Non nước Việt Nam

Khai thác giá trị của Then trong phát triển du lịch Việt Bắc

Cập nhật: 09/06/2021 12:50:43
Số lần đọc: 595
Nhờ các chức năng văn hóa xã hội, Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục, truyền thống văn hóa ở Việt Nam. Bởi vậy, việc khai thác thực hành Then phục vụ du lịch Việc Bắc là một trong những định hướng không chỉ bảo tồn mà chính là phát triển các giá trị văn hóa của nó đáp ứng nhu cầu của đời sống hiện đại.



Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên) thường xuyên biểu diễn hát Then để thu hút du khách. Ảnh: Nguyễn Trung

Vốn là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, Then đã phát triển thành một hình thức văn nghệ dân gian. Tập quán xã hội và tín ngưỡng nghi lễ Then của người Tày và người Nùng ở Việt Bắc, với những nét đặc sắc ở các địa phương, lần lượt được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lào Cai, Quảng Ninh và Tuyên Quang (năm 2012), Cao Bằng (năm 2014), Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang và Lạng Sơn (năm 2015). Di sản thực hành Then đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, theo Quyết định tại phiên họp lần thứ 14 ở Cộng hòa Colombia, ngày 13-12-2019, do đáp ứng đủ 5 tiêu chí để vinh danh.

Sau 5 lần được tổ chức (lần đầu tại Thái Nguyên năm 2005, sau đó là Cao Bằng năm 2007, Bắc Kạn năm 2009, Lạng Sơn năm 2012, Tuyên Quang năm 2015), Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI đã diễn ra trong 2 ngày 13 và 14-5-2018, tại tỉnh Hà Giang với sự tham gia của 16 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái sinh sống, có loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính, gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Nông, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm 2017, một nhóm nghệ nhân hát Then đã được Viện Văn hóa Thế giới Paris mời tham gia chương trình “Lễ hội Âm nhạc Thế giới” tổ chức tại Paris (Pháp).

Là người con của dân tộc Nùng ở Lạng Sơn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Toàn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam đã có nhiều năm tâm huyết nghiên cứu về các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số ở Việt Bắc. Đề cập đến việc khai thác các giá trị văn hóa của Then phục vụ phát triển du lịch, ông nhấn mạnh, khách du lịch thường muốn thấy tận mắt và nếu có thể thì được trải nghiệm những gì chưa biết, nhất là những di sản văn hóa mới được các cấp có thẩm quyền công nhận.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Toàn đưa ra 3 khuyến nghị: Trước hết, cần thu hút du khách ở những nét đặc thù. Nói cách khác, tuy Then là “đặc sản” chung của cả vùng, song rất cần khai thác và phát huy nét riêng làm nên bản sắc vùng miền để du khách không nhàm chán. Phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền tạo nên sự hấp dẫn độc đáo, bởi về diễn xướng, các nhà chuyên môn nhận thấy về giai điệu thì Then Tày mượt mà còn Then Nùng thì dồn dập. Then lại có nhiều làn điệu khác nhau ở mỗi địa phương, mà làn điệu Then ở từng địa phương luôn nhất quán từ đầu đến cuối theo những nốt nhạc ít thay đổi.

Tiếp đến, về nội dung diễn đạt, cần thu hút du khách bằng những câu chuyện, sự tình hấp dẫn, gắn với những địa danh nổi tiếng, liên quan đến những sản vật đặc biệt của địa phương. Nên khai thác khả năng đặt lời mới, kể cả có cải biên, miễn sao cho phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp, tạo điều kiện gắn bó hoặc gần gũi với du khách. Về hình thức diễn đạt, cần thu hút du khách bằng ngôn ngữ dễ tiếp nhận. Như thế, nên khai thác khả năng thể hiện đa ngữ: Tiếng dân tộc - tiếng Việt (ngôn ngữ quốc gia) - các ngoại ngữ phổ biến, nhất là tiếng nói của đa số trong mỗi đoàn du khách. Muốn vậy, còn cần khuyến khích các soạn giả sáng tác song, đa ngữ hay chuyển dịch ngôn ngữ càng nhuần nhuyễn càng thu hút người nghe.

Sau cùng, cần thu hút du khách bằng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, như kết hợp du lịch tâm linh với du lịch văn hóa - sinh thái, đặc biệt là phối hợp khai thác giá trị văn hóa của các di sản (cũng đã được công nhận) khác, kể cả của các dân tộc khác ở địa phương. Đương nhiên là Then có thể xuất hiện ngay trong một số tập quán xã hội và tín ngưỡng, như nghi lễ Hét Khoăn và nghi lễ Cấp sắc của người Nùng (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).

Để đa dạng hóa sản phẩm du lịch và để du khách có thể phân tích so sánh, có thể phối hợp giới thiệu cả nghi lễ cấp sắc của người Dao hoặc Lễ cấp sắc của người Sán Dìu (xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên và xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Như thế, không chỉ các nghệ thuật trình diễn dân gian như: Lượn Cọi của người Tày (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) mà có thể phối hợp cả với hát soọng cô của người Sán Dìu (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái nguyên), múa Tắc Xình và hát sấng cọ (hát ví Lưu Tam) của người Sán Chay (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), nghệ thuật Khèn của người Mông (huyện Phú Lương và huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên)... Nhìn chung, mọi sự kết hợp hay phối hợp đều có thể góp phần giúp cho du khách nhận ra sự phong phú và đa dạng của các di sản văn hóa đã được công nhận.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Toàn cũng khẳng định, Then là hình thức diễn xướng đặc sắc của các dân tộc Tày và Nùng ở Việt Bắc, bởi vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để khai thác hợp lý nhất các giá trị của Then cùng những tiềm năng văn hóa - xã hội khác ở địa phương để có thể phục vụ tốt nhất cho hoạt động du lịch. “Đương nhiên, chúng ta cần phát triển du lịch bền vững, nghĩa là không chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, song việc khai thác các giá trị của Then vẫn luôn phải coi trọng bảo tồn cho được bản sắc văn hóa vùng miền, hình thành đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc cùng chung sức xây dựng và phát triển đất nước, vì các nhu cầu của cuộc sống, trong đó có nhu cầu du lịch của con người” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Toàn nhấn mạnh./.

Ngô Khiêm

 

Nguồn: Báo Biên Phòng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT