Kon Tum: Ya Xiêr bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Gia Rai
Xã Ya Xiêr nằm cách trung tâm huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) khoảng 8 km về phía Nam; là nơi sinh sống của 04 thành phần dân tộc anh em, gồm Gia Rai, Thái, Kinh và Sán Rìu, trong đó người dân tộc Gia Rai chiếm gần 64%.
Xã Ya Xiêr hiện có 7 thôn, làng; trong đó có 4 làng là người Gia Rai sinh sống, gồm làng Lung, làng Rắc, làng O, làng Trang. Người Gia Rai đã sinh sống lâu đời trên địa bàn với những đặc trưng văn hoá truyền thống cơ bản. Nhất là các nghề truyền thống vẫn được gìn giữ đến ngày hôm nay. Bên trong những ngôi nhà sàn truyền thống, những người phụ nữ Gia Rai vẫn đang miệt mài bên khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm phục vụ cho cuộc sống hằng ngày.
Bà Y Mỹ ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy vẫn miệt mài bên khung cửi để làm ra những tấm thổ cẩm truyền thống của người Gia Rai.
Bà Y Mỹ ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy cho hay, nghề dệt thổ cẩm là truyền thống ông bà cố để lại cho bố mẹ, bố mẹ để lại cho mình để biết nghề dệt. Các sản phẩm thổ cẩm của người Gia Rai rất đa dạng và phong phú, gồm nhiều thể loại và màu sắc khác nhau, có loại dùng trong sinh hoạt hàng ngày, đi rẫy, đi rừng; có loại chỉ sử dụng trong các dịp lễ hội của gia đình cũng như cộng đồng làng.
"Với giá trị quan trọng của những tấm thổ cẩm trