Kon Tum: Biến tiềm năng thành cơ hội để phát triển
Chị bạn làm homestay ở Măng Đen, huyện Kon Plông không giấu được niềm vui mừng khi trò chuyện. Sau 2 năm “đóng băng” vì dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, lượng khách đến du lịch, ở lại nghỉ dưỡng đông hơn mong đợi. Chị bảo, vừa qua, trong dịp lễ 30/4-01/5, nguồn thu từ việc làm homestay nhiều hơn một mùa trồng mì, trồng lúa nước.
Không riêng gì homestay của chị bạn, từ đầu năm đến nay, các cơ sở làm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng chung niềm vui khi lượng khách đến du lịch tại Kon Tum ngày càng đông. Những ngày lễ, từng dòng xe, dòng người tấp nập tìm về các điểm: Cột mốc ngã ba biên giới (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi), làng du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà)... để tham quan, nghỉ dưỡng. Lượng khách đông đến nỗi, các khách sạn, homestay trong tình trạng “cháy” phòng.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các địa điểm du lịch tại Kon Tum đã thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Tổng lượt khách đến Kon Tum vào dịp Tết là 79.500 lượt, tăng 65% so với cùng kỳ; khách lưu trú khoảng hơn 4.500 lượt, tổng doanh thu du lịch là 4,5 tỷ đồng.
Du khách tham quan xe tăng tại Di tích chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Ảnh: HT
Từ thực tế trên có thể thấy, chất lượng phục vụ du khách ngày càng chuyên nghiệp hơn. Các đơn vị làm du lịch nói riêng, các vùng kinh tế trọng điểm nói chung đã “bắt tay” liên kết để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, phù hợp. Không còn là câu chuyện một hành trình, một điểm đến, giờ đây, một hành trình nhưng du khách có nhiều điểm đến. Trong một chuyến du lịch, các đơn vị kết nối cho du khách đến tìm hiểu về cột mốc ngã ba biên giới (huyện Ngọc Hồi), Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) và đến Măng Đen (huyện Kon Plông) trải nghiệm du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng. Hay tại Măng Đen, các nông trại cũng liên kết với các homestay, nhà hàng và ngược lại để khách du lịch có những trải nghiệm thực tế thú vị.
Không khó để nhận thấy, những năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng du lịch có sự thay đổi rõ nét. Các nhà hàng, khách sạn mọc lên với những thiết kế đẹp mắt, sang trọng để đảm bảo nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng cho du khách. Công suất sử dụng phòng trong mấy tháng gần đây tăng nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước.
Đơn cử như homestay của chị bạn, ban đầu, chỉ là 2 phòng ngủ đơn giản, nhưng mới đây, để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách, chị đã nâng cấp, làm thêm phòng; bổ sung vào thực đơn nhiều món ăn, thức uống hấp dẫn. Đặc biệt, chị còn làm thêm dịch vụ tắm dược liệu, giúp du khách thư giãn sau hành trình khám phá, tìm hiểu văn hóa tại địa phương.
Du khách tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại cà phê Indochine, thành phố Kon Tum. Ảnh: VN
Sự khởi sắc ấy thật đáng mừng. Nhưng không phải ngẫu nhiên du lịch “cất cánh”. Bên cạnh những nỗ lực của các cơ sở du lịch, phải kể đến sự nỗ lực phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh.
Khám phá sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao ở Măng Đen cũng là điểm đến của du khách. Ảnh: VN
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định “Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình” là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh đã đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch chất lượng cao; kịp thời có các chính sách, định hướng quan trọng nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội khai thác du lịch. Qua các hoạt động cụ thể, trong danh mục các dự án thu hút đầu tư của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 có 47 dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch – dịch vụ.
Một tiết mục múa của người Ba Na ở thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà. Ảnh: VN
Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực du lịch. Cụ thể như việc bảo tồn các giá trị văn hóa. Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 16/02/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được ban hành không chỉ hướng đến giữ gìn bền vững bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tại chỗ mà còn gắn với phát triển các loại hình du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, có bản sắc riêng.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông trên các tuyến huyết mạch được chú trọng đầu tư. Các yếu tố về y tế, an ninh, thông tin về dịch vụ, mua sắm... ngày càng được chú trọng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các hoạt động của du lịch.
Thay đổi tư duy, nhận thức, cách thức làm du lịch cộng thêm sự vào cuộc đồng bộ, tỉnh đã và đang biến tiềm năng thành cơ hội. Vượt qua những rào cản, Kon Tum dần trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch. “Mỏ vàng” du lịch từng bước được khai phá, đưa du lịch trở thành lĩnh vực đột phá để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hoài Tiến