Non nước Việt Nam

Gia Lai: Lễ thổi tai trên quê hương Vua Lửa

Cập nhật: 26/11/2021 05:26:50
Số lần đọc: 1019
Nằm ở mạn Đông Trường Sơn, giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk về phía Nam, huyện Phú Thiện của tỉnh Gia Lai vốn được tách ra từ vùng đất cổ Ayun Pa, thủ phủ của huyền thoại Vua Lửa, nơi đồng bào J’rai còn lưu giữ nghi lễ thổi tai độc đáo.  


Khi trẻ sơ sinh được khoảng 3 tháng tuổi, người nhà sửa soạn lễ cúng thổi tai. Lễ vật gồm 3 ghè (ché) rượu, 2 con gà và 1 con heo. Các ghè rượu đều có tên riêng và ý nghĩa khác nhau là bơhet tơngia, tuh kơ buai và lih.

Bơhet tơngia:

Cùng 1 con gà thui đặt ngửa trong cái rổ lót lá chuối, đầu quay ra ngoài, ghè bơhet tơngia được đặt ở vị trí ngoài cùng của gian khách. Đây là ghè rượu dành riêng cho bà đỡ - yă buai. Ngồi trước ghè rượu, bên cạnh là mẹ con sản phụ (đều ở phía bên phải, nhìn từ cửa chính vào), sau đôi ba lời mào đầu, bà đỡ sẽ khấn, sau đó bắt đầu công việc thổi tai của mình.

Bà đỡ nhúng cuộn chỉ đã được rút lõi ra vào chén đồng đựng nước, rượu ghè và một vài lát gừng tươi, nghệ đen rồi lần lượt áp vào tai trẻ, bên phải trước, bên trái sau. Trong 7 lần áp vào tai ấy, bà đỡ vừa làm vừa lẩm nhẩm lại những lời cầu khấn, đại ý mong cho đứa trẻ luôn được khỏe mạnh, lớn lên giỏi giang.

Sau đó, bà dừng một lát, rồi tiếp tục lặp lại việc áp cuộn chỉ vừa nêu vào tai đứa bé thêm 10 lần nữa. Sau cùng, bà đón lấy đứa bé từ tay sản phụ, duỗi thẳng hai chân mình, mặt quay ra hướng cửa chính, xốc nách nựng nhẹ cháu bé một chút rồi vừa ngồi vừa đưa đứa trẻ ra sau qua vai phải mình. Sản phụ ở ngay sau lưng bà, nhận lại đứa trẻ rồi lại đưa cho bà đỡ qua vai trái. Bà đỡ nhận rồi lại đưa cháu qua vai phải, cứ thế lặp lại 7 lần. Sau đó, bà đỡ đặt đứa trẻ giữa hai đùi của mình rồi dùng tay trở đầu cháu thêm một số lần nữa, có thể là 3, 5, 7 hoặc 9 lần.

Thực hành nghi thức lễ thổi tai của người dân tộc J'rai.

Việc bà đỡ đưa trẻ qua vai mình được giải thích: để ngay từ khi còn nhỏ, thành viên mới của cộng đồng được làm quen với những khó khăn, vất vả sẽ đến trong cuộc đời. Việc “trở đầu đuôi” cháu bé được hiểu: dù sau này khôn lớn, dọc ngang bốn phương trời thì con người đó vẫn phải nhớ về cội nguồn của mình là gia đình, buôn làng.

Tuh kơ buai:

Đây là phần cúng dành riêng cho bà đỡ. Người thực hành nghi lễ là ông thầy cúng. Ngồi nhìn vào ghè rượu, thầy cúng đọc lời khấn với thần linh, có đoạn: Nay cúng cho yă buai/ Muốn mũi nó đừng nghẹt/ Lỗ tai nó thông về sau…

Nghi lễ kết thúc, thầy cúng dùng chén đồng múc nước từ nồi đồng đổ vào ghè rồi mời bà đỡ uống rượu đầu. Bà đỡ dùng cần hút rượu từ ghè ra chén, mời những người tham dự cùng uống với mình.

Lih:

Lih là tạ ơn. Phần này để tri ân những người đã góp nhiều công sức giúp sản phụ nên còn được gọi là chôh tơpôr, dor sôk tức cúng để cảm ơn những người đã “làm bếp, chôn nhau”. Lễ vật gồm 1 ghè rượu và 1 con heo thui.

Trước khi thầy cúng khấn, những người có công – do gia đình sản phụ “tiến cử” – được mời đến ngồi trước ghè rượu thứ ba này. Mỗi người một chân phải, cùng giẫm nhẹ lên một lưỡi rìu. Người ta đặt vào giữa các bàn chân và lưỡi rìu nói trên một nhúm bông, trên bông là vài miếng thịt và gan heo.

Theo người J’rai, đạp rìu được hiểu: chân người mềm mại, nhưng qua lễ này, họ đã dám đạp lên cả sắt thép, đặt trên cả sắt thép. Phải chăng, đạp rìu thể hiện ước nguyện của cộng đồng: vượt qua mọi khó khăn trở ngại trong cuộc sống?

Trong lúc đọc lời khấn, thầy cúng hút rượu từ ghè lih ra, để rượu nhỏ giọt lên mu những bàn chân đang giẫm trên lưỡi rìu vừa đếm từ 1 đến 7. Rượu qua chân xuống nhúm bông, qua rìu lan xuống sàn nhà rồi nhỏ xuống đất. Người ta cho rằng, đó là một quy trình khép kín, là một sự kính cáo nhất thiết phải thực hiện đối với thần linh, để các vị chứng giám và cho phép.

Ngày nay, trên quê hương của Vua Lửa, nhờ có các cơ sở y tế, bà đỡ hầu như không còn phải trực tiếp làm công việc của mình. Tuy thế, nghi lễ thổi tai cho trẻ nhỏ vẫn tiếp tục được duy trì. Người ta nhận ra bản chất của nghi lễ ấy là cần thiết: những lời cúng mang tính giáo dục, khuyên bảo nhiều hơn là những sự thần bí khác. Nhiều người còn cho rằng, cúng thổi tai là một dịp để tri ân bà đỡ và những người đã giúp sản phụ khi vượt cạn và đó cũng chính là dịp để gặp gỡ, nhắc nhở sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng.

Nguyễn Quang Tuệ

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT