Non nước Việt Nam

Sơn Dương (Tuyên Quang) phát triển du lịch trải nghiệm

Cập nhật: 24/12/2020 08:10:19
Số lần đọc: 985
Sơn Dương là vùng đất tươi đẹp, trù phú, còn lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa, sinh thái đặc sắc, vùng quê cách mạng. Nơi có nhiều cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, huyện đang chú trọng phát triển du lịch trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Sơn Dương từ lâu đã được du khách biết đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, nơi đây từng là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Đến đây du khách được hòa mình vào không khí thiên nhiên trong lành, tham quan quần thể khu di tích, được trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, những nét sinh hoạt độc đáo xa xưa của đồng bào dân tộc Tày, đặc biệt thưởng thức những món ăn đặc sản dân dã của núi rừng ngay tại dưới nếp nhà sàn homestay ở Làng văn hóa, du lịch Tân Lập.

Anh Nguyễn Quang Toàn, phường Xuân Đỉnh (Hà Nội) cho biết, anh lựa chọn du lịch huyện Sơn Dương vì muốn trải nghiệm không khí thiên nhiên trong lành sau thời gian làm việc, học tập căng thẳng. Anh và các bạn được trải nghiệm thăm làng nghề Chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào; được đi hái chè, tham gia các quy trình như: chăm sóc chè, hái, sao, đóng gói chè và chụp ảnh trên những nương chè ruộng bậc thang. Anh thấy đây là một tua du lịch trải nghiệm mới mẻ độc đáo, thú vị cho ngày nghỉ cuối tuần cùng gia đình, bạn bè với chi phí hợp lý.

Du khách tham quan trải nghiệm tại đồi chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương).

Toàn huyện Sơn Dương có 226 điểm di tích lịch sử, văn hóa, có 130 điểm đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó gồm 1 di tích Quốc gia đặc biệt, 47 di tích cấp quốc gia và 82 di tích cấp tỉnh; 96 di tích đã lập hồ sơ khoa học. Huyện có 40 cơ sở lưu trú, 13 hộ gia đình làm dịch vụ homestay, 112 cơ sở phục vụ ăn uống giải khát có từ 20 chỗ ngồi trở lên. Bên cạnh đó còn có những thắng cảnh thiên nhiên độc đáo như thác Đát, xã Hợp Hòa, thác Đồng Bừa, xã Đông Lợi; thác Đồng Đài, xã Đông Thọ... Các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện Sơn Dương có nhiều dấu tích xưa như di tích bãi đá cổ thôn Cao Đá, xã Sơn Nam; di chỉ cư trú của con người thời Hùng Vương tại thôn Phố Giò, xã Thiện Kế... Đặc biệt, với hàng chục lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo và các phong tục tập quán, những làn điệu dân ca, hát giao duyên của các đồng bào dân tộc như Tày, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, trên địa bàn cũng đã góp phần tạo nên những lợi thế cho du khách được trải nghiệm.

Chị Đặng Trung Anh, quận 5, TP Hồ Chí Minh nói, đây là lần đầu tiên chị đến thăm Sơn Dương. Chị rất ấn tượng với những nếp nhà sàn và được nghỉ dưỡng qua đêm của dịch vụ nghỉ homestay Hoàng Lâu, thôn Tân Lập, nó rất gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu sống xanh. Dưới nếp nhà sàn, chị còn được trải nghiệm khám phá hoạt động sản xuất nông nghiệp, văn hóa sinh hoạt thường ngày của người nông dân như: Xay lúa, giã gạo, cày ruộng, trồng cây nông nghiệp, rồi tự tay chế biến món cơm lam, xôi ngũ sắc, thưởng thức các sản phẩm do mình thu hoạch, rất ấn tượng và thú vị.

Ước tính năm 2020, các khu, điểm du lịch của huyện đã đón tiếp trên 302 nghìn lượt khách tham quan, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 242 tỷ đồng. Đồng chí Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện nay UBND huyện đang thực hiện dự án xây dựng mô hình phát triển nông thôn dựa trên phát huy nguồn lực sẵn có của địa phương tại khu vực xã Tân Trào do tổ chức NPO AVENUE (Nhật Bản) tài trợ trị giá 1,2 tỷ đồng và đang thu hút Tập đoàn FLC nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch dự án du lịch nghỉ dưỡng, thể thao vui chơi giải trí và đô thị sinh thái Sơn Dương với diện tích 14.000 ha tại xã Minh Thanh, Tú Thịnh... nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương, đặc biệt là du lịch trải nghiệm.

Với sự quan tâm đầu tư, đặc biệt là kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch, huyện Sơn Dương sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của địa phương.

Bài, ảnh: Minh Thủy

 

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT