Non nước Việt Nam

Sóc Trăng: Xứ sở của những ngôi chùa tháp

Cập nhật: 12/01/2021 09:41:42
Số lần đọc: 1121
Sóc Trăng là xứ sở của những ngôi chùa tháp, nơi tập trung nhiều công trình kiến trúc tôn giáo của người Khmer với những nét đặc trưng không thể trộn lẫn.
Chùa Dơi
 
Chùa Dơi (hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup) thuộc phường 3 (thành phố Sóc Trăng). Được xây dựng năm 1569, sau nhiều lần trùng tu, năm 1960 chùa được sửa chữa lớn.
 
Chùa nằm trong khuôn viên 4ha, mang những nét kiến trúc đặc trưng của văn hóa Khmer, đó là các tháp và mái chùa màu vàng cam vút cong nổi bật giữa cây cối xanh mướt. Phía trong chính điện là pho tượng phật Thích Ca bằng đá nguyên khối đặt trên một tòa sen cao 2m. Đặc biệt, tại chùa Dơi hiện còn lưu giữ các bộ kinh ghi trên lá cây thốt nốt cùng nhiều hiện vật quý hiếm. Năm 1999, chùa Dơi được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
 
Chùa Som Rong
 
Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong (hay chùa Som Rong) nằm trên địa bàn phường 5 (thành phố Sóc Trăng), được xây dựng năm 1785. Từ xa, có thể dễ dàng nhận ra ngôi chùa bởi những nét kiến trúc và hoa văn trang trí đặc trưng của văn hóa Khmer như: Rắn thần Naga, chim thần Krud... phủ nhũ vàng. Chính điện là nơi thờ Phật cùng những bức bích họa mô tả cuộc đời của Đức Phật Thích Ca trên vách tường, trần. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 63m, cao 22,5m, là điểm nhấn thu hút khách tham quan.
 
Chùa Kh’leang
 
Là một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được xây dựng năm 1533, chùa Kh’leang thuộc phường 6 (thành phố Sóc Trăng) mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer pha trộn phong cách Việt - Hoa tinh tế. Chùa được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Bên trong chính điện có các cột gỗ đen to với hình ảnh thếp vàng nói về cuộc đời đức Phật và bức tượng Phật cao 6,8m được đúc năm 1916.
 
Ngoài các kiến trúc, hoa văn Khmer, chính điện còn được trang trí bằng các họa tiết đặc trưng của các dân tộc Kinh, Hoa thể hiện sự giao thoa văn hóa nghệ thuật giữa 3 dân tộc có quá trình cộng cư lâu dài tại Sóc Trăng. Đặc biệt, trong chùa còn có tủ sách trưng bày, trên đó có các lá buông chép kinh Phật bằng chữ Khmer cổ được giữ gìn cẩn thận.
 
Chùa Kh’leang đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1990.
Nguồn: hanoimoi.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT