Hoạt động của ngành

Huyện Cai Lậy (Tiền Giang): Khai thác lợi thế, mở hướng đi cho du lịch

Cập nhật: 26/06/2023 11:57:49
Số lần đọc: 442
Để phát triển du lịch bền vững, huyện Cai Lậy tập trung thu hút đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo các sản phẩm đặc trưng và quảng bá hình ảnh địa phương.


Du khách tham quan Homestay Hai Mỹ (ấp Bình Chánh Đông, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy).

*Điểm nhấn phục hồi

Năm 2022, với sự quan tâm của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hoạt động du lịch huyện Cai Lậy từng bước phục hồi. Khởi động lại sau hơn 02 năm ảnh hưởng do dịch Covid-19, các điểm du lịch tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, làm phong phú sản phẩm du lịch. Những năm qua, huyện Cai Lậy phát triển du lịch sông nước kết hợp du lịch nông nghiệp với việc "bắt tay" làm du lịch của nhiều nông dân. Cách đây hơn 07 năm, ông Phan Văn Mỹ (ấp Bình Chánh Đông, xã Tam Bình) đã đầu tư khuôn viên vườn cây ăn trái của gia đình thành điểm đến hấp dẫn du khách. Đến Homestay Hai Mỹ, du khách sẽ trải nghiệm nếp sinh hoạt người dân miền Tây, đạp xe dạo quanh những con đường rợp mát, tham quan vườn sa pô hơn 20 năm tuổi của gia đình và thưởng thức những món ăn dân dã... Sau nhiều năm "bén duyên" với du lịch, ông Mỹ đã xây dựng điểm đến ấn tượng, thân thiện với sản phẩm du lịch được hoàn thiện mỗi ngày. Ông cho biết: "Tôi canh tác với quan niệm giữ gìn môi trường xung quanh để không gian xanh, mát lành. Gần 01 ha sa pô Mexico của gia đình được trồng, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ, sản lượng luôn ổn định. Mình làm nông nghiệp sạch nên cũng muốn hướng đến du lịch xanh. Khi nông dân làm du lịch cũng tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho các sản phẩm du lịch địa phương, mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình".

Với định hướng phát triển du lịch bền vững, huyện Cai Lậy thực hiện nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, tạo kết nối giữa các điểm tham quan du lịch, khai thác thế mạnh vườn cây ăn trái với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, hoạt động trải nghiệm làng quê, ẩm thực miệt vườn... Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU về "Lãnh đạo phát triển du lịch xã cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030" với mục tiêu lấy du lịch Tân Phong làm điểm đột phá, kết nối và phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn huyện. Huyện Cai Lậy cũng tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ năng ứng xử trong du lịch, tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch để giới thiệu hình ảnh địa phương. Năm 2022 và 06 tháng đầu năm 2023, huyện đã đón hơn 26.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Sự phục hồi tích cực là tiền đề để du lịch huyện Cai Lậy tiếp tục là lĩnh vực được kỳ vọng có nhiều thay đổi mới mẻ.

*Tập trung tháo gỡ khó khăn

Huyện Cai Lậy có 11 điểm kinh doanh du lịch, tập trung tại xã Tân Phong, Phú An và Tam Bình. Trong đó, có 05 điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú, 01 điểm kinh doanh tàu thủy du lịch, 05 điểm tham quan vườn cây ăn trái, các nghề truyền thống, nghe đờn ca tài tử, phục vụ ẩm thực... Những năm qua, huyện Cai Lậy tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch. Cùng với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông đến các điểm du lịch được nâng cấp, tạo điều kiện lưu thông thuận tiện cho du khách. Tuy nhiên, du lịch ở huyện Cai Lậy vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thiếu sản phẩm đặc trưng, sức cạnh tranh chưa cao, chỉ dừng lại ở các điểm liên kết nhỏ lẻ, tự phát, cần có sự đầu tư bày bản kết hợp bảo tồn giá trị các di tích văn hóa lịch sử địa phương...

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, từ ngân sách và mời gọi đầu tư, huyện Cai Lậy hoàn thiện các hạng mục du lịch kết nối các điểm du lịch hiện có. Đồng thời, tăng cường quảng bá du lịch qua các kênh thông tin, chú trọng liên kết các điểm du lịch để đa dạng sản phẩm; kiểm tra, chấn chỉnh và hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch hoạt động đúng quy định. Với định hướng phát triển du lịch xã cù lao Tân Phong làm điểm đột phá cho du lịch địa phương, nhiều dự án được ngân sách tỉnh, huyện tập trung đầu tư như: Đường trung tâm xã Tân Phong, bến phà Tân Phong - Ngũ Hiệp, Dự án Phòng chống sạt lở cù lao Tân Phong với hệ thống bờ kè sẽ phát triển thành khu công viên, ẩm thực, bến tàu du lịch, bãi đậu xe trung chuyển khách tại xã Hiệp Đức, xây dựng các ụ nổi và cầu tàu du lịch tại ấp Tân Thiện (xã Tân Phong)... Khuyến khích người dân phát triển vườn cây ăn trái theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP với các loại cây trồng chủ lực: chôm chôm, nhãn, sầu riêng, các loại cây có múi, tái tạo khu vực nuôi ốc gạo ở khu vực cồn Tre (xã Tân Phong), phối hợp bảo tồn văn hóa Chợ nổi Cái Bè, tạo điểm nhấn đặc trưng vùng sông nước...  Mục tiêu huyện Cai Lậy sẽ đón khoảng 80.000 lượt khách tham quan mỗi năm (trong đó có 75% khách quốc tế), lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm từ 8% - 10%.

Hiện nay, huyện Cai Lậy đang tập trung rà soát các công trình bức thiết về hạ tầng du lịch, đề xuất ngân sách hỗ trợ và kêu gọi đầu tư, tăng cường quảng bá, phát triển du lịch theo đúng định hướng, tạo bước tiến mới để du lịch địa phương tiếp tục phát huy thế mạnh.

Trường Giang

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang - tiengiang.gov.vn - Đăng ngày 26/06/2023

Cùng chuyên mục