Non nước Việt Nam

Hương Tết nơi miền thương nhớ

Cập nhật: 22/01/2025 10:07:29
Số lần đọc: 89
Thường người ta chỉ đau đáu nhớ về khi đã cách xa, vậy mà, nỗi nhớ Tết trong tôi lại vô cùng kỳ lạ, bởi Tết càng gần, tôi lại càng nhớ Tết, chính xác là nhớ về những ngày Tết xưa.


Và nỗi nhớ ấy, dù thuộc về quá khứ, dù mọi thứ đều đã cũ kỹ, lạc lõng với thời gian, vẫn tinh khôi như thuở ban đầu. Ký ức không phai nhạt, mà ngược lại ngày càng đậm sâu trong tôi, như thể Tết không chỉ là một mùa trong năm, mà là một phần không thể thiếu và luôn hiện hữu trong mọi miền thương nhớ…

Mùi Tết là mùi của yêu thương đọng lại với thời gian. Với ai đó, mùi Tết có thể là hương nồi nước tắm tất niên chiều 30, mùi nhang trầm bảng lảng, mùi khói thơm ngậy bốc lên từ nồi bánh chưng sôi lục bục trên bếp lửa, hay mùi của pháo tép, pháo đùng thuở nào xa lắm… Nhưng đối với tôi, ngoài những hương vị ấy, còn có một thứ mùi đặc biệt không thể nhầm lẫn, đó là mùi quết trầu cay nồng của bà tôi.

Tết đến, tôi nhớ quay quắt hương trầu của bà, làn hương dịu dàng, thanh khiết như vòng tay bà ôm ấp suốt tuổi thơ tôi. Ngày cuối năm, giữa chợ Tết đông đúc, tôi đứng lặng bên gánh hàng trầu cau, nhớ thương bà đến nghẹn lòng. Bà tôi đã về miền mây trắng mấy mươi năm, thì cũng từng ấy thời gian, tôi không còn được nằm trong lòng bà để hít hà hương trầu cay và nghe bà kể những câu chuyện xưa cũ.

“Mỗi người bà là cuốn sách sống, chứa đựng những câu chuyện của thời gian, những bài học không thể nào quên”, nhà thơ người Mỹ Maya Angelou đã từng nói như vậy, và đúng thế, đến tận bây giờ, đã ngần ấy năm trôi qua, tôi vẫn thấy tim mình hụt đi một nhịp khi nhớ về bà, rồi chợt nhận ra ngày Tết đã thật gần mà không còn thấy bóng lưng còng của bà bên tôi nữa…

Khúc hương mùi già

Tết, như làn hương thầm vỗ về ký ức, mang theo hơi thở dịu dàng của những mùa xuân đã qua. Trong không khí Tết đang tràn ngập khắp không gian, có một mùi hương mà bất kỳ ai, mỗi khi chợt bắt gặp, là tự khắc hiểu rằng Tết đang đến thật gần, cùng với náo nức mong đợi hoặc lo toan trăn trở - đó là hương của lá mùi già, chỉ cần khẽ chạm vào khứu giác là lại khiến lòng người xốn xang.

Thuở ấy, cứ tầm 25-26 Tết, bà tôi lại mua vài bó mùi già, treo lên phơi dưới nắng hanh hao cho se lại “để hương thơm thêm đậm, con ạ”, bà giải thích như thế. Rồi bà thêm vào vỏ bưởi, hương nhu, lá sả, đặt ghé nồi nước tắm bên bếp luộc bánh chưng. Một mùi thơm thanh khiết lan tỏa khắp gian bếp nhỏ ấm sực. Bà lần lượt gọi chị em tôi vào kỳ cọ cho từng đứa bằng thứ hương liệu “thượng hạng” ấy. Mùi hương nồi tắm tất niên của bà, với tôi, không chỉ đơn thuần là mùi của cây cỏ, hoa lá, mà là mùi của tình thương ấm áp, là ký ức sống động về bà. Bà luôn là người giữ gìn những thói quen, những tục xưa nếp cũ. Bà bảo, tắm nước lá mùi già là để gột rửa bụi bặm, đen đủi của năm cũ, đón chào những điều tốt lành trong năm mới. Cứ thế, hương lá mùi già đã thấm sâu vào từng ngóc ngách trong tôi, khiến tôi dần hiểu ý nghĩa sâu xa của những phong tục ấy. Nồi nước lá tắm tất niên chính là hồn cốt của tình ruột thịt mà bà trao gửi, để chúng tôi tiếp tục trao lại cho các con của mình, như một cách gìn giữ mối liên kết linh thiêng giữa các thế hệ.

