Hoạt động của ngành

Khai thác tiềm năng du lịch vùng hồ huyện Cao Phong, Hòa Bình

Cập nhật: 23/07/2020 09:14:19
Số lần đọc: 710
Có đền Bờ đã được đưa vào danh sách kiểm kê di tích cấp tỉnh, cảnh sắc vùng hồ sơn thủy hữu tình, cùng vẻ đẹp bản làng Mường mang nét nguyên sơ..., những lợi thế này được huyện Cao Phong tập trung khai thác để phát triển du lịch.


Hạ tầng bến tàu Thung Nai (Cao Phong) được đầu tư nâng cấp thuận tiện, đáp ứng nhu cầu thăm quan, du lịch vùng hồ.

Là điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng, hàng năm, đền Chúa Thác Bờ đón hàng vạn khách thập phương đến vãn cảnh, đi lễ, cầu may. Theo đồng chí Bùi Tiến Dũng, Trưởng Phòng VH-TT huyện, đền Chúa Thác Bờ cũng là điểm đến quan trọng trong các tour, tuyến du lịch vùng hồ. Hành trình tour du lịch đền Bờ nếu xuất phát từ cảng Thung Nai - xã Thung Nai, du khách di chuyển bằng tàu. Trong khoảng 15 phút trên tàu, du khách được ngắm cảnh đẹp vùng hồ với những đảo to, đảo nhỏ nhấp nhô kỳ thú không khác gì trên vịnh Hạ Long. Tại đền Chúa Thác Bờ, du khách thăm quan và dâng hương tại đền, có cơ hội thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ xong chừng 40 phút xuống tàu đi qua đền Cô, ghé thăm quan động Thác Bờ, xuống tàu đến khu du lịch sinh thái Đảo Dừa, tự do khám phá đảo và nghỉ ngơi, dùng bữa trưa, sau đó lên tàu trở về cảng Thung Nai. Một tour cũng khá hấp dẫn được các công ty du lịch đưa vào khai thác là tour khám phá lòng hồ Hòa Bình - đền Chúa Thác Bờ - bản Ngòi.

Chuyến khám phá du lịch vùng hồ Cao Phong sẽ thiếu đi sự hoàn hảo nếu du khách quên ghé thăm điểm du lịch cộng đồng xóm Tiện, xã Thung Nai và xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh để hòa mình vào thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống của người dân bản Mường vùng ven hồ. Nếu như bản Mường Giang Mỗ đã khá quen thuộc đối với du khách trong nước, quốc tế thì xóm Tiện, xã Thung Nai là bản du lịch cộng đồng khơi gợi trí tò mò, mới đưa vào hoạt động từ năm 2019. Điểm chung của 2 bản du lịch cộng đồng này mang vẻ đẹp của núi non hùng vĩ, những nét truyền thống đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc trong phong tục tập quán, từ lời ăn tiếng nói, trang phục, hình thái kiến trúc nhà sàn... vẫn được lưu giữ, bảo tồn.

Đánh giá về tình hình phát triển du lịch vùng hồ trên địa bàn, đồng chí Trưởng Phòng VH-TT huyện cho rằng: Với những lợi thế, tiềm năng nêu trên, du lịch vùng hồ Cao Phong có nhiều cơ hội để phát triển, góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân. Hiện tại, du khách khám phá vùng hồ Cao Phong bằng phương tiện tàu, thuyền khá hài lòng về chất lượng hạ tầng tại các tuyến, điểm du lịch. Cụ thể là hoạt động của 2 bến, gồm 1 bến cảng Thung Nai được tỉnh giao Công ty TNHH Tiến Anh quản lý, khai thác và 1 bến thuyền do UBND xã Thung Nai quản lý đã đi vào ổn định, nề nếp. Tuyến đường giao thông đến các xóm, bản du lịch cộng đồng cũng được cứng hóa, tạo thuận lợi cho du khách đến thăm quan, trải nghiệm...

Hiện nay, tại 2 xã Bình Thanh, Thung Nai đã và đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư phát triển du lịch, trọng tâm là đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Kể từ tháng 4, sau diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đền Chúa Thác Bờ và một số điểm du lịch vùng hồ trên địa bàn huyện đã đón khách trở lại, lượng khách đến thăm quan tăng cao. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi tuyến đường tỉnh 435 hoàn thành và thông tuyến sẽ tạo đà cho du lịch vùng hồ của địa phương tăng tốc, phát triển mạnh mẽ hơn.

 

Bùi Minh

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục