Non nước Việt Nam

Người lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống ở Đắk Lắk

Cập nhật: 31/05/2021 15:46:39
Số lần đọc: 970
Đối với đồng bào dân tộc Êđê, dệt thổ cẩm không chỉ tạo ra những sản phẩm phục vụ gia đình, mà nó còn thể hiện sự đảm đang, nét đẹp của người phụ nữ. Chính vì thế, ngay từ nhỏ bà H’Wik Niê (buôn Bling, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) đã yêu thích và tập học dệt từ những người già trong buôn.


Những chiếc chén đồng được bà H'Wik Niê gìn giữ cẩn thận.

Đến nay, dù đã hơn 60 tuổi, không làm được công việc nặng nhưng bà H’Wik vẫn giữ thói quen hằng ngày ngồi dệt vải, tạo ra những chiếc địu, chăn, váy áo tặng con cháu làm của hồi môn khi cưới hỏi.

“Ngày trước để có chỉ dệt, tôi phải tự trồng và thu hoạch bông, rồi kéo sợi thành chỉ để dệt vải. Trong các sản phẩm dệt của người Êđê, màu đen là màu chủ đạo, chiếm diện tích lớn nên phải lên rừng để tìm cây krum (cách gọi của đồng bào Êđê) làm màu đen cho chỉ. Cây này sau khi hái về ngắt lá ngâm trong nước ba ngày, rồi chắt lấy phần nước đặc màu đen đọng bên dưới để nhuộm vải. Để tạo chỉ màu sắc dệt hoa văn, thì phải tìm cây djiê amĩ, dùng lá cây chà trực tiếp lên chỉ sẽ cho ra màu xanh, hay cây băl sẽ tạo được màu đỏ, nghệ làm ra màu vàng…”, bà H’Wik kể.

Vừa học dệt vừa tìm nguyên liệu mất khá nhiều thời gian nên sản phẩm đầu tay của bà là chiếc địu dài 6 m, nhưng phải mất hai năm mới hoàn thành, hiện bà vẫn gìn giữ chiếc địu này như một vật kỷ niệm. Theo bà, hiện nay các sợi chỉ bông đã được thay thế bằng chỉ công nghiệp, đa dạng màu sắc, nên dệt vải đỡ vất vả và không tốn thời gian như trước. Với tay nghề thành thạo, chỉ mất một tuần là bà đã tạo ra sản phẩm thổ cẩm ưng ý. Ngoài những hoa văn truyền thống như: cây, lá, con vật… bà còn dệt thêm chữ của dân tộc mình lên chăn, địu để tạo nét mới lạ, độc đáo.

Ngoài dệt vải, gia đình bà H’Wik Niê còn có truyền thống là ủ rượu cần nên từ khi còn nhỏ, bà đã được học và làm quen với quy trình ủ rượu. Đến khi lấy chồng, bà vẫn giữ thói quen làm rượu cần để phục vụ gia đình và dùng trong dịp lễ hội của buôn. Do vậy, trong nhà bà luôn có sẵn 5 - 9 ché rượu lớn nhỏ từ 5 – 10 lít, cứ mẻ này dùng hết bà lại tiếp tục làm mẻ mới. Rượu cần trở thành thức uống không thể thiếu trong mọi sinh hoạt của gia đình.

Để ủ một ché rượu đúng vị truyền thống, bà làm men từ cây hem, gạo, củ riềng; rồi nấu cơm, sau đó đổ ra bạt để nguội; tiếp đến rải đều men, vỏ trấu sạch lên và cho vào ché, dùng lá chuối hơ lửa bịt kín miệng rồi để nơi thoáng mát. Chỉ cần ủ một tháng là có thể mang ra sử dụng, để càng lâu hương vị rượu cần càng thơm, ngon. Do ủ rượu cần có tiếng trong buôn nên bà được nhiều người tin tưởng đặt ủ rượu vào các dịp lễ, tết.

Gia đình bà H’Wik còn gìn giữ hai chiếc ché cổ được bố mẹ để lại hơn 50 năm nay. Do kích thước ché lớn nên không sử dụng để ủ rượu nữa, nhưng những chiếc ché này vẫn được bà lau chùi sạch sẽ và cất cẩn thận một góc trong nhà. Say mê với văn hóa truyền thống, bà còn mua lại một bộ chén đồng 11 cái, có kích thước khác nhau, dùng để đựng thức ăn và rượu cần để dâng lên thần linh trong các lễ cúng của đồng bào Êđê. Theo bà H’Wik, những chiếc ché cổ, chén đồng không còn thấy nhiều nữa. Đây cũng là những vật dụng truyền thống bà gìn giữ để truyền lại cho con cháu sau này, giúp chúng trân trọng, tiếp tục lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Phương Thảo

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT