽ thuận lợi hơn cho việc tham gia làm mô hình du lịch cộng đồng. Sau khi tham gia các lớp tập huấn làm du lịch cộng đồng, bà H’Nhé Byă cho biết có thể tận dụng lợi thế của gia đình, địa phương để đón du khách đến thưởng thức về ẩm thực, văn hóa của đồng bào dân tộc Êđê trong một không gian gần gũi với thiên nhiên nơi mình sinh sống.

Buôn Tuôr nằm cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 10 km, còn giữ lại được nhiều nét nguyên bản và hoang sơ môi trường tự nhiên cũng như văn hóa của người Êđê. Hiện trong buôn còn gần 30 ngôi nhà dài truyền thống; có các đội nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, nghệ nhân dệt thổ cẩm, nghề nấu rượu cần và nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Buôn có vị trí địa lý khá thuận lợi cho phát triển du lịch vì nằm gần Quốc lộ 14, gần với các cụm thác lớn và các điểm du lịch như: Thác Drai Nur, Gia Long (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), thác Trinh Nữ, Dray Sáp (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).

Do đó, năm 2020 buôn được UBND tỉnh chọn làm mô hình điểm phát triển du lịch cộng đồng (giai đoạn 2021 – 2025) kèm theo những chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Êđê tại chỗ… Từ đó nhân rộng, phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại 8 buôn làng khác trong tỉnh đã được khảo sát. Vì thế, những lớp tập huấn kiến thức du lịch cộng đồng rất hữu ích với bà con nơi đây.

Quả thực, việc được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn đã tạo nền tảng kiến thức, định hình cách làm du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, văn hóa địa phương; từ đó, hướng tới mục tiêu mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân các buôn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển du lịch cộng đồng tại một số buôn ở TP. Buôn Ma Thuột như buôn Akô Dhông và buôn Tuôr, bởi đây là những buôn đã có nền tảng sẵn và người dân đã sẵn sàng tham gia làm du lịch.

Có thể nói rằng, với những lợi thế về điều kiện tự nhiên và sự đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Đắk Lắk sẽ thuận lợi cho việc phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Một khi mô hình này phát triển sẽ không chỉ đóng góp cho nền kinh tế địa phương mà còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; đồng thời góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa các dân tộc một cách hiệu quả hơn.

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục