Kon Tum: Phát huy giá trị, tiềm năng văn hóa truyền thống dân tộc Giẻ Triêng
Nghệ nhân Ưu tú, già làng A Brol Vẻ luôn quan tâm truyền dạy cho thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Ảnh: Thúy Hạnh
Người Giẻ Triêng có một đời sống âm nhạc vô cùng phong phú, như: hát múa, cồng chiêng, xoang và nghệ thuật diễn xướng dân gian. Đó là những món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Người có công khôi phục, trao truyền âm nhạc truyền thống của người Giẻ - Triêng cho giới trẻ là già làng A Brol Vẻ (A Vẻ) ở làng Đắk Răng, xã Đắk Dục.
Là một trong hai Nghệ nhân Ưu tú của huyện Ngọc Hồi, được Nhà nước phong tặng trong đợt I (năm 2015), già làng A Vẻ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian (năm 2009). Nghệ nhân Ưu tú A Vẻ là người say mê, am hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc Giẻ Triêng. Ông có thể chế tác và trình diễn được 12 loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, ông cũng có thể chế tác, biểu diễn được một số loại nhạc cụ truyền thống của các dân tộc khác như: Đàn tin-ning của dân tộc Xơ Đăng, đàn tơ-rưng, đàn đá của dân tộc Ba Na, Gia Rai...
Bên cạnh đời sống tinh thần, người Giẻ Triêng từ xưa thường tranh thủ lúc nông nhàn tự dệt vải. Khung cửi dệt vải của người Giẻ Triêng khác thô sơ, chỉ dệt được vải khổ hẹp. Mặc dù vậy, dưới bàn tay khéo léo, các cô gái Giẻ Triêng đã tạo nên những bộ trang phục truyền thống và tấm choàng với hoa văn và màu sắc đầy cá tính. Y phục truyền thống của người Giẻ Triêng có váy, áo, xà cạp, áo choàng dành cho phụ nữ và khố, áo khoác, khăn, mũ dành cho đàn ông. Quá trình phát triển kinh tế, hội nhập đã ảnh hưởng tới trang phục truyền thống của đồng bào Giẻ Triêng. Trong sinh hoạt đời thường, người Giẻ Triêng ăn mặc đơn giản, nhưng trong các dịp lễ hội quan trọng, đồng bào vẫn mặc những bộ trang phục cổ truyền dân tộc của mình. Trước đây, mỗi sản phẩm trang phục do chính người Giẻ - Triêng làm ra, chủ yếu chỉ để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của họ. Ngày nay, các sản phẩm trang phục cũng đã được người dân trong làng đưa ra trưng bày, trao đổi, mua bán.
Không chỉ nổi bật với những làn điệu cồng, chiêng, trang phục thổ cẩm, mà người Giẻ Triêng còn có ẩm thực hết sức độc đáo. Từ các nguyên liệu mang đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, qua bàn tay khéo léo, công phu của các nghệ nhân, các món ăn truyền thống được chế biến độc đáo mang hương vị riêng. Các món ăn dân dã, đậm tính truyền thống như lá mì trộn cà dại, thịt heo gác bếp chấm muối tiêu rừng, cá nướng lá chuối. Cùng với sự đặc sắc của các món ăn, không thể thiếu rượu cần men lá. Những món ăn không chỉ gắn liền với đời sống thường nhật của đồng bào Giẻ Triêng, mà còn thường xuất hiện trong những dịp lễ hội, nghi thức quan trọng của cộng đồng làng.
Làng Đắk Răng hiện còn duy trì và lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống. Lễ hội dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Giẻ Triêng nói riêng ra đời, đã gửi gắm tâm linh, ước vọng của con người và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân như: Lễ hội đâm trâu mừng nhà rông mới, lễ hội ăn than, lễ mừng cơm mới.
Để lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng và văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số khác, huyện Ngọc Hồi đã đầu tư xây dựng nhà trưng bày văn hóa tại làng Đắk Răng. Qua các hình ảnh, hiện vật về đời sống, văn hóa, phong tục, lễ hội... của đồng bào các dân tộc thiểu số, người Giẻ Triêng mong muốn mang đến cho du khách một cái nhìn tổng quan nhất về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung, cộng đồng người Giẻ Triêng làng Đắk Răng nói riêng.
Trong làng, bất cứ gia đình nào cũng phải có bếp lửa để nấu ăn hằng ngày và phục vụ cho các lễ hội truyền thống của làng. Theo quan niệm của người Giẻ Triêng, bếp lửa là hiện thân của vị thần may mắn trong gia đình, được cộng đồng dân làng tôn thờ. Bếp thiêng luôn đem lại sự bình yên cho dân làng, mang đến sự hòa thuận, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tạo ra của cải vật chất dồi dào cho mỗi gia đình...
Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, nét đẹp cổ truyền ấy vẫn được cộng đồng quan tâm, gìn giữ và có sức lôi cuốn, hấp dẫn kỳ lạ, đặc biệt là với những du khách từ nơi xa đến. Tuy nhiên, lễ hội dân gian không còn nhiều và ít được thường xuyên tổ chức. Đối với những người yêu thích vùng đất Tây Nguyên, cùng với bản sắc văn hóa độc đáo, ấn tượng, nếu muốn trải nghiệm cuộc sống của người dân, du khách có thể ở lại trong những căn nhà gỗ xinh xắn của người Giẻ Triêng. Tại đây, du khách có thể hòa mình với cuộc sống của người dân, cảm nhận được hoạt động hằng ngày của họ cùng với những trải nghiệm đầy thú vị.
Lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, cộng đồng người dân tộc Giẻ Triêng vẫn đang gìn giữ, trao truyền cho thế hệ sau về nét đẹp mang đậm dấu ấn của dân tộc mình nơi vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Thúy Hạnh