Non nước Việt Nam

Giá trị lịch sử - văn hoá của các sắc phong trên vùng đất Quảng Trị

Cập nhật: 10/03/2021 07:54:37
Số lần đọc: 782
Sắc phong được xem là di sản văn hóa độc đáo, có ý nghĩa quan trọng về khoa học, lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và nghệ thuật. Khi tìm hiểu về các sắc phong, chúng ta có thêm những hiểu biết quý giá về địa lý, lịch sử, văn hóa dân gian, giá trị về đặc trưng của thư pháp Hán Nôm và sự biến đổi qua các thời kỳ lịch sử. Sắc phong là do nhà vua phong chức tước cho quý tộc, quan chức của các vương triều và sắc phong thần phong tặng cho các vị thần được thờ ở trong đình, đền, miếu, từ đường..., đồng thời phản ánh hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính mang niên đại cụ thể, thể hiện vai trò tối thượng của nhà vua trong việc trị vì muôn dân và cai quản cả thế giới thần linh, kết hợp với các tín ngưỡng và đời sống tâm linh trong các lễ hội dân gian cũng như sinh hoạt văn hóa của làng, xã.  

Đoàn khảo sát thẩm định giá trị Chế phong của Vua Tự Đức phong công trạng cho Đô Uý quân cơ tại gia đình ông Lê Văn Chiến, thôn Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh-Ảnh: X.O​

Sắc phong triều Nguyễn

Tôi may mắn được tham gia cùng đoàn khảo sát tài liệu quý hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị do Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thực hiện. Theo báo cáo tổng hợp chưa đầy đủ của UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và kết quả khảo sát thực tế thì hiện tại các dòng họ, nhà thờ, từ đường, chùa làng tại một số địa phương trong tỉnh đang bảo quản, lưu giữ hàng trăm tập tài liệu cổ quý hiếm với hàng ngàn trang văn bản là những sắc phong, chế phong, gia phả, địa bạ, văn tự, sắc ấn và các văn bản khế ước...

Riêng các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh đã có gần 70 sắc phong được bảo quản kỹ càng, tình trạng vật lý của các sắc phong, văn bản cổ còn khá tốt được lưu giữ tập trung tại các địa phương như: Đình làng Hà Lộc, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng lưu giữ 28 sắc phong và nhiều tập địa bạ, khế ước…; làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng lưu giữ 6 sắc phong; làng Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng lưu giữ 1 sắc phong; thôn Trung Yên, xã Triệu Độ, huyện Triệu phong lưu giữ 21 sắc phong; nhà ông Lê Văn Chiến thôn Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh lưu giữ 1 chế phong của Vua Tự Đức phong cho Đô Uý quản cơ; Gia phả cổ tại dòng họ Lê Phước ở xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh; huyện Gio Linh còn lưu giữ 5 sắc phong và nhiều văn tự, chúc thư, hương phả, sắc ấn, bằng cấp…

Đặc biệt tại nhà thờ họ Mai, thôn An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh còn lưu giữ 2 sắc phong cổ đặc biệt quý hiếm có niên đại năm thứ nhất niên hiệu Cảnh Thịnh ban tặng ngày 19/2/1793 và ngày 16/10/1795 cho ông Mai Trọng Thông, người xã An Mỹ, huyện Minh Linh, phủ Quảng Thuận, nay là huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, vì đã trung thành với triều đình, chỉ huy quân đội coi trọng nghĩa lớn. Trong thời gian thi hành công vụ rất có công lao. Nay thăng chức Anh liệt tướng quân chỉ huy quân với chức vụ: Phó sứ, tước lược tài bá vì hết lòng với chức vụ đã giao; sắc phong thứ hai phong tặng chức vụ tước hầu.

Hai sắc phong trên là tài liệu rất quý, hiếm của triều đại Tây Sơn. Từ sau khi triều Nguyễn lật đổ Tây Sơn, các tài liệu quý hiếm đều bị nhà Nguyễn thu hồi, tiêu hủy nên việc còn lại 2 sắc phong thời kỳ này là duy nhất ở Quảng Trị nói riêng và rất hiếm ở khu vực miền Trung nói chung. Hai sắc phong này có giá trị lịch sử với những nội dung rất quan trọng không chỉ về mặt quân sự mà về văn hóa của thời kỳ Tây Sơn. Do đó, hai sắc phong xứng đáng được đưa vào danh mục những tài liệu đặc biệt quý hiếm của tỉnh Quảng Trị và cần được lưu giữ, bảo quản vĩnh viễn nhằm phát huy giá trị lịch sử của nó, phục vụ cho việc khai thác sử dụng trong đời sống xã hội của nhiều thế hệ mai sau.

Theo chuyên gia Hán nôm Nguyễn Thị Thu Hường, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thì những tài liệu quý, hiếm ở Quảng Trị về ngôn ngữ chủ yếu là Hán Nôm, là bản gốc gồm: Gia phả các dòng họ tiêu biểu, các sắc phong, sắc phong thần, gia phả, địa bạ, các văn bản khế ước mua bán ruộng đất… làm từ chất liệu giấy dó được hình thành cách đây 96 năm đến trên 228 năm về trước (tức là từ năm 1793 đến năm 1925) thời kỳ trị vì của các vị vua Cảnh Thịnh, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân Khải Định, Bảo Đại. Những tài liệu quý hiếm trên không chỉ là những hiện vật giàu tính khoa học, mà còn phản ánh tín ngưỡng thờ thần, là hiện vật linh thiêng trong đời sống tâm linh của người dân ở các địa phương làng xã.

Bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu quý hiếm

Qua thực tế khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu tài liệu quý hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, chúng tôi đã có dịp làm việc với các dòng họ, các niệm phật đường, từ đường… được trao đổi với các chủ sở hữu của hơn 100 bản tài liệu là sắc phong, sắc ấn, địa bạ, gia phả, hoành phi, câu đối, sách thuốc, khế ước và các loại văn tự khác với ngôn ngữ Hán - Nôm. Qua đó, chúng tôi nhận thấy rằng đây là tài sản quý giá về tinh thần của người dân trong việc gìn giữ được hồn cốt cũng như những nét đặc sắc riêng biệt trong văn hoá làng xã từ xưa đến nay và hầu hết tài liệu hiện đang được cá nhân, gia đình, dòng họ bảo vệ, bảo quản khá tốt, tình trạng vật lý của một số tài liệu còn rất mới, ít hư hỏng.

Đoàn khảo sát làm việc với dòng họ Lê Phước tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: X.O​

Tuy nhiên, trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu, tại một số dòng họ, địa phương trên địa bàn tỉnh, khối lượng tài liệu quý hiếm có giá trị mà cá nhân, gia đình dòng họ đang lưu giữ còn rất nhiều nhưng chưa được khảo sát, thống kê. Đặc biệt việc bảo quản và phát huy giá trị của nhiều sắc phong và tài liệu quý hiếm chưa được quan tâm thực hiện đúng với quy định của hướng dẫn, nhiều sắc phong, tài liệu cổ quý hiếm đã bị mục nát theo thời gian và sự bào mòn của thiên nhiên khắc nghiệt ở Quảng Trị. Chúng tôi có thể đưa ra một vài nhận định như sau:

Thứ nhất: Do người dân nhận thức chưa thật sự đầy đủ về giá trị và tầm quan trọng của sắc phong, các tài liệu quý hiếm đang lưu giữ tại các dòng họ. Nhiều người cho rằng đó là vật báu linh thiêng của tổ tiên để lại nên không dám mở ra, cứ cuộn tròn tài liệu đút vào túi nilon đặt cẩn thận trong thùng gỗ treo lên mái nhà nên theo thời gian, các tài liệu khô giòn, ẩm mốc, mục nát.

Thứ hai: Công tác quản lý nhà nước, bảo quản, bảo vệ, phát huy giá trị tài liệu quý hiếm trong đời sống xã hội, trong nghiên cứu khoa học, lịch sử còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa có sự thống nhất theo quy định tại Luật Lưu trữ. Theo đánh giá của đoàn khảo sát thì thực tế nhiều đơn vị không có thẩm quyền quản lý nhà nước vẫn thực hiện việc hướng dẫn, sưu tầm, số hoá, quay phim, chụp ảnh, ghi đĩa, số hóa tài liệu và gửi tặng gia đình bản dịch, giám định sơ bộ về nội dung... gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý, làm hỏng và mất mát tài liệu. Vì vậy cần có sự thống nhất trong chỉ đạo, quản lý nhà nước, hướng dẫn nghiệp vụ tránh chồng chéo, mạnh ai nấy làm như thực tế hiện nay.

Thứ ba: Việc giữ gìn và bảo quản các sắc phong vẫn chưa thật sự được quan tâm và đầu tư xứng đáng. Những sắc phong bị hỏng, nát cần được phục chế nguyên trạng, nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc của làng xã, để giá trị đó không bị phai mờ, mai một trong xu thế hội nhập, phát triển hiện nay. Trước hết, cần một nguồn ngân sách từ phía nhà nước thông qua cơ quan Lưu trữ nhà nước địa phương để tiến hành sưu tầm, thống kê, chỉnh lý, lập danh mục, số hoá tài liệu quý hiếm để phục vụ cho công tác khai thác sử dụng lâu dài. Đồng thời có phương án hỗ trợ miễn phí một phần ngân sách cho các gia đình, dòng họ có hoàn cảnh khó khăn trong công tác bảo quản, tu bổ tài liệu và một số sắc phong, tài liệu quý hiếm khác.

Thứ tư: Công tác quản lý, tuyên truyền quảng bá còn nhiều bất cập, chồng chéo, mạnh ai nấy làm, vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Đặc biệt giữa Bộ Nội vụ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ vào Luật Lưu trữ năm 2011 để xây dựng các quy định, chế tài cụ thể nhằm thực hiện việc quản lý, bảo quản sưu tầm theo mục đích, yêu cầu là tài liệu quý, hiếm và được bảo quản theo đúng quy định của pháp luật. Song song với các hoạt động quản lý nghiên cứu, cần làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, triển lãm, giới thiệu giá trị các sắc phong và tài liệu quý hiếm trên nhiều kênh thông tin đại chúng ở địa phương và trung ương, trong mọi tầng lớp nhân dân… Đặc biệt trong các trường học cần tổ chức những buổi ngoại khóa, những cuộc thi, buổi biểu diễn nghệ thuật có giá trị giáo dục văn hóa truyền thống thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng học sinh, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của thế hệ trẻ về ý thức giữ gìn di sản văn hóa quý giá của cha ông để lại.

Sắc phong, sắc ấn, địa bạ, gia phả, hoành phi, khế ước cổ… cần phải được lưu trữ vĩnh viễn. Bởi nó là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại, là nguồn sử liệu quan trọng quý giá, phản ánh được toàn cảnh bức tranh về văn minh, thước đo trình độ quản lý nhà nước từ xưa đến nay trong mỗi cơ quan, tổ chức ở các cấp, các ngành và mỗi quốc gia, góp phần quan trọng ghi lại và truyền bá cho thế hệ mai sau phát huy, kế thừa những giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại.

 

 Nguyễn Xuân Oanh

Nguồn: Báo Quảng Trị

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT