Non nước Việt Nam

Khôi phục các nghi lễ, tín ngưỡng truyền thống ở Lào Cai

Cập nhật: 25/05/2021 09:33:44
Số lần đọc: 794
Thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh Lào Cai luôn chú trọng sửa chữa, tôn tạo di tích văn hóa; khôi phục các nghi lễ, tín ngưỡng truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.

Ảnh minh họa: Lễ hội đền Bắc Hà được tổ chức trang trọng, uy nghiêm.
 
Văn hóa tâm linh có những biểu hiện phong phú, đa dạng trong đời sống của người dân. Ở phạm vi cộng đồng là việc xây các đền, miếu và thực hành các nghi lễ cúng thành hoàng, thần rừng, thần nước, các vị anh hùng có công với đất nước, các danh nhân văn hóa...
 
Đầu năm 2021, thôn Bản Cáng (xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai) đã kêu gọi người dân hiến đất, hiến công tôn tạo lại miếu đầu làng và tổ chức phục dựng nghi lễ cúng thành hoàng làng. Đây là ngôi miếu thờ lâu năm, có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Năm 1979, do cháy lớn, miếu đã bị thiêu rụi. Sau nhiều năm, miếu được xây lại và nghi lễ cúng thành hoàng làng được phục dựng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.
 
Ông Nông Văn Vảng (thôn Bản Cáng) cho biết: Xây dựng lại miếu và khôi phục lại nghi lễ cúng thành hoàng làng vào dịp đầu năm là nguyện vọng của bà con. Trước đây, cuộc sống của người dân còn khó khăn nên chưa có điều kiện thờ cúng. Nghi lễ cúng được phục dựng, chúng tôi đã có một địa chỉ tâm linh để hướng về.
 
Miếu thôn Bản Cáng được xây dựng không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân mà còn là địa chỉ để người dân tổ chức các lễ hội truyền thống hằng năm, ôn lại cho thế hệ sau về quá trình xây dựng làng xóm. Bà Nông Thị Thu Hà, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thành cho biết: Đây sẽ là nơi để người dân chiêm bái, cầu mong mưa thuận, gió hòa, năm mới bình an. Việc xây miếu và phục dựng lại nghi lễ truyền thống đã được chính quyền địa phương và người dân nghiên cứu, tìm hiểu đảm bảo tuân thủ các yếu tố văn hóa tâm linh, đồng thời lưu giữ nét văn hóa đặc sắc trong phong tục, tập quán của đồng bào địa phương.
 
Những năm qua, nhiều công trình, hiện vật liên quan đến văn hóa tâm linh đã trở thành những di sản văn hóa, lịch sử quý. Hiện nay, Lào Cai có 8 đền được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, 17 đền được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
 
Đền Mẫu Sảng Chải (huyện Mường Khương) gắn liền với đời sống tâm linh và lịch sử giữ nước của người dân. Đầu tháng 5/2021, đền được UBND tỉnh phê duyệt xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Như vậy, 9 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đều có các di tích lịch sử - văn hóa là địa điểm tâm linh được xếp hạng. Để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của địa phương, UBND huyện Mường Khương đã kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, mở rộng diện tích đền với quy mô 1,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2021, Mường Khương sẽ hoàn thành việc xây dựng, tu sửa.
 

Người dân thôn Bản Cáng (xã Hợp Thành) phục dựng lại nghi lễ cúng thành hoàng làng. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
 
Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương, nhiều công trình văn hóa tâm linh được xây dựng ở những địa điểm có phong cảnh thiên nhiên đẹp đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, kèm theo đó là những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, dân tộc. Những ngôi đền như đền Thượng (thành phố Lào Cai), đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên), đền Cô Tân An (Văn Bàn), đền Bắc Hà (huyện Bắc Hà)… thu hút hàng nghìn du khách thập phương tham quan, chiêm bái mỗi năm. Trong đó, lễ hội đền Bắc Hà được tổ chức hằng năm để ghi nhớ công ơn các vị anh hùng dân tộc, tưởng nhớ ngày mất của Gia quốc công Vũ Văn Mật được đông đảo du khách thập phương biết đến. Đây cũng là dịp để huyện Bắc Hà quảng bá hình ảnh của địa phương, góp phần phát triển du lịch.
 
Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: Việc tu sửa đền và tổ chức lễ hội đền Bắc Hà là cơ hội để địa phương quảng bá vùng đất, con người tới du khách. Chúng tôi đang nỗ lực phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, từ đó thu hút du khách đến địa phương.
 
Thời gian qua, văn hóa tâm linh luôn được Lào Cai quan tâm, chú trọng. Quan điểm của tỉnh là phát triển văn hóa tâm linh không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, mà còn đưa các địa điểm tâm linh trở thành các điểm du lịch. Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp phát huy tiềm năng các di tích lịch sử - văn hóa, phân cấp quản lý các di tích sau khi đã được công nhận, xếp hạng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy tiềm năng của các di tích, trong đó có các di tích liên quan đến tín ngưỡng tâm linh. Hằng năm, các địa phương chủ động đề xuất việc tu bổ, tôn tạo các đền, miếu và tổ chức các lễ hội, tín ngưỡng dân gian phù hợp. Đối với những cơ sở tâm linh chưa được xếp hạng, các điểm sinh hoạt tâm linh của cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm kê, khảo sát và áp dụng quản lý theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
 
Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa cho biết: Tại Lào Cai, các địa điểm tâm linh đều có ở các địa phương. Để các địa điểm tâm linh phát huy giá trị và người dân tiếp nhận tín ngưỡng đòi hỏi có sự quản lý từ phía cơ sở. Mọi hoạt động tín ngưỡng phải được giám sát và được các cấp hướng dẫn người dân tổ chức, phục dựng cũng như tiếp nhận hiện vật trưng bày tại các đền, miếu phù hợp.
Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT