Khám phá "thiên đường hang động" Pusamcap, Lai Châu
Có dịp lên Lai Châu, tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, du khách đừng quên dừng chân khám phá hang động Pusamcap. Động nằm trên địa bàn xã Pusamcap, huyện Sìn Hồ, cách thành phố Lai Châu chừng hơn 6 km về phía Tây. Với vẻ đẹp kỳ vĩ và huyền ảo, di tích quốc gia này đã và đang thu hút hàng vạn du khách đến thăm quan, trải nghiệm.
Quần thể hang động Pusamcap huyện Sìn Hồ (Lai Châu) hấp dẫn du khách ưa khám phá mạo hiểm.
Cùng vẻ đẹp tráng lệ, kỳ vĩ, u huyền, động Pusamcap còn được ví là "Thiên đường của hang động". Trên hành trình thám hiểm, cô hướng dẫn viên bản địa người dân tộc Thái kể cho chúng tôi nghe sự tích xưa: Liên quan đến sự tích hình thành nên vùng đất Phong Thổ (Lai Châu nay), tương truyền Ải Sái Hịa là người của nhà Trời được Then sai xuống hạ giới khai hoang mở đất. Xuống dân gian, Ải khai phá đất hoang thành những ruộng lúa. Mỗi cánh đồng nằm cách nhau mấy chục ngày đi đường. Vào buổi sáng, Ải sẽ nhổ mạ ở Mường Thanh, trưa thì về Mường Lò ăn cơm, chiều lại đi cấy ở Mường Tắt và Mường Than. Dãy núi Pusamcap chính là chứng tích của ba vùng mà Ải làm ngày ấy.
Động Pusamcap còn gắn với truyền thuyết về câu chuyện tình buồn của người con gái tên là Thị Lài. Đến tuổi trăng tròn, Lài có khuôn mặt như nàng tiên, e ấp, quyến rũ như hoa ban của núi rừng. Mọi chàng trai trong bản đều yêu mến nàng nhưng trái tim nàng đã sớm tìm được nơi gửi gắm. Chàng ta là một người khôi ngô, dũng mãnh nhưng nhà lại nghèo. Hai người yêu nhau say đắm. Vì mải mê vui trong tình yêu, quên đi ngày tháng mà họ quên mất rằng con nước đầu nguồn ập đến cuối trôi tất cả mọi thứ trong bản. Cha mẹ nàng vì cái đói mà phải nhận gùi thóc, chăn trâu cho trưởng bản độc ác. Hắn vốn để ý nàng từ lâu nhưng không thể đeo bám nàng được nên nay cơ hội đến. Lài buồn lắm, khóc nhiều ngày liền cho đến khi đôi mắt đẹp kia khô đi không còn giọt lệ. Chàng trai nghèo thấy vậy quyết định bỏ trốn cùng nàng vào trong núi. Cảm thông cho mối tình đẹp, thần núi rừng đã tạo ra giữa rừng một ngôi nhà bằng đá. Cuộc sống của họ trôi qua êm ả cho đến một ngày, trong lúc người chồng mải đuổi theo con thú hoang, tên trưởng bản độc ác đã tìm đến nơi hai người sinh sống. Hắn mang theo hàng tá quân lính, bọn chúng dữ tợn đến con voi lớn, con sư tử dữ dằn cũng bị giết chết. Thị Lài sợ hãi ôm những đứa con đang khóc thét không biết phải làm sao. Nỗi lòng của nàng được trời xanh nghe thấu nên đã làm cho mây đen kéo đến, bầu trời tối đen như mực, sấm chớp đùng đùng. Tên trưởng bản và quân lính đi theo vô cùng sợ hãi vào trốn trong những gốc cây. Khi tất cả đã trở lại bình yên thì mọi thứ đã bị hóa đá, mẹ con Thị Lài trở thành vĩnh cửu.
Cùng với những câu chuyện khiến cho động Pusamcap thêm phần cuốn hút, quần thể hang động Pusamcap là điểm du lịch hấp dẫn đối với tất cả những ai ưa thích khám phá, mạo hiểm với 3 động chính là Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh. Động Thiên Môn sẽ là điểm đến đầu tiên, hiện ra ngay khi bước vào cửa chính. Từ vòm cửa lớn nhìn vào có cảm giác sâu hun hút, cộng thêm hơi lạnh tỏa ra từ đá khiến sự hứng thú được đẩy lên cao. Du khách sẽ tận hưởng sự thú vị kế tiếp khi dò dẫm đi sâu vào phía trong, vừa lắng nghe tiếng tí tách của những giọt nước nhỏ xuống từ nhũ đá tựa bản nhạc tình ca êm ái. Tại chính giữa động là mặt hồ gợn sóng với hàng nghìn nền bì nhũ. Một cột sáng từ phía cuối động chiếu xuống tạo nên khoảng không gian tương phản sáng, tối mờ mờ, ảo ảo. Vượt qua khoảng sáng đó, sau một đoạn đường xuống khá cheo leo, du khách khám phá cảm giác mạnh bởi phải bám vào một sợi dây leo men theo sườn vách đá để đến động Thiên Đường. Hang động này giống như món quà kỳ diệu mà tạo hóa ban tặng để trí tưởng tượng của du khách được phát huy khi bắt gặp những nhũ đá được sắp đặt một cách tự nhiên đầy huyền bí. Có những khoảng hang nhờ đường cong uốn lượn nên tạo thành kiệt tác ruộng bậc thang, những hình thù nhũ đá như giàn hoa lan, hoa ban đặc trưng của núi rừng Tây Bắc hay những cột nhũ đá hoa văn uốn lượn quanh hồ nước trong vắt. Trong động còn có một cột nhũ đá vàng sừng sững, phía trên xòe ra và rủ xuống như hình chiếc lọng nên được gọi là "thiên lọng".
Hiện nay, do nằm ở vị trí không thuận lợi và chưa đáp ứng được các điều kiện an toàn nên động Thủy Tinh, một trong ba động chính của quần thể di tích quốc gia này vẫn chưa đi vào khai thác. Điều thú vị là nếu ở những hang động khác, du khách ít có dịp tiếp cận với nhiều loại thạch nhũ thì tại Pusamcap, du khách có thể chạm tay, sờ vào những nhũ đá đã được hình thành qua một quá trình dài. Cùng với những cảm giác này, tại điểm đến du lịch dành cho những du khách ưa khám phá, mạo hiểm này đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của du khách về bảo tồn di tích hang động nhằm gìn giữ vẻ đẹp kỳ quan mà phải mất hàng triệu năm thiên nhiên mới tạo thành.
Bùi Minh
Nguồn: Báo Hòa Bình