Non nước Việt Nam

Lai Châu: Giữ gìn nét văn hóa truyền thống

Cập nhật: 25/11/2021 08:30:40
Số lần đọc: 795
Là địa bàn sinh sống của người Thái, người Mảng với nhiều phong tục tập quán lâu đời gắn với cuộc sống, lao động sản xuất nhưng theo thời gian, các nét văn hóa dần mai một. Để khôi phục và duy trì, xã Bum Nưa (huyện Mường Tè) thực hiện nhiều giải pháp giữ gìn các nép đẹp văn hóa. Từ đó, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nơi đây.


Chúng tôi có dịp dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các bản của xã Bum Nưa và cảm nhận được nhiều nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của bà con nơi đây. Trong chiếc áo cóm, áo chàm, các cô gái, chàng trai múa xòe, nhảy sạp theo từng điệu nhạc, cùng nhau đá cầu lông gà, chơi tó má lẹ, kéo co, đẩy gậy. Tiếng cười nói, vui đùa như kết nối tình bạn, xóa bỏ hủ tục, tệ nạn, giúp đời sống tinh thần được nâng cao.

Từ đời sống sinh hoạt hàng ngày đến lao động sản xuất, người dân trong xã có nhiều phong tục truyền thống như: tục ở rể, chọc sàn, cây đàn tính tẩu gọi bạn, mừng cơm mới… Nhưng theo thời gian, một số nét văn hóa này dần mai một, lớp trẻ không còn biết đến phong tục tập quán, ngôn ngữ của dân tộc, thích cách ăn mặc theo lối sống hiện đại. Để giữ gìn truyền thống, cán bộ xã tăng cường xuống bản tuyên truyền, vận động bà con, nhất là thế hệ trẻ, giải thích lợi ích của văn hóa chính là động lực, mục tiêu thúc đẩy kinh tế-xã hội, xây dựng bản giàu đẹp. Xóa bỏ hủ tục, bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy, trò chơi thế giới ảo. Gặp gỡ người già, các nghệ nhân, người có uy tín tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống để tham mưu lên UBND huyện tìm cách phục dựng, duy trì. Ngoài ra, xã thường xuyên tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao để giới thiệu, quảng bá nét văn hóa, đưa đoàn văn nghệ xã tham gia các sự kiện văn hóa của huyện, tỉnh.

Các điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở xã Bum Nưa được giữ gìn, phát huy.

Giá trị văn hóa từng bước được khôi phục, các đội văn nghệ ở 6/7 bản của xã không còn là các cô, các bà mà dần được trẻ hóa, thế hệ đi trước chỉ bảo thế hệ sau các điệu múa, nhạc cụ để trình diễn trong các ngày hội, sự kiện. Trong ngày tết, tiếng khèn, tiếng trống, chiêng vang dội khắp bản, người dân trong trang phục truyền thống nô nức đến tụ họp, tay trong tay múa xòe, tham gia các trò chơi dân gian.

Ông Lường Văn Han (bản Bum) chia sẻ: Người Thái chúng tôi có nhiều nét văn hóa đặc sắc lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ nhưng dần mất qua thời gian. Được chính quyền xã quan tâm, nhiều bản sắc được khôi phục, thế hệ trẻ biết đan lát, thêu thùa, mặc trang phục truyền thống, tham gia các đội văn nghệ. Trong tín ngưỡng của dân tộc Thái, vào những ngày tết và ngày cuối năm, mỗi nhà đều mổ lợn, gà, dựng bạt làm ngôi nhà nhỏ cúng bên ngoại và gia đình tổ tiên. Là người già trong bản, tôi không chỉ sưu tầm, giữ gìn nhạc cụ truyền thống mà còn giáo dục con cháu biết đến các giá trị văn hóa.

Nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục như: đan lát, may mặc, dệt vải, các sản phẩm thổ cẩm làm ra không chỉ đẹp, chứng tỏ tay nghề mà còn được nhiều người yêu thích, trở thành hàng hóa mang lại lợi nhuận. Xã cũng trùng tu, xây dựng các nhà văn hóa bản, sân chơi để người dân được giao lưu văn hóa, thể thao. Ngoài ra, tuyên dương kịp thời các gia đình, dòng họ hiếu học ở các bản.

Song song với đó, xã vận động người dân giữ gìn từng ngôi nhà truyền thống, ngoài sử dụng gỗ xây dựng, dùng thêm xi-măng, gạch dựng nhà sàn, nhà trát đất để không làm mất nét văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, cử đội văn nghệ tham gia ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ được luân phiên tổ chức giữa các xã để nét văn hóa được giữ gìn, không mai một. Hiện nay, toàn xã có 682/787 hộ gia đình văn hóa, 6/7 bản văn hóa, 100% cơ quan, đơn vị đạt văn hóa.

Anh Vàng Văn Trung – Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa cho biết: Để nét văn hóa mãi lưu truyền, ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động, xã tham mưu với UBND huyện phục dựng, duy trì các lễ hội truyền thống; đội văn nghệ xã, bản; khôi phục chữ viết, nghề truyền thống; phát huy vai trò của các nghệ nhân. Qua đó, góp phần tô điểm thêm nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Thái Hà

 

Nguồn: Báo Lai Châu

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT