Non nước Việt Nam

Khám phá nghề dệt choàng ở Đồng Tháp

Cập nhật: 08/08/2023 12:33:19
Số lần đọc: 853
Nghề dệt choàng (dệt khăn rằn) xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vừa vinh dự đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống.


Nằm dọc theo cù lao sông Tiền, làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A ra đời từ những năm đầu thế kỷ XX. Qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều thăng trầm đến nay làng nghề vẫn duy trì và gìn giữ những nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp. Hiện có gần 60 hộ làm nghề, 150 khung dệt, tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương. Hàng năm, làng nghề sản xuất, cung ứng cho thị trường ở trong và ngoài nước hơn 5 triệu chiếc khăn choàng các loại.

Các sản phẩm từ nghề dệt khăn choàng thu hút du khách quốc tế. Ảnh: NH.

Khăn choàng (khăn rằn) cùng với chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh gần gũi như là biểu tượng cho người phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long cần cù, chịu thương, chịu khó từ bao đời nay. Riêng với Đồng Tháp, khăn choàng cũng đã rất đỗi quen thuộc trong đời sống sinh hoạt, lao động của người dân, đồng thời cũng là sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng được yêu thích. Từ những nét đặc sắc ấy, tháng 5/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghề dệt choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Theo người dân địa phương, làng nghề phát triển cực thịnh những năm đầu thập niên 90, cung cấp khăn rằn truyền thống cho nhân công cắt lúa, cấy lúa ngoài đồng. Bởi tính tiện dụng như lau mồ hôi, che nắng, chống bụi nên khăn rằn không thể thiếu với đời sống, sinh hoạt của nông dân.

Một số gia đình vẫn giữ lại máy dệt thủ công để kết hợp tăng tính trải nghiệm cho du khách. Ảnh: DT.

Do nguyên liệu làm khăn rằn lúc đầu còn thô sơ nhất là chỉ sợi, nên phải hồ qua bột gạo nửa ngày, phơi ba nắng để sợi dày dặn. Trước khi dệt, lại phải nhúng sợi chỉ đơn loại mảnh qua nước nên người thợ thường xuyên bị nước ăn da, đầu cổ, tóc ướt đẫm. Quá trình dệt, mỗi người thợ ngồi suốt trên khung cửi từ 5h đến cuối chiều. Công việc cực nhọc song tiền công của người thợ ngày trước khá eo hẹp. Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn như xả - nhuộm - hồ chỉ, mắc khung cửi và dệt. Lúc đầu, chiếc khăn choàng sản xuất hoàn toàn thủ công chỉ có hai màu đen - trắng hoặc nâu - trắng, đan chéo nhau tạo thành những ô vuông. Chiếc khăn hình chữ nhật, dài 120 cm, rộng từ 40 - 50 cm. 

Trước thách thức về khả năng tồn tại của làng nghề hơn 100 năm tuổi, người dân nơi đây đã không ngừng cải tiến, sáng tạo và kết hợp giữa yếu tố truyền thống, hiện đại, tạo ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Chiếc khăn rằn không chỉ có màu đen, màu nâu mà còn thêu trên đó hình ảnh đặc trưng của Đồng Tháp (hoa sen, sếu đầu đỏ…).

Chiếc khăn rằn trải qua nhiều công đoạn để hoàn thiện sản phẩm.

Năm 1998, điện lưới quốc gia đến với người dân ở vùng cù lao Long Khánh A, đây được xem là bước ngoặc lớn đối với làng nghề. Người dân đã mua và sử dụng khung dệt chạy bằng mô tơ điện. Hiện tại, nghề dệt choàng đã ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất hơn 80% các công đoạn thực hiện, nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Tuy vậy, hiện nay làng dệt choàng Long Khánh A vẫn duy trì một số khung dệt thực hiện bằng thủ công để phục vụ cho hoạt động du lịch, tham quan trải nghiệm. 

UBND huyện Hồng Ngự cho biết làng nghề dệt choàng Long Khánh là một trong 6 điểm du lịch cộng đồng được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển du lịch với những chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề. Huyện đã xác định trọng tâm phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối các điểm du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng nghề, văn hóa địa phương. Hiện, cồn Long Khánh được địa phương đầu tư bến tàu du lịch, hàng tuần đón du thuyền quốc tế tham quan cồn chủ yếu là làng nghề dệt khăn rằn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 100 di sản văn hóa phi vật thể tập trung ở các loại hình như Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống và nghề thủ công truyền thống. Trong đó, có một di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới (nghệ thuật Đờn ca tài tử), 3 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (hò Đồng Tháp, nghề đóng xuồng ghe Long Hậu, nghề dệt chiếu Định Yên).

Minh Thư

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 05/8/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT