Kiên Giang: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo
Lễ hội Nghinh Ông huyện Kiên Hải năm 2019 - Ảnh: Trần Hồng Phúc
Ngoài lợi thế thiên nhiên, bờ biển đẹp, Kiên Giang còn có nhiều địa danh, di tích lịch sử, lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân miền biển. Đây chính là những yếu tố vô cùng thuận lợi, riêng có để tỉnh gắn các sản phẩm văn hóa đặc sắc vùng biển trong phát triển du lịch. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo gắn liền với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh tại Chương trình hành động số 47-CTr/TU ngày 21-02-2019 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 4/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa mang đậm dấu ấn của cư dân vùng biển, ngành Văn hóa và Thể thao (VHTT) triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và các loại hình nghệ thuật, lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư vùng biển đảo; phát triển các thiết chế văn hóa, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc, tạo nền tảng để xây dựng văn hóa biển. Những năm gần đây, các thiết chế văn hóa - thể thao được quan tâm đầu tư phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư vùng ven biển, đảo. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao được tổ chức phục vụ cho người dân trên các đảo và du khách, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ và phát triển biển đảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các phong tục, tập quán liên quan đến biển và nghề biển cũng được chính quyền và người dân phối hợp cùng nhau bảo tồn, giữ gìn.
Thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, nâng cấp, mở rộng quy mô một số lễ hội tiêu biểu kết hợp với phát triển du lịch biển đảo. Trong đó, đã tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích thắng cảnh Dinh Cậu (Phú Quốc); triển khai kế hoạch tu bổ, tôn tạo và nâng cấp di tích lịch sử văn hóa Đình thần Nam Hải Đại Tướng Quân (Lăng Ông Nam Hải) và mở rộng quy mô tổ chức lễ hội Nghinh Ông huyện Kiên Hải. Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội lớn nhất trong năm của ngư dân bản địa, mang ý nghĩa tinh thần to lớn nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, ngư dân đi biển thuận lợi, đánh bắt bội thu. Đây là nét văn hóa đặc sắc gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng dân cư ở huyện đảo Kiên Hải.
Di tích thắng cảnh Dinh Cậu - thành phố Phú Quốc - Ảnh: Quỳnh Như
Thực hiện một số công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa biển đảo như: Đề tài “Nghiên cứu thực trạng địa danh các đảo - hòn đảo thuộc vùng biển Kiên Giang” (2017-2020); Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Kiên Giang” (2018-2020); Đề án “Thực trạng và định hướng, nhiệm vụ giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2025”. Trong đó, Đề tài “Nghiên cứu thực trạng địa danh các đảo - hòn đảo thuộc vùng biển Kiên Giang” (2017-2020) góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về biển đảo; nghiên cứu khoa học, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền đất nước và nhất là trong việc quảng bá hệ thống đảo, quần đảo Kiên Giang đến với du khách trong và ngoài nước.
Sở VHTT phối hợp với UBND thành phố Phú Quốc, Hội nước mắm Phú Quốc và các đơn vị có liên quan lập hồ sơ khoa học đề nghị và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đối với người dân Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc không chỉ là món ăn, là gia vị mà còn được xem là “linh hồn”, là sản phẩm chính tạo nên sự nổi tiếng của Phú Quốc. Ngoài ra, đó còn là một phần của lịch sử, văn hóa, hàm chứa những tri thức dân gian, thể hiện đậm nét cốt cách, đặc trưng văn hóa của cư dân xứ đảo. Việc công nhận nghề làm nước mắm Phú Quốc là văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ động viên tinh thần và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên đảo phát triển nghề, góp phần quảng bá cho một sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Quốc vươn xa ở thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, ngành VHTT phối hợp với các đơn vị làm thủ tục đề nghị UNESCO công nhận nghề làm nước mắm Phú Quốc trở thành di sản phi vật thể thế giới.
Tất cả các hoạt động trên tạo không gian cho nhân dân và du khách cảm nhận những giá trị văn hóa, tinh thần của di sản văn hóa biển đảo của tỉnh. Thông qua các hoạt động này, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của biển đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của Kiên Giang, nhất là phát triển du lịch; quảng bá hình ảnh quê hương, con người Kiên Giang, để từ đó có cùng một ý chí xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển vùng biển đảo giàu mạnh./.
Ngọc Thy