Rượu cần của người S’tiêng Bình Phước là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cộng đồng người S’tiêng tại Bình Phước đón nhận giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tỉnh Bình Phước có vị trí địa lý chuyển tiếp giữa vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Từ lâu, đồng bào S'tiêng gắn bó chặt chẽ với môi trường tự nhiên và tích lũy nghề truyền thống riêng của dân tộc mình, trong đó có kỹ thuật chế biến rượu cần.
Với người S’tiêng, rượu cần thể hiện văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng, mối quan hệ gắn kết cộng đồng về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng. Trong các dịp lễ hội quan trọng, các sự kiện trọng đại mang tính bước ngoặt của một đời người, luôn luôn có hình ảnh rượu cần và cồng chiêng.
Với quá trình chế biến và cách lên men mang đặc trưng riêng, rượu cần người S'tiêng Bình Phước được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 20/12/2019.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung khẳng định, “Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S'tiêng Bình Phước” được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử - văn hóa, khoa học của tri thức dân gian, nghề truyền thống, mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực của các địa phương, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị có liên quan với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao quyết định và giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho cộng đồng người S’tiêng tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh và thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.
Nhất Sơn