Giờ đây, mỗi mùa Tết, tôi lại mua mùi già, lại phơi dưới nắng hanh hao “cho hương thêm đậm”, để tiếp tục thắp sáng ký ức về bà, về những mùa xuân ấm áp bên gia đình. Bó mùi già như một sứ giả kết nối quá khứ và hiện tại, giữa những thế hệ đã đi qua và thế hệ kế tiếp, để mùi hương nhẹ nhàng, thanh thoát ấy trường tồn trong mọi cái Tết của dân tộc. Với riêng tôi, hương mùi già của bà luôn ở trong tim cùng với tình yêu thương mà bà để lại…

Nhang trầm quấn quýt

Hương thơm của nhang trầm, không chỉ đến trong những ngày Tết, mà ngay cả khi Tết chưa kịp ghé thăm, cũng đã báo hiệu một luồng sinh khí ấm áp đang tỏa lan từ sâu thẳm cội nguồn. Mỗi lần thắp nhang là không gian trở nên lắng đọng, ai cũng như đang chờ đợi, đang đón nhận một điều gì đó từ thiêng liêng vọng về.

Mùi thơm của nhang trầm dịu dàng, thanh thoát nhưng cũng rất đậm đà. Trong từng làn khói nhẹ bay lên, tôi như thấy lại hình ảnh cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng, những ánh mắt yêu thương của bà và bố mẹ nhìn đàn con nhỏ ríu rít khoe nhau manh áo mới. Nhang trầm chính là sự nhắc nhớ thế hệ sau biết đến sự hy sinh thầm lặng của tổ tiên, ông bà, cha mẹ… và như một chiếc cầu nối con cháu với gia tộc, giữ gìn những giá trị tinh thần bền vững với thời gian.

Tết không chỉ là dịp để sum vầy, để đón nhận những điều may mắn mới, mà còn là lúc để ta dừng lại, tĩnh tâm và tưởng nhớ. Tưởng nhớ những người đã khuất, tưởng nhớ mái ấm gia đình xưa, nơi chứa đựng bao yêu thương và kỷ niệm. Hương thơm của nhang trầm chính là lời tri ân gửi tới những người đã gây dựng, nuôi dưỡng và gìn giữ mái nhà này. Khi mùi hương lan tỏa trong không gian là lúc mỗi người nhìn lại những gì đã qua và nhìn về tương lai với niềm tin tươi sáng. Mái ấm gia đình, như một ngọn lửa ấm nồng, dù thế nào cũng sẽ luôn cháy mãi, dù có bao nhiêu mùa Tết đi qua.

Bánh chưng gói trọn tình thân

Trong cái hối hả của những ngày giáp Tết, có một mùi hương đặc biệt gói trọn trong đó bao lo toan vất vả, mồ hôi nước mắt của những người tha hương… chính là hương khói từ bếp nấu bánh chưng. Mùi khói ấy như một lời chào đón thân thương, báo hiệu Tết đã thật sự đến với “nồi bánh chưng có thịt”.

Đêm 27, 28 Tết, khi lửa hồng đã đượm, mùi hương bánh đang sôi quyện với mùi khoai lang vùi tro tỏa lan khắp xóm, thấm vào từng ngôi nhà, từng góc phố, khiến cái giá lạnh cuối năm dường như tan biến. Mùi thơm của lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ ôm ấp, hòa huyện vào nhau trong nồi bánh, tạo nên một bức tranh Tết Việt 4D tuyệt mỹ.

