Hành trang lữ khách

Khám phá rừng chè cổ thụ Tả Liên Sơn ở Lai Châu

Cập nhật: 26/02/2021 14:35:20
Số lần đọc: 1482
Dãy Hoàng Liên Sơn chạy qua 5/8 huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu. Cho đến vài năm gần đây những bàn chân thám hiểm của du khách mới dần vén được một phần nhỏ nhoi những bức màn bí mật được ẩn dấu bên sườn Tây – Nam dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ thuộc địa phận Lai Châu. Trong đó có quần thể rừng Chè San tuyết cổ thụ phân bố tự nhiên trên dãy núi Tả Liên Sơn với tuổi đời trung bình ước trên 100 năm đến 300 năm tuổi, đây cũng là một trong những khám phá gây ngỡ ngàng với các nhà khoa học.


Người dân bản Phô, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) vận chuyển búp chè cổ thụ trên núi Tả Liên Sơn về sơ chế.

Chè cổ thụ Lai Châu mọc rải rác khắp các cánh rừng nguyên sinh trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, Pusilung, cao nguyên Sìn Hồ ở độ cao phổ biến từ 1.700m đến 2.900m so với mực nước biển, thuộc các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè.

Để mục sở thị những cây chè cổ thụ xếp vào hàng kỷ lục Việt Nam, chúng tôi sắp xếp một chuyến đi khám phá vào những ngày đầu xuân 2021. Địa điểm được lựa chọn là rừng chè cổ thụ tại núi Tả Liên Sơn, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn nằm trên địa phận của xã Tả Lèng, huyện Tam Đường. Đây có lẽ là rừng chè dễ khám phá nhất bởi xã Tả Lèng chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ Lai Châu chừng 6km.

Được sự hỗ trợ của Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đường, cùng với chiến sĩ kiểm lâm viên địa bàn và lãnh đạo xã Tả Lèng, hành trình khám phá của chúng tôi tương đối thuận lợi. Từ trung tâm xã chúng tôi được chở bằng xe máy khoảng hơn 3km đi qua con đường uốn lượn trên những thửa ruộng bậc thang qua mùa thu hoạch còn trơ gốc rạ để đến cửa rừng. Đây là điểm xuất phát của con đường mòn leo núi chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn, đỉnh núi cao thứ 6 Việt Nam, nhưng nằm trong tốp 3 muốn được chinh phục nhất về độ hùng vĩ, sự hoang dã của hệ động thực vật nguyên sinh độc đáo.

Chỉ đặt mục tiêu đến được rừng chè cổ thụ, không đặt mục tiêu chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn nên hành trình của chúng tôi được người dẫn đường nói là dễ dàng hơn nhiều. Nhưng trải qua khoảng hơn 4 tiếng leo núi chúng tôi mới hiểu cái “dễ dàng” không hề nhàn hạ. Tuy nhiên sự vất vả của bộ hành ngược núi trong ngày đông giá rét, ẩm ướt đã được đền đáp quá hậu hĩnh ngoài sức tưởng tượng.

Từ độ cao 1.700m trở lên chúng tôi bắt đầu gặp những cây chè đầu tiên. Quả thực nếu không được người dẫn đường nói tôi cũng không thể tự nhận ra đó là cây chè. Sinh ra và lớn lên ở đất trồng chè, theo bố mẹ đi hái chè từ nhỏ, tôi chưa từng chứng kiến cây chè nào to bằng bắp tay người lớn. Vậy mà đây sao? Tôi tự hỏi, những thân cây rêu mốc to bằng cả vòng tay người ôm cao tới trên 2 tầng nhà xây này là cây chè thật sao? Có lẽ biết chúng tôi ngạc nhiên có phần hoài nghi, người dẫn đường nhặt những bông hoa chè trắng tinh khiết rụng dưới đất đưa cho chúng tôi. Sau đó cô gái đến 1 cây chè có thế nằm nghiêng, trèo lên hái những búp chè non xanh mang xuống. Nhấm trên đầu lưỡi, vị chè hơi chát ban đầu, rồi thanh, ngọt dịu đầy dư vị. Càng đi lên cao, rừng chè càng mở rộng với những cây to nhỏ nhiều kích cỡ.

Hạ trại nhóm lửa để đun ấm nước chè tươi. Nhấp chén nước qua môi, vị đã lan sang đầu lưỡi. Khi nuốt qua cổ họng sự ấm áp lan tỏa khắp cơ thể, mọi mệt mỏi như tan biến, tinh thần sảng khoái, thông tuệ. Hương chè thơm dịu nhẹ đầy lưu luyến như mùi thơm của muôn vị lá cây rừng được kết hợp hài hòa lại với nhau bằng công thức của tạo hóa. Vị chè hơi chát khi nhấp môi, sau đó ngọt đằm thắm, khiến người thưởng thức đã uống một lại muốn uống chén tiếp theo. Giữa đại ngàn trên độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, ngồi trên thảm thực bì hoai mục ngai ngái mùi tự nhiên, nhấp chén chè xanh của khí trời, linh đất trăm năm hội tụ, thấy đời nhẹ tênh quyên hết mọi ưu phiền.

Chúng tôi được thông tin từ ông Lý A Chư - Bí thư Đảng ủy xã Tả Lèng rằng: quần thể rừng chè cổ thụ sau khi kiểm đếm khá kỹ càng có trên 2.328 cây to ước từ 100 năm đến 300 năm tuổi. Số tuổi đang chỉ ước tính theo đường kính gốc và chiều cao của cây. Nếu so sánh với một số bài báo khoa học đã công bố thì tuổi thọ của những cây chè tại đây có thể cao hơn nữa. Điều này vẫn đang chờ những nhà khoa học kết luận chính xác hơn. Hiện địa phương đang khoanh vùng quần thể chè cổ thụ tại xã trong khoảng 33,62ha, nằm ở độ cao từ 1.700m – 2.900m so với mực nước biển, tập trung tại 5 bản: Lùng Trù Hồ Pên, Tả Lèng I, II, Pho Lao Chải, Lùng Than Lao Chải.

Về đặc điểm nhận dạng, anh Sùng A Của, cán bộ Kiểm lâm viên địa bàn phụ trách xã Tả Lèng hướng dẫn cho chúng tôi biết: cây chè ở đây có chiều cao từ 5-20m, thân cây to, phân nhánh nhiều cành lá, cành vươn ngang theo mặt đất, tán rộng tới vài mét. Rừng trà cổ thụ san tuyết này mọc xen kẽ với nhiều loại cây trồng khác. Những thân trà to nhất bằng cả vòng tay một người ôm như những loài cây gỗ lớn.

Thổ nhưỡng ở đây đã sản sinh ra những búp chè tươi có vị rất riêng: búp chè tươi vừa có vị đắng nhẹ nhưng không gắt lại có vị ngọt, hương thơm dịu nhưng lưu hương lâu. Có một điều đặc biệt là vị chát của chè rất nhẹ, thêm nữa khi xao chè khô nước chè pha ra có màu xanh lá cây như nước chè tươi. Đặc biệt hơn nữa uống chè cổ thụ không hề gây mất ngủ, mà còn giúp cho giấc ngủ ngon hơn, sâu hơn.

Được biết, để bảo vệ và khai thác có hiệu quả rừng chè cổ thụ Tả Lèng, UBND tỉnh Lai Châu đã giao cho chính quyền địa phương và những ngành chức năng khoanh vùng, kiểm đếm từng cây, có báo cáo. Từ đó đã lên phương án để bảo vệ và ký thỏa thuận cùng 1 doanh nghiệp chế biến chè cùng nghiên cứu, khai thác, sản xuất cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Chia tay rừng chè cổ thụ trên núi Tả Liên Sơn trong làn khói lam huyền ảo. Chúng tôi còn lưu luyến mãi hương thơm thanh tao, vị ngọt dịu nhẹ của loài chè quý được kết tụ từ tinh hoa của đất trời qua hàng trăm năm sương gió. Tin tưởng rằng, với tình yêu rừng và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng người dân nơi đây những rừng chè cổ thụ quý giá sẽ được bảo vệ tốt nhất để gìn giữ cho muôn đời sau.

Nguồn: Báo Lai Châu

Cùng chuyên mục