Ðầu tư Du lịch

Khởi động dự án quản lý tổng hợp vùng cửa sông Hải Phòng và các vịnh Hạ Long, Bái Tử Long

Cập nhật: 15/06/2021 08:57:06
Số lần đọc: 752
Là biểu tượng du lịch của Việt Nam nằm trong danh sách di sản thiên nhiên thế giới, vịnh Hạ Long là khu vực có hoạt động kinh tế mạnh mẽ. Điều này tạo ra sự đe dọa lớn đối với việc bảo tồn: sự đa dạng sinh thái của Hạ Long đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hoạt động du lịch, khai thác than và các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt hải sản.


Đứng trước tình hình này, Quỹ Môi trường Thế giới Pháp (FFEM) tài trợ cho một dự án hỗ trợ quản lý tổng hợp các vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và cửa sông Hải Phòng, để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở các vùng bờ này, với một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 1,2 triệu EUR. Dự án này do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) quản lý nguồn vốn FFEM, và do Tổng Cục Biển & Hải đảo – Bộ Tài nguyên Môi trường triển khai thực hiện.

Tại hội thảo khởi động dự án đã diễn ra vào ngày 11/6, các tác nhân khác nhau đã cùng thảo luận về kế hoạch thực hiện, các giai đoạn triển khai dự án cũng như trình bày hiện trạng về quản lý tổng hợp vùng bờ ở tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, và chia sẻ những kinh nghiệm về mô hình quản lý tổng hợp thông qua các hợp đồng vịnh ở Pháp.

Giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ là việc thực hiện một đánh giá hiện trạng. Trên cơ sở đó, các tác nhân thể chế, các tổ chức hoạt động kinh tế và khoa học sẽ cùng thống nhất để phát triển một phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ thông qua một ‘Hợp đồng vịnh’ và các hành động thí điểm sẽ thực hiện để giải quyết những vấn đề chủ chốt ảnh hưởng đến các vịnh. Các hoạt động này sẽ được triển khai với sự hỗ trợ của cộng đồng đô thị Brest (Pháp).

Bà Janique Etienne, cán bộ phụ trách các dự án đại dương và các giải pháp dựa trên tự nhiên của FFEM, cho rằng "Dự án là một ví dụ tuyệt vời về chuyển giao kiến thức. Cộng đồng đô thị Brest, đối tác của dự án, sẽ chia sẻ những kinh nghiệm về quản lý tổng hợp vùng bờ. Mặt khác, dự án cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược giai đoạn 2019 – 2022 của FFEM, chiến lược này tạo thuận lợi cho sự tăng cường khả năng chống chịu & phục hồi của các vùng duyên hải thông qua việc quản lý những hoạt động sử dụng tài nguyên, hạn chế ô nhiễm và hỗ trợ cho sự phát triển các ngành nghề bền vững".

Dự án này sẽ cho phép phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở các vùng vịnh, cũng như giảm tác động của ô nhiễm đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường, đồng thời đóng góp cho sự phát triển khuôn khổ pháp lý về triển khai phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ.

"Đây là một dự án thiết yếu nhằm bảo tồn vùng bờ của các vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và cửa sông Hải Phòng. Dự án này nằm trong các ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và AFD trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học", Ông Fabrice Richy, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp ở Việt Nam khẳng định.

Quỹ Môi trường Thế giới Pháp (FFEM) tài trợ cho các dự án cách tân vì môi trường ở các nước đang phát triển, và hỗ trợ những sáng kiến nhằm tạo ra những lợi ích môi trường, xã hội và kinh tế tại thực địa. Được thành lập bởi Chính phủ Pháp vào năm 1994 tiếp theo Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất, FFEM đã hỗ trợ cho 333 dự án ở hơn 120 quốc gia, với 2/3 các dự án này ở châu Phi. Các dự án do FFEM hỗ trợ có mục tiêu là bảo tồn đa dạng sinh thái, khí hậu, các vùng nước quốc tế, đất, tầng ô-zôn, và chống ô nhiễm hóa học. FFEM rút ra những bài học của các dự án thí điểm này để có thể triển khai các giải pháp hiệu quả nhất ở các khu vực khác hoặc ở cấp độ rộng hơn.

PV

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT