Non nước Việt Nam

Bạch Hạc (Phú Thọ) - Vùng đất của di tích, danh thắng

Cập nhật: 18/12/2020 08:07:21
Số lần đọc: 1042
Làng Bạch Hạc xưa kia thuộc vùng đất Phong Châu, là nơi trấn giữ phía Đông kinh đô nước Văn Lang thời Hùng Vương. Thời Pháp thuộc, xã Bạch Hạc thuộc huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Qua nhiều lần phân chia địa giới hành chính. Bạch Hạc nay là một phường của thành phố Việt Trì. Là phường có thế mạnh nhất của thành phố về vận tải thủy với hơn 60% số dân sống chủ yếu dựa vào sông nước. Việc giao thương trên bến dưới thuyền của vùng Bạch Hạc hôm nay không chỉ thể hiện sự trù phú của vùng đất được thiên nhiên ưu đãi cho vị trí đắc địa mà còn là minh chứng khẳng định lý do chọn đất đóng đô của các Vua Hùng xưa kia.

Đền Tam Giang...

chùa Đại Bi được xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật Quốc gia.

Bạch Hạc là vùng sông nước hữu tình, nơi tụ nhân, tụ thuỷ, tụ khí. Hiện nay, trên địa bàn có 6 cụm di tích lịch sử văn hoá có giá trị (1 khu di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, 5 di tích xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh); vùng Ngã ba Hạc còn có đặc sản nổi tiếng cá Anh Vũ vô cùng quý hiếm dùng để tiến vua có thể phát triển loại hình du lịch tâm linh và văn hóa ẩm thực.

Bên cạnh đó, phường Bạch Hạc còn lưu giữ nhiều sự tích, phong tục, lễ hội truyền thống gắn liền với thời kỳ đấu tranh, chống giặc ngoại xâm của ông cha như: Lễ hội giã bánh dầy tại Đền, chùa Mộ Chu Hạ (10/1 âm lịch), Lễ hội đền Thượng Thọ (22/2 và 10/10 âm lịch); Lễ hội bơi chải truyền thống và Lễ hội Đền Tam Giang (10/3 và 25/9 âm lịch); Lễ hội rước kiệu cầu Đinh của Đền, chùa Lang Đài (7/1 âm lịch) phong tục lấy nước thiêng tại ngã ba sông, Lễ hội cướp Còn và nấu cơm thi…

Hội thi giã bánh dầy làng Mộ Chu Hạ.

Đến Bạch Hạc, là đến với đền Tam Giang - Chùa Đại Bi. Với những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, cụm di tích Đền Tam Giang - chùa Đại Bi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật Quốc gia vào tháng 6 năm 2010. Nơi đây không chỉ là trung tâm tín ngưỡng tôn giáo của một vùng rộng lớn mà còn là nơi diễn ra một trong những lễ hội tiêu biểu vào bậc nhất vùng Đất Tổ. Đó là hội thi bơi Chải vùng Bạch Hạc nổi tiếng.

Tượng Chiêu văn vương Trần Nhật Duật - Một danh tướng triều Trần.

Lễ hội bơi Chải truyền thống của Bạch Hạc là một hình thức phục hiện có tính nghi lễ và nghệ thuật về việc luyện tập thủy quân, thể hiện tinh thần thượng võ trong truyền thống đánh giặc giữ nước từ thời Hùng Vương. Tương truyền, đời nhà Trần, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, là em vua Trần Thánh Tông được giao nhiệm vụ trấn thủ thành Bạch Hạc đã lấy bãi sông Bạch Hạc làm nơi luyện thủy quân, đóng chiến thuyền. Sau hơn 30 năm xây dựng và trấn giữ tuyến phòng thủ Tam Giang Bạch Hạc, ngài đã lập nhiều chiến công hiển hách, hàng phục chúa đạo Đà Giang là Trịnh Giác Mật bằng ngoại giao hòa bình.

Lễ hội bơi Chải

Tại Đền Tam Giang, năm 1285, ngài đã cùng Hứa Tông Đạo (một môn khách của nhà Tống) tổ chức hội thề “Diệt giặc Thát báo đền nợ nước, ơn vua,” lãnh đạo quân dân ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Để ghi nhớ công ơn của các tướng lĩnh, lễ hội bơi chải ra đời nhằm ghi lại những chiến công thủy chiến lừng lẫy trên sông Hạc. Ngày nay, lễ hội là một trong những nét văn hóa đặc trưng của phường Bạch Hạc, hàng năm thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan. Lễ hội bơi Chải được tổ chức vào ngày 9 tháng 3 (âm lịch) dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm tại các cụm di tích Quốc gia đền Tam Giang, chùa Đại Bi và thắng cảnh ngã ba sông Bạch Hạc.

Phúc Thanh

 

 

 

 

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT