Bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Kim Liên (Nghệ An)
Du khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh chụp trước ngày 29-4-2021).Ảnh: SÁCH NGUYỄN.
Quần thể Khu di tích Kim Liên hiện có: Cụm di tích Hoàng Trù, quê ngoại của Bác Hồ; cụm di tích Làng Sen, quê nội của Bác Hồ; khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh và Di tích núi Chung, nơi Bác thường lên chơi, thả diều từ thời niên thiếu. Kho hiện vật Khu di tích Kim Liên hiện đang lưu giữ, trưng bày 42 đầu loại hiện vật với gần 4.000 đơn vị hiện vật. Ban quản lý Khu di tích Kim Liên đã xây dựng hồ sơ khoa học cho hầu hết các di tích và tài liệu, hiện vật của Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác.
Khu di tích Kim Liên có khuôn viên rộng, các điểm di tích nằm rải rác không tập trung, kết cấu tạo thành di tích là những vật liệu thô sơ, kém bền vững lại nằm trong những khu vườn kín có nhiều cây cối nên chịu sự xâm hại đến tài liệu, hiện vật di tích. Trong khi đó, đặc thù của công tác bảo tồn Khu di tích Kim Liên được thực hiện trong điều kiện là một kho mở hoàn toàn, vừa làm công tác bảo quản, giữ gìn vừa phục vụ khách tham quan. Do vậy, công tác bảo tồn ở khu di tích không thể tiến hành theo đúng quy trình như một kho bảo quản thông thường. Những năm gần đây, Khu di tích Kim Liên đã chú trọng áp dụng công nghệ thông tin và các trang thiết bị kỹ thuật số trang bị cho kho lưu trữ, máy thuyết minh tự động, màn hình điện tử cảm ứng.... Website của Khu di tích Kim Liên cũng đã đi vào hoạt động, bước đầu phát huy tác dụng tốt. Dù nhiều khó khăn nhưng Ban quản lý Khu di tích Kim Liên đã bảo quản, giữ gìn tốt các di tích bất động sản, tài liệu, hiện vật và cảnh quan môi trường trong khu di tích. Bên cạnh đó, Khu di tích Kim Liên đã thực hiện công tác tu bổ được nhiều hạng mục công trình như: Lợp lại mái tranh các di tích theo định kỳ; tu bổ sân, nền, đường di tích; xử lý hệ thống thoát nước; cải tạo nâng cấp lưới điện bảo vệ; lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động; tu bổ, tôn tạo nâng cấp vườn cây trong khu di tích và trong khuôn viên bảo tàng, nhà tưởng niệm.
Khách tham quan, hành hương về quê Bác gồm nhiều thành phần, lứa tuổi, trình độ học vấn khác nhau, khách nước ngoài đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Các đoàn khách đến với Khu di tích Kim Liên có nhiều hoạt động phong phú như: Tham quan, nghiên cứu, học tập, tổ chức nghi lễ dâng hương, dâng hoa, báo công tưởng niệm, tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới, trồng cây lưu niệm, dã ngoại, học tiếng Anh của các em học sinh, trao đổi kinh nghiệm, nói chuyện chuyên đề về Bác Hồ... nhưng cũng có nhiều đoàn khách coi việc về với Khu di tích Kim Liên như một nhu cầu tự thân, là việc làm thường nhật...
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách tham quan, Ban quản lý Khu di tích Kim Liên chú trọng việc nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, đổi mới từ khâu tổ chức đón tiếp, nội dung thuyết minh, đến việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Chị Lương Thị Định, hướng dẫn viên của Khu di tích Kim Liên cho biết: “Để làm tốt công việc của mình, chúng tôi phải tích cực tự học, tự nghiên cứu, đọc nhiều sách, nhiều tư liệu về Bác, trang bị cho mình vốn kiến thức phong phú và chuyên sâu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Công việc của hướng dẫn viên không chỉ thuyết minh mà khi đón tiếp, trò chuyện, nhiều du khách muốn tìm hiểu thêm thông tin khác về Bác, thì lúc đó hướng dẫn viên phải có vốn kiến thức phong phú để giải đáp những câu hỏi của du khách. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên trau dồi kỹ năng thuyết minh, làm sao để du khách cảm nhận được một cách chân thực, xúc động nhất những kỷ niệm thời niên thiếu và hai lần về thăm quê của Người”.
Từ ngày thành lập năm 1956, đến nay Khu di tích Kim Liên hầu như ngày nào cũng có khách đến tham quan. Hằng năm, Khu di tích Kim Liên đón từ 1,5 đến 2 triệu lượt người. Điều đó đã khẳng định sức hấp dẫn với những giá trị sẵn có của Khu di tích Kim Liên, đồng thời cũng khẳng định tình cảm của nhân dân và bạn bè quốc tế đối với Người là vô hạn, thiêng liêng.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết: “Ngoài công việc chuyên môn là bảo tồn di tích, phục vụ khách tham quan, thời gian tới, chúng tôi sẽ kết nối quần thể Khu di tích Kim Liên gắn với hệ thống các di tích trên địa bàn Nam Đàn nhằm đa dạng hóa các dịch vụ, các sản phẩm du lịch để hấp dẫn hơn đối với du khách, đồng thời xây dựng Khu di tích Kim Liên luôn là một “địa chỉ đỏ”, một điểm du lịch lịch sử-văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng, tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.