Non nước Việt Nam

Bình Thuận: Đề án gốm Chăm và trách nhiệm giữ nghề

Cập nhật: 23/11/2021 09:21:24
Số lần đọc: 1164
Trong số 35 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh thì người Chăm là dân tộc tại chỗ có nền văn hóa sớm phát triển và được kế thừa, gìn giữ gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Trong quá trình chung sống với các dân tộc anh em khác, người Chăm có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa qua lại và để lại nhiều di sản văn hóa quý giá. Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, các nghề thủ công truyền thống dần mai một, mất đi theo thời gian. Riêng nghề gốm truyền thống ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình có lịch sử hình thành, phát triển và tồn tại từ lâu đời và được duy trì đến ngày nay.


Nung gốm ở thôn Bình Đức. Ảnh: N.Lân

Độc đáo gốm Chăm

Gốm Gọ - một tên gọi đặc trưng được nhiều người biết khi đến với làng gốm nơi đây. Sản phẩm có nhiều kích cỡ chủng loại rất tiện lợi trong sử dụng và giá thành lại hợp lý. Trong đó chủ yếu vẫn là các vật dụng sinh hoạt hàng ngày như hỏa lò, trã, khuôn bánh căn, khuôn bánh xèo, lu đựng nước và đồ dùng tín ngưỡng, tôn giáo. Gốm có màu đỏ nhạt với những họa tiết tự nhiên lạ mắt, mang đến những nét độc đáo và khác biệt so với gốm ở những nơi khác.

Nghề gốm là nghề “mẹ truyền con nối” từ đời này sang đời khác. Quy trình làm gốm thủ công truyền thống của người Chăm Bình Đức bắt đầu từ khâu lấy đất, xử lý đất, nhào nặn sản phẩm, chỉnh, làm bóng sản phẩm gốm ráo, sau cùng mới nung và trang trí gốm. Điểm đặc biệt là những sản phẩm gốm ở đây được làm hoàn toàn bằng thủ công. Người thợ sử dụng kỹ thuật nhào nặn không dùng bàn xoay với thao tác hơi khum người xuống, hai chân dịch chuyển quanh bàn kê theo chiều ngược kim đồng hồ và dùng đôi bàn tay của mình nhào nặn để tạo dáng sản phẩm. Người Chăm không xây lò kín mà sắp xếp gốm nung lộ thiên. Gốm được nung từ 10 - 12 giờ trưa, vì đây là thời điểm trời ít mưa, có độ nắng và gió lý tưởng, nên sau khi đốt lò 15 phút gốm sẽ chín. Một loại nước màu nâu đen (chiết xuất từ trái thị rừng hoặc vỏ cây chùm dụ) được rảy lên thân gốm để tạo hoa văn khi gốm vừa được đưa ra khỏi lò.

Chật vật giữ nghề

Trong giai đoạn hiện nay, nghề làm gốm của người Chăm đứng trước nguy cơ mai một bởi tác động của sản xuất công nghiệp. Các sản phẩm gia dụng hiện đại đang dần thay thế gốm truyền thống. Sự dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi ngành nghề đã làm cho giới trẻ không còn mặn mà với nghề gốm truyền thống nữa.

Năm 2018, trong quá trình khảo sát, xây dựng hồ sơ khoa học “Nghệ̣ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” để trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh điều tra, thống kê làng gốm Chăm Bình Đức có 155 nghệ nhân, người hành nghề có uy tín và nắm giữ bí quyết, kỹ năng thực hành nghề gốm. Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020 cho biết làng nghề có 67 hộ/150 nghệ nhân đang duy trì. Trong đó có 42 hộ/100 nghệ nhân tham gia sản xuất thường xuyên, thu nhập bình quân đầu người khoảng 3 triệu đồng/nghệ nhân/tháng. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của UBND xã Phan Hiệp năm 2021 thì hiện tại thôn Bình Đức chỉ có 40 hộ gia đình (chiếm gần 11% số hộ người Chăm trong thôn), với 44 nghệ nhân (chiếm gần 12% số nhân khẩu người Chăm trong thôn) thường xuyên duy trì nghề gốm. Như vậy, số lượng nghệ nhân đang làm nghề ngày càng suy giảm theo thời gian.

Nghệ nhân ở Bình Đức tạo hình gốm.

Trăn trở với nghề truyền thống đang dần mai một, chính quyền địa phương, những nghệ nhân gắn bó với gốm Chăm đã tìm nhiều cách để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Bà Đặng Thị Ngọc Hoa – cán bộ phụ trách văn hóa xã hội xã Phan Hiệp thông tin: Hiện đa phần thợ làm gốm là phụ nữ ở độ tuổi trung niên (trên 40 tuổi) trở lên, nên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thường xuyên lồng ghép tuyên truyền chị em trong các buổi sinh hoạt, hướng dẫn vay vốn làm nghề. Riêng các dịp lễ, tết, huyện Bắc Bình, UBND xã và Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm đều phối hợp tổ chức các hoạt động trưng bày, biểu diễn làm gốm. Nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với những khó khăn mà làng nghề đang gặp phải. Khi thị trường tiêu thụ mang tính tự phát, bấp bênh, giá thành sản phẩm chưa tương xứng với giá trị của nó, dẫn đến thu nhập của các gia đình và nghệ nhân làm gốm còn thấp, không ổn định.

Thêm vào đó, từ trước đến nay người Chăm Bình Đức khai thác đất sét, nguyên liệu chính để làm gốm, tại mỏ đất ở thôn Hải Xuân, Hải Thủy (xã Hải Ninh). Lúc đó khu vực này là đất hoang do Nhà nước quản lý nên lấy dễ dàng, thuận lợi. Tuy nhiên, khoảng 2 thập niên trở lại đây, việc lấy đất gặp nhiều khó khăn vì khu vực mỏ đất này phần lớn đã được người dân địa phương khai hoang để sản xuất nông nghiệp. Do đó, nguồn nguyên liệu đất sét làm gốm ngày càng khan hiếm, muốn lấy phải trả tiền cho chủ nhân khu đất. Những năm gần đây, hầu hết các hộ gia đình làm gốm ở Bình Đức không có phương tiện và nhân công để tự đi lấy, họ phải mua của những người chuyên đi khai thác đất về bán lại, khiến giá đất làm gốm ngày càng tăng cao. Hiện 1 khối có giá từ 800.000 - 1.000.000 đồng, ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất.

Ngoài ra, giá củi nung gốm ngày càng tăng cao. Bãi nung gốm quá chật hẹp, nếu trong một thời điểm có nhiều gia đình cùng tiến hành nung sẽ gặp nhiều khó khăn, gây ô nhiêm môi trường.

Bảo tồn và phát triển làng nghề

 Với những giá trị và ý nghĩa đặc biệt, việc UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình” là cần thiết. Điều này cũng phù hợp Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”.

Bà Đặng Thị Ngọc Hoa cho biết: “Khi nghe thông tin đề án được phê duyệt, địa phương và người dân rất vui mừng. Đây là cơ sở quan trọng để tháo nút thắt cho những khó khăn của làng nghề, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay”.

Còn nghệ nhân Lương Thị Hòa – người từng được tham gia biểu diễn tại nhiều lễ hội văn hóa trong và ngoài tỉnh chia sẻ: “Không nhiều chi tiết cầu kỳ và sử dụng phương tiện máy móc như gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), gốm Bình Đức được làm hoàn toàn bằng thủ công nên được nhiều du khách thích thú, thử tài. Thậm chí, khi tổ chức lễ hội, một số trường học còn đăng ký cho học sinh khám phá, trải nghiệm. Vì thế nếu được đầu tư sẽ vừa khuyến khích người dân địa phương giữ nghề, nâng cao thu nhập lại thu hút khách du lịch”.

Bảo tồn và phát triển làng nghề không còn là câu chuyện riêng mà trách nhiệm chung của các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và UBND huyện Bắc Bình, nhằm hoàn thành mục tiêu của đề án là nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm gốm theo hướng vừa gìn giữ, bảo tồn sản phẩm truyền thống, vừa chuyển sang làm các loại hình gốm mỹ nghệ, trang trí. Phấn đấu tăng tỷ lệ số hộ gia đình duy trì nghề gốm từ gần 11% năm 2021 lên hơn 15% vào năm 2030 và tăng tỷ lệ số nghệ nhân duy trì nghề gốm từ gần 12% năm 2021 lên hơn 16% vào năm 2030. Song song đó, mở rộng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đảm bảo sản phẩm làm ra không bị tồn đọng, giá thành tương xứng với giá trị của nó. Quy hoạch, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo vệ sinh môi trường làng gốm Bình Đức xanh, sạch, đẹp. Chọn địa điểm có diện tích và không gian phù hợp để đầu tư xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, kết hợp trình diễn nghệ thuật làm gốm, nung gốm và các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Chăm phục vụ du khách tham quan.

Năm 2018 - 2019, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận xây dựng hồ sơ khoa học “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm”, dự kiến sẽ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp trong thời gian tới.

Thùy Linh

 

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT