Tin tức - Sự kiện

Hướng phát triển bền vững Cù Lao Chàm

Cập nhật: 22/04/2020 13:56:21
Số lần đọc: 1203
Du lịch Cù Lao Chàm phải là du lịch của bảo tồn, du lịch của ngư dân với biển, du lịch của nông dân với rừng và đồng ruộng, du lịch của nền kinh tế xanh, bền vững của tương lai.

Âu thuyền Cù Lao Chàm ngày xã đảo còn đón khách. Ảnh: CHU MẠNH TRINH

Thay đổi nhận thức

Ngày nay, khi nói đến du lịch, thường người ta hay nghĩ đến cách tiếp cận. Du lịch không còn bó hẹp trong một phạm vi nhỏ, một địa điểm hoặc đơn thuần là một điểm đến. Tất nhiên, điểm đến trước tiên cần phải độc đáo. Và quan trọng hơn là liệu hoạt động du lịch tại khu vực đó có phần hồn hay không?

Quá trình đồng quản lý tài nguyên và môi trường tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An (bắt đầu bằng Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm) theo thời gian ghi chép từ năm 2003 đến nay bao gồm các mối liên kết giữa quản lý thủy sản với ngư dân, sự chia sẻ trách nhiệm và lợi ích bởi người làm khoa học đến quản lý Nhà nước và người dân địa phương trong bảo vệ và sử dụng nguồn lợi.

Lợi ích sinh thái hoặc các giá trị dịch vụ sinh thái được tăng dần không những là lượng cá, tôm, mà còn đến cảnh quan môi trường, giá trị về văn hóa, cộng đồng đến du lịch. Đồng thời đó cũng là nguồn hấp dẫn lớn dần đến với các doanh nghiệp. Vì vậy, mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học đến sinh kế người dân được cải thiện không dừng lại đó, mà cần phải chia sẻ với sự phát triển kinh tế xã hội thông qua các dự án đầu tư, trong đó doanh nghiệp được nhiều lợi thế ưu tiên.

Mô tả sự diễn biến của quá trình đồng quản lý theo thời gian tại Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (Khu DTSQ), theo thời gian từ năm 1999 đến 2019.

Do vậy, đã đến lúc các nhu cầu đặt ra là nhận thức và thái độ của cộng đồng hoặc các bên liên quan như thế nào đối với bảo tồn và phát triển, trong khu dự trữ sinh quyển này? Kiến thức khoa học và tri thức địa phương được hài hòa như thế nào để góp phần vào sự thay đổi thái độ của người dân từ nhận thức, thông tin đến kỹ năng và hành động? Sự hợp tác của quản lý Nhà nước - người dân - doanh nghiệp và khoa học được xây dựng và phát triển như thế nào? Lòng tin của cộng đồng đến bảo tồn được bồi đắp ra sao? Bảo tồn và phát triển tương tác như thế nào với vai trò cung và cầu, trong khi bảo tồn là nguồn cung và phát triển là nhu cầu lớn? Vai trò chủ thể của người dân đối với tài nguyên và môi trường trong khu dự trữ sinh quyển được nuôi dưỡng ra sao? Tất cả câu hỏi này sẽ được giải đáp một khi khu dự trữ sinh quyển đáp ứng được môi trường hoạt động mô hình hài hòa các mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học, sinh kế bền vững và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Vai trò người bản địa

Những năm qua, khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã và đang dành cho ngư dân khai thác trên các ngư trường được dần phục hồi nguồn lợi. Đồng thời ngư nghiệp đã và đang khôi phục, trong khi đó ngư dân hoàn thiện dần kỹ năng trong ứng xử với thiên nhiên và tiếp cận với những thay đổi mới của sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Quy hoạch không gian phát triển du lịch bền vững (Chu Mạnh Trinh 2016 / 2017).

Nếu như từ những ngày đầu làm bảo tồn, du lịch chỉ là con số rất bé, thì ngày nay du lịch đã và đang đạt đến nửa triệu du khách ghé thăm mỗi năm. Một cơ hội không nhỏ đối với quần đảo này. Du lịch đến với cộng đồng, giờ đây không chỉ được nghe, biết, hiểu các câu chuyện về đảo, về biển, về con người và cuộc sống ở đây, mà du lịch còn mong muốn được trải nghiệm, được học tập và cao hơn nữa là được sáng tạo, tìm tòi điều mới lạ mang về làm quà. Chính vì vậy, đã đến lúc người dân địa phương cần được nâng cao năng lực giao tiếp, ứng xử không chỉ với thiên nhiên, văn hóa, cộng đồng mà còn chính với du khách. Người Cù Lao Chàm hiện tại chính là hướng dẫn viên du lịch giới thiệu lại cho du khách về những gì mình đã và đang làm để bảo tồn và phát triển. Đồng thời cũng chính người Cù Lao Chàm cần tổ chức hoạt động cho du khách học tập, tìm tòi và khám phá ra điều mới lạ, những câu chuyện mà cộng đồng ở đây gầy dựng nên.

Một mô hình phát triển kinh tế trong đó hài hòa lợi ích giữa ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường là ví dụ tốt tại địa phương cũng như các nơi khác để tham khảo học tập. Có thể nói, với cách tiếp cận chính trị sinh thái, sự nhìn nhận Cù Lao Chàm được cụ thể hơn trong quản lý, điều phối nhằm đạt được thành quả cao nhất trong hướng kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế môi trường. Một trong những nền tảng cơ bản để ngư dân có thể làm chủ được ngư trường khai thác của mình về mặt sinh thái học, đó là phân vùng chức năng trên vùng ngư trường ấy, tại khu bảo tồn biển.

Khái niệm phân vùng chức năng là đặc trưng của khu bảo tồn biển nói riêng và đối với bảo tồn hệ sinh thái nói chung. Phân vùng được hiểu là sự phân chia không gian sử dụng một cách hợp lý các dịch vụ sinh thái được cung cấp phù hợp với cấu trúc, chức năng của hệ sinh thái đó một cách lâu bền. Tuy nhiên phân vùng không gian ấy không phải chỉ đơn thuần là một bản vẽ hay một quyết định mà là một quá trình quy hoạch phù hợp, đối với hệ sinh thái rạn san hô của khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng vậy!

Kinh tế xanh

Ngày nay, tiếp cận với kinh tế xanh, kinh tế môi trường là một xu hướng tất yếu của phát triển kinh tế xã hội trên phương diện toàn cầu cũng như vùng và địa phương, đặc biệt đối với những nơi giàu có tài nguyên biển đảo với sinh kế được cải thiện và kinh tế xã hội của vùng đó và các vùng liên kết được định hướng trên nền tảng của bảo tồn. Cù Lao Chàm có thể làm được việc đó, một khi có biển, có rừng và có làng chài, đồng ruộng cho cộng đồng được định cư phát triển.

Cánh đồng chùa và ruộng bậc thang cần được bảo tồn gìn giữ và phát triển với nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ thiên địch, hỗ trợ sự phong phú cho tài nguyên đa dạng rừng Cù Lao Chàm. Với mô hình sản xuất lúa truyền thống, vườn rau hữu cơ, hoa và các nông sản, lâm sản ngoài gỗ phù hợp, cùng với hướng dẫn du lịch và hợp tác trong giáo dục, đào tạo, thu nhập của nông dân chắc chắn sẽ được cải thiện và lâu bền.

Đối với giá trị tài nguyên môi trường, tài sản chung cần phải có cơ chế quản lý cộng đồng hoặc là hợp tác, đồng quản lý. Quá trình đồng quản lý tiến triển theo thời gian, đặc biệt chất lượng của sự tham gia hay nói cách khác là lòng tin vào bảo tồn, vào phát triển bền vững, sự cân bằng giữa cung và cầu. Cung là nguồn lực được cung cấp từ sức mạnh của sáng tạo dựa vào hướng lan tỏa từ cá nhân đến nhóm, đến công cộng, trong khi cầu là sự phát triển tất yếu, quyền được cung, được thỏa mãn, được vươn lên từ cá nhân, nhóm. Nhu cầu đó chỉ được thỏa mãn khi nguồn cung được định hướng theo giá trị tài sản chung.

Đối với hệ sinh thái biển đảo Cù Lao Chàm, vai trò và năng lực của cộng đồng cư dân địa phương, những ngư dân, nông dân trong việc quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các giá trị dịch vụ được cung cấp từ các kiểu hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng tự nhiên trên đảo rất là quan trọng, quyết định đến nguồn cung cân bằng với lực cầu gia tăng của du lịch và đời sống hàng ngày. Nguồn cung chỉ được phong phú một khi cộng đồng người dân địa phương thực sự là chủ thể hướng đến giá trị tài sản chung, công cộng. Đó là sự mạnh khỏe của hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rừng tự nhiên và đồng ruộng, để có được lợi ích cá nhân bền vững theo thời gian. Ngư dân cần được hợp tác nhằm phát huy tối đa nguồn lực vốn có từ khối óc, bàn tay và trái tim của mình, cùng với kỹ năng làm việc nhóm tạo sản phẩm tinh thần và cảnh quan sinh thái môi trường biển đảo để làm giàu từ nhu cầu của du lịch.

Những dự án phát triển cộng đồng

Theo tôi, đã đến lúc chúng ta nên mạnh dạn kiến nghị một hạ tầng cơ sở tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững một cách hài hòa giữa các mối quan hệ bảo tồn, sinh kế cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội theo một mô hình phù hợp với Cù Lao Chàm.

Đối với Cù Lao Chàm, các đột phá về phát triển bền vững nên bắt đầu từ ý tưởng cho những dự án phát triển cộng đồng. Ý tưởng đó phải hướng tới xây dựng được lòng tin từ cộng đồng vào sự phát triển bền vững có nghĩa là trên cơ sở bảo tồn (nguồn cung), dịch vụ sinh thái, môi trường và phát triển (nguồn cầu), dự án đầu tư kinh tế doanh nghiệp, Nhà nước. Vì vậy, ý tưởng dự án phải lồng ghép được kiến thức khoa học, trường học, viện nghiên cứu, cơ quan, tổ chức với tri thức địa phương, người dân địa phương, sinh kế để giải quyết mối quan hệ giữa cung và cầu ấy.

Ý tưởng dự án phát triển cộng đồng phải là “cú hích” nhằm phát huy toàn bộ nội lực và tiềm năng của địa phương để hướng đến sự thịnh vượng thông qua năng lực của cộng đồng.

Tóm lại, với mục tiêu tổng thể và các khâu đột phá trên, đã đến lúc Cù Lao Chàm rất cần những dự án phát triển cộng đồng nhằm giúp người dân và các bên liên quan nhận thức và hành động xây dựng lòng tin vào phát triển bền vững. Nâng cao năng lực cộng đồng thông qua vai trò của người dân địa phương như những người thầy. Khi nông dân, ngư dân là thầy thì họ sẽ có nhu cầu học tập. Và nhu cầu học tập đó sẽ trở thành động lực cho sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả của mất cân bằng sinh thái, tổn thương và suy giảm đa dạng sinh học, khô héo và nghèo nàn văn hóa, mất bình đẳng trong đô thị hóa gia tăng.

CHU MẠNH TRINH

 

Nguồn: baoquangnam.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT