Lạng Sơn: Truyền nhiệt huyết giữ gìn di sản then cho thế hệ trẻ
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Trong những năm qua, để bảo tồn, phát huy giá trị di sản then, ngành đã thực hiện rất nhiều hoạt động như: kiểm kê, sưu tầm, thu thanh, ghi hình các tư liệu do các nghệ nhân then cao tuổi thực hiện. Cùng đó, ngành đã tổ chức các hoạt động vinh danh khen thưởng các nghệ nhân; thành lập các câu lạc bộ (CLB) hát then – đàn tính; phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đưa di sản then vào giảng dạy trong các trường học…
Tiêu biểu từ năm 2017 đến nay, ngành VHTTDL phối hợp cùng Hội Bảo tồn dân ca tỉnh vận động, khuyến khích các địa phương có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống, thành lập các CLB hát then – đàn tính gắn với truyền dạy cho thế hệ trẻ nghệ thuật âm nhạc, đàn hát, múa, diễn xướng then. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được trên 50 CLB hát dân ca, trong đó, 90% các CLB bảo tồn và phát huy các làn điệu hát then, đàn tính, thu hút gần 1.000 hội viên tham gia sinh hoạt. Qua đó, các CLB, cơ sở mở được trên 100 lớp truyền dạy hát then, đàn tính, thu hút hàng nghìn học viên, trong đó đa số là học sinh trên địa bàn. Một số CLB thu hút đông thành viên nhỏ tuổi tham gia như: CLB Hoa Hồi (Văn Quan) với 78 em; Điếp Sli Then (Cao Lộc) với 13 em…
Nghệ nhân ưu tú Hà Thị Mai Ven, CLB Điếp Sli Then, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc hướng dẫn các thành viên nhỏ tuổi của CLB tập gảy đàn tính, hát then
Nghệ nhân ưu tú Hà Thị Mai Ven, Chủ nhiệm CLB Điếp Sli Then, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc cho biết: “Trong quá trình hoạt động, các hội viên CLB đã tham gia truyền dạy hát then, đàn tính cho học sinh tại các trường tiểu học. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng truyền dạy dân ca miễn phí cho các em nhỏ trong vùng nên nhiều em say mê, yêu thích làn điệu then, gảy đàn tính”.
Cùng với ngành văn hóa, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã đưa di sản then vào giảng dạy trong các tiết học ngoại khóa và các hoạt động ở các trường. Đến thời điểm hiện tại, cả tỉnh có 23 trường ở 3 cấp học đã và đang tổ chức giảng dạy và thành lập được các CLB hát then, đàn tính, thu hút trên 400 học sinh theo học, tăng 60% so với năm 2018, tiêu biểu trong số đó như: Hữu Lũng 5 CLB, Tràng Định 4 CLB, Cao Lộc 3CLB, Văn Quan 2 CLB…
Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT huyện Văn Quan, từ năm 2019 đến nay, nhà trường đã triển khai việc giáo dục di sản hát then thông qua các hoạt động như: lồng ghép trong các giờ học tự chọn, sinh hoạt tập thể hoặc hoạt động ngoại khóa; mở 3 lớp truyền dạy hát then, đàn tính và đã thành lập được CLB hát then với 78 em học sinh… Đến nay, tất cả các em tham gia CLB đều biết hát then, gảy đàn tính. Em Triệu Tuấn Minh, lớp 7A, năm học 2020 – 2021 của nhà trường cho biết: Sau mỗi giờ học chính khóa, niềm vui của em là được tham gia lớp học hát then. Cầm trên tay cây đàn tính, khoác lên bộ trang phục truyền thống, em càng thêm yêu quý và trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc mình hơn.
Một buổi sinh hoạt hát then, đàn tính tại CLB Hoa Hồi Xanh, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS& THPT huyện Văn Quan
Chia sẻ về phương hướng bảo tồn di sản then trong trường học, bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên và Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu lãnh đạo sở chỉ đạo, khuyến khích các nhà trường căn cứ tình hình thực tế có thể thành lập CLB hát then, đàn tính; tăng cường tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ có các tiết mục hát then, đàn tính; tạo điều kiện thuận lợi để CLB hát then, đàn tính của các trường được giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Có thể thấy, việc giáo dục, đưa những nét đẹp của di sản then truyền dạy cho thế hệ trẻ là một hướng đi phù hợp với thực tiễn, qua đó, ngày càng góp phần bồi đắp tâm hồn cho thế hệ trẻ và làm tốt hơn nữa công tác gìn giữ, bảo tồn di sản then ở Xứ Lạng./.
Tuyết Mai