Khám phá Hồng Hạ (Thừa Thiên Huế)
Ngay sát Quốc lộ 49, gần trụ sở UBND xã Hồng Hạ (A Lưới), tấm biển giới thiệu khu du lịch sinh thái suối Pârley gây tò mò cho không ít du khách. Hôm chúng tôi đến, thời tiết không chiều lòng người nhưng bãi giữ xe vẫn có khá nhiều ôtô, xe máy. Từ điểm dừng chân men theo con đường mòn giữa đại ngàn hùng vĩ chừng 10 phút, hiện ra trước mắt du khách là dòng suối Pârley trong vắt tựa như dải lụa trắng mềm mại uốn lượn quanh những tảng đá rêu phong nhuốm màu thời gian. Anh Phước An, một du khách từ TP. Huế lần đầu đến đây bảo, suối Pârley vẫn còn giữ được nét hoang sơ, đó là điểm thú vị nhất khi đến nơi đây...
Ông Lê Văn Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho hay, tuy mới đi vào hoạt động từ năm 2016, nhưng điểm du lịch suối Pârley thu hút khá đông khách. Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến tháng 8/2016, điểm du lịch này thu hút trên 19 nghìn lượt khách; trong đó khách ngoài tỉnh hơn 3 nghìn lượt. Khách nước ngoài cũng bắt đầu có, doanh thu hơn 900 triệu đồng (bao gồm nguồn thu từ dịch vụ thuê chòi, giữ xe, cho thuê áo phao, thực phẩm, giải khát và tiền vé). Khu du lịch cũng đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân bản địa. Chị Trần Thị Lem, thành viên của tổ du lịch cho biết, thu nhập của các thành viên tính theo doanh thu, bình quân khoảng 2 triệu đồng/tháng, so với mức sống ở đây cũng tạm ổn.
Hồng hạ cũng đang triển khai dịch vụ du lịch cộng đồng homestay để có thể giữ chân được khách lưu trú . Đây là một loại hình “du lịch xanh”, thay vì ở khách sạn hoặc nhà nghỉ, du khách chọn ở ngay tại nhà của người dân địa phương và có thể trải nghiệm cách sống và văn hóa của người bản địa. Để đáp ứng được tiêu chí này, địa phương đã xây dựng thử nghiệm khu lưu trú theo mô hình nhà Gươl truyền thống của đồng bào, với chất liệu gỗ, tre, nứa, tấm lợp lá cọ… Tại đây du khách có thể trải nghiệm không gian văn hóa của đồng bào như đốt lửa trại, uống rượu booh, cùng hòa mình với điệu múa Da dá, văn nghệ dân gian. Ẩm thực núi rừng cũng là điều không thể bỏ qua với các món ăn đặc trưng như cơm lam, gà đồi nướng, canh súp sắn…
Ngoài ra, xã còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như đến thăm cột đá thiêng A Doi kết hợp khám phá thiên nhiên tại khu vực lòng hồ thủy điện Hương Điền, tham quan bản làng, trải nghiệm nghề đan lát đặc trưng của đồng bào dân tộc...
Để đa dạng hóa loại hình du lịch, thu hút được nhiều đối tượng du khách, ông Hợi cho biết, xã đã liên kết với các công ty du lịch, lữ hành để quảng bá, xây dựng các tour du lịch ngắn và dài ngày tham quan danh thắng, trải nghiệm đời sống của đồng bào dân tộc.
“Xã Hồng Hạ bắt đầu triển khai xây dựng khu nhà homestay rộng 2ha ở ngay trạm dừng chân trước khi vào suối Pârley để phục vụ du khách, các tuyến đường nổi trên vịnh Cất Toom, Âm Bát (khu du lịch sinh thái Pârley) để du khách có thể thuận tiện di chuyển hơn”, ông Hợi chia sẻ thêm.
Chất lượng dịch vụ, chuyên nghiệp hóa du lịch là một trong những điểm yếu đang được Hồng Hạ từng bước khắc phục. Địa phương phối hợp với các tổ chức hữu nghị Huế tập huấn cho 12 thành viên tổ du lịch nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thành lập đội văn nghệ dân gian với 12 thành viên, đội ẩm thực gồm 4 thành viên, tổ dệt dèng, đan lát 5 thành viên và tổ phục vụ lễ tân bán hàng, hướng dẫn viên gồm 4 thành viên.
Du lịch Hồng Hạ hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến thu hút được nhiều du khách, nhưng hiện nay không nhiều người biết đến thương hiệu du lịch sinh thái Hồng Hạ. Chỉ với thông tin “Suối Pârley – homestay Hồng Hạ” trên facebook là chưa đủ, du lịch Hồng Hạ cần phải nghĩ cách thúc đẩy quảng bá thương hiệu, hình ảnh và hướng đến việc xây dựng dịch vụ dần có chất lượng hơn./.