Kon Tum: Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dựa vào cộng đồng
Ngành VHTTDL xác định việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, ngành chú trọng tiến hành phục dựng các lễ hội truyền thống, tổ chức liên hoan dân ca dân vũ, trò chơi dân gian. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm tạo môi trường lành mạnh, phục vụ cho công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Đáng chú ý, ở nhiều thôn, làng, các nghệ nhân tích cực mở các lớp truyền dạy cho thiếu nhi và thế hệ trẻ trong làng biết về diễn tấu cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc đã góp phần xây dựng đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hàng chục năm qua, nghệ nhân A Biu (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) đã mở nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu nhi. Không những mở lớp truyền dạy tại nhà riêng, nhà rông của làng, ông còn được các trường học trên địa bàn mời giảng dạy về di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Ngoài ra, ông còn sưu tầm, lưu giữ các bộ cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, “biến” nhà mình như một “bảo tàng thu nhỏ” để trưng bày các di sản vật thể và phi vật thể của dân tộc Ba Na, thu hút nhiều du khách đến thăm và đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng.
Nghệ nhân dệt thổ cẩm. Ảnh: C.C
Nghệ nhân Y Lim (thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) nhiều năm qua đã mở nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật múa xoang cho thiếu nữ trong thôn. Nhiều bài múa xoang được bà truyền dạy, giúp các em hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó yêu thích và có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Điều đáng trân trọng, nghệ nhân Y Lim đã thành lập đội cồng chiêng múa xoang nhí của thôn, phục vụ khách đến tham quan Làng du lịch cộng đồng Kon Pring và được các khách sạn lớn tại thị trấn Măng Đen mời đến biểu diễn cồng chiêng múa xoang cho du khách xem; tham gia biểu diễn các sự kiện chính trị, văn hoá lớn của huyện, của tỉnh; được tỉnh cử tham gia các liên hoan văn hoá cồng chiêng các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên.
Những việc làm mà 2 nghệ nhân ưu tú A Biu, Y Lim và nhiều nghệ nhân khác trên địa bàn tỉnh đang làm không chỉ góp phần gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà qua đó, còn góp phần giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Tại nhiều địa phương, văn hóa cồng chiêng được phục hồi như một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong các dịp lễ hội, ngày vui của cộng đồng dân cư... Vì vậy, thời gian qua, Ngành VHTTDL đã chú trọng khôi phục các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS. Đến nay, đã khôi phục được trên 25 lễ hội; tổ chức hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang; lớp truyền dạy Hơ mon (sử thi); truyền dạy kỹ thuật chế tác và trình diễn một số nhạc cụ dân gian truyền thống, nghề dệt, đan lát của các thành phần DTTS tại chỗ nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Trong thời gian tới, ngành VHTTDL tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy các di văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có sự tham gia của cộng đồng, xã hội. Mặt khác, ngành chú trọng công tác điều tra, nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể cấp thiết cần được bảo tồn, gắn việc bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan; đồng thời bảo lưu ngôn ngữ, nhạc cụ, khôi phục các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ; tổ chức “Ngày hội văn hóa, du lịch, thể thao các dân tộc của tỉnh”...
Cao Cường