Bánh chưng xanh là biểu tượng của sự đoàn kết, của lòng hiếu thảo và tình yêu quê hương, đất nước. Không chỉ là niềm vui của người nấu, hương bánh chưng còn là niềm hạnh phúc của cả gia đình, làm ấm lòng những người đang quây quần bên nhau, làm cho cái Tết trở nên trọn vẹn. Bao năm đã qua, giờ đây chả mấy nhà còn gói bánh, luộc bánh nữa, nhưng mùi hương ấy đã thấm vào trong trái tim tôi cũng như những người đồng trang lứa, để năm tháng dần qua, tôi lại thêm cảm nhận về tình yêu thương vô bờ bến mà bà và bố mẹ đã tỉ mỉ, chu đáo chuẩn bị cho chị em tôi có một mùa Tết đủ đầy.

Nhớ về hương khói bếp bánh chưng là cách để trái tim mỗi người trở nên ấm áp, bởi đó là những giá trị tinh thần mà thế hệ nào cũng cần trân trọng, giữ gìn, để mùa xuân luôn về với gia đình, về với những yêu thương bất tận.

Cỗ Tết gắn kết gia đình và tôn vinh văn hóa truyền thống

Suốt 3 ngày Tết, không gian nhà nào cũng ngập tràn những mùi hương đặc trưng, nhưng có lẽ mùi thơm ngào ngạt từ mâm cơm là thứ khiến ai cũng háo hức hướng về. Đó không chỉ là hương thơm của các món ăn, mà còn là những kỷ niệm sâu lắng về mẹ, về bà, về ngày Tết đoàn viên sum họp. Mỗi năm, khi Tết đến, dù có bận rộn đến đâu, những người phụ nữ đảm đang cũng không quên chăm chút cho mâm cỗ nhà mình, vừa để thành kính dâng lên tổ tiên ông bà, vừa để cho các thành viên được thưởng thức những món ăn thật ngon miệng.

Mâm cơm với bánh chưng, nem rán, gà luộc, măng khô hầm chân giò, miến nấu lòng gà, dưa hành, bóng thả… chỉ ngày Tết mới hiện diện đủ đầy bên nhau, hòa quyện vào nhau để tạo nên một mùi hương trù mật. Mùi thơm ấy không chỉ kích thích mọi giác quan mà còn gợi nhớ về những phong tục, tập quán cổ truyền từ xa xưa để lại. Có lẽ, bao năm trước, các cụ ta đã từng thưởng thức những món ăn này trong dịp Tết, giờ dòng chảy ấy nối chúng ta về với cội nguồn, để đến Tết, người người, nhà nhà lại ngồi bên nhau cùng thưởng thức những món ngon dân tộc.

Mỗi mùa Tết, mẹ và bà tôi đã lo toan chuẩn bị từng món ăn, chu đáo đến từng chi tiết nhỏ nhất từ mấy tháng trước. Tết, mẹ là người vất vả nhất, luôn tất bật trong bếp, tay năm tay mười xào nấu, bưng bê, và từ góc bếp của mẹ tỏa ra hương thơm vô cùng hấp dẫn, khiến chị em tôi thèm chảy nước miếng, cứ quấn lấy chân mẹ. Mùi vị của các món ngon không chỉ thấm đẫm không gian để làm nên phong vị Tết, mà còn ngấm sâu vào tâm khảm mỗi người, để dù lưu lạc chân trời góc bể, những ngày cuối năm không ai là không đau đáu nhớ về mâm cơm của mẹ.

Mỗi món ăn trên mâm cỗ Tết đều gói trọn tình thương, từ miếng thịt kho mềm ngọt, đến chiếc nem rán giòn tan vàng rộm, từ củ hành muối trắng muốt, đến miếng măng hầm nhừ tan nơi đầu lưỡi… tất cả đều mang dấu ấn đảm đang, vất vả của mẹ. Mâm cơm ngày Tết là minh chứng cho một nền văn hóa gia đình đặc sắc, nơi tình yêu thương được trao đi và nhận lại. Khi hương cỗ Tết lan tỏa trong không gian, lòng người như được lấp đầy, xóa đi mọi lo toan trong suốt một năm dài, chỉ còn lại những khoảnh khắc bình yên, sum họp. Mùi thơm ngọt ngào ấy chính là hương vị mãi trường tồn trong trái tim những người con đất Việt.

Đỗ Huyền

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 22/01/2025

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT