Non nước Việt Nam

Linh thiêng bếp lửa nhà sàn của đồng bào Tày, Tuyên Quang

Cập nhật: 24/05/2021 14:22:36
Số lần đọc: 1016
Trong ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày thì bếp lửa giữ vị trí quan trọng. Chính vì vậy, bếp thường được đặt ở phía trong cùng của gian chính, sau bàn thờ tổ tiên. Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, đó là một không gian đầm ấm và linh thiêng của người Tày.


Bếp lửa là nơi sinh hoạt chung của gia đình người Tày.

Việc làm bếp khá phức tạp, gồm 2 phần việc là làm khung bếp và làm gác bếp. Khung bếp làm bằng gỗ, ghép mộng hình vuông, cạnh dài khoảng 1 sải tay, 2 cạnh sườn kéo dài gác lên 2 chiếc xuyên sàn ở phía dưới. Phần lòng bếp đóng thành hộp như 1 chiếc thùng chắc chắn, có chiều sâu khoảng 3-4 gang tay, kín xung quanh để đựng đất kê bếp. Phần gác bếp chủ yếu làm bằng tre với kỹ thuật đục mộng. Gác bếp được treo ngay phía bên trên bếp lửa, trên tầm người đứng. Gác bếp là nơi bảo quản hạt giống, các công cụ nông nghiệp hay bó măng khô. Hiện nay, gác bếp là nơi để bảo quản các loại thịt (thịt lợn, thịt bò, thịt trâu). Và các món thịt treo gác bếp (thịt trâu khô, lợn treo gác bếp…) là đặc sản của đồng bào dân tộc được nhiều người ưa chuộng.

Thông thường, người dân tộc Tày sẽ làm bếp mới khi dựng nhà mới. Và cái bếp đó sẽ được sử dụng đúng theo tuổi thọ ngôi nhà. Theo phong tục truyền thống của người Tày, khi ngôi nhà được xây xong, việc đầu tiên là rước Thần lửa vào nhà. Người Tày luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn, hạnh phúc cho ngôi nhà của mình. Vì vậy, người châm bếp lửa vô cùng quan trọng. Gia chủ sẽ mời một hoặc vài người già có uy tín trong làng bản đến châm bếp và chúc phúc cho gia chủ. Sau đó, gia đình sẽ chuyển vào ở trong ngôi nhà mới và phải giữ cho ngọn lửa trong cái bếp mới cháy liên tục trong một ngày một đêm, ba ngày ba đêm thì càng tốt. Làm như vậy, gia đình mới yên vui, hạnh phúc, ăn nên làm ra…

Với quan niệm, Thần lửa là vị thần may mắn nên ở ngay cạnh bếp chính, người Tày thường đặt một ống tre để thờ Thần bếp lửa. Người Tày luôn tin tưởng vị thần này sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn và hạnh phúc cho gia đình. Do đó, vào ngày mùng một, rằm, ngày Tết hay có việc liên quan đến gian bếp họ thường thắp hương cúng Thần bếp lửa.

Với người Tày, bếp lửa như một biểu tượng cho người đàn ông trong gia đình, vững chãi, chắc chắn. Sự rộng rãi, thoáng mát của ngôi nhà sàn chính là biểu tượng cho tấm lòng của người đàn ông bao dung, khoáng đạt. Và người giữ cho căn bếp ấy luôn ấm áp chính là phụ nữ. Người phụ nữ chính là người đốt lửa, giữ cho căn nhà luôn ấm áp, xua tan u ám, bệnh tật của đồng bào; tiếp lửa cho người đàn ông trở nên mạnh mẽ. Tất cả những điều đó làm nên hình ảnh bếp lửa thiêng liêng trong văn hóa tinh thần của người Tày Tuyên Quang.

Hoàng Anh

 

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT