Non nước Việt Nam

Trang phục thầy cúng của người Dao tiền

Cập nhật: 27/05/2021 08:09:53
Số lần đọc: 1032
Với màu chàm đen chủ đạo, trang phục của thầy cúng người Dao tiền mang nét huyền bí, linh thiêng như chính các nghi lễ cúng truyền thống của dân tộc họ. Khoác trên mình trang phục nghi lễ, người thầy cúng như trở thành cầu nối giữa thế giới dương linh với thế giới tâm linh (giữa người sống với thần linh, linh hồn người chết).

Một bộ trang phục thầy cúng gồm: Mũ, thắt lưng, dây đeo, chiêng… những loại nhạc cụ được đem theo phù hợp với từng trường hợp cúng cụ thể.

Chiếc mũ được thiết kế theo hình chóp hướng lên trên, nền mũ là một màu đen, nhuộm chàm, rộng chừng 20cm, cao 30cm, hai bên có 2 tai mũ dài khoảng 12cm, trên chiếc mũ có 8 quả bông len nhỏ được đính ở các góc mũ. Đây là điểm nổi bật, ấn tượng trên bộ trang phục thầy cúng.

Áo dài đến gót chân người mặc, với một màu chàm đen chủ đạo, không có cúc, được buộc bằng dây, thắt đai. Phần cổ áo, ống tay áo có điểm ở một số hoa văn họa tiết hình học, cỏ cây, hoa lá… Đặc biệt, trên trang phục thầy cúng khác với những bộ trang phục ngày thường là 3 dây đeo bằng vải, có chiều dài khoảng 150cm, rộng 20cm được vắt qua vai, với 3 màu khác nhau gồm màu trắng, màu đen và màu đỏ. Các tua rua màu trên dây đeo có hoa văn sặc sỡ, đường thêu khá cầu kỳ bằng nhiều loại chỉ màu như đỏ, trắng, vàng… mang ý ngĩa linh thiêng, áp chế hung khí, tiêu trừ tiểu nhân, tạo sự uy nghiêm, mang lại vượng khí tài lộc.

Chiếc quần đi liền với bộ trang phục đồng màu với áo, ống rộng, đũng quần thường dài đến đầu gối, gấu quần dài chùm hết bàn chân.

Ông Lý Văn Tá, thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang (Lâm Bình) cho biết: Trang phục thầy cúng rất linh thiêng, chỉ mặc khi thực hành nghi lễ là cách nhận biết giữa thế giới dương linh và thế giới tâm linh. Chính vì vậy trải qua bao thời gian trang phục thầy cúng cũng không thay đổi, vẫn giữ nguyền giá trị và nét văn hóa truyền thống cổ xưa của tổ tiên.

Với người Dao tiền, thầy cúng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng. Trong các sự kiện như: Đám cưới, đám chay, ngày tết, lễ cấp sắc… không thể thiếu thầy cúng. Thông qua thầy cúng, người dân muốn gửi gắm những mong ước, khát vọng cầu cuộc sống bình yên, no đủ; con cháu thuận hòa, hiếu thảo, xóm làng yên ấm./.

Bài, ảnh: Cảnh Trực

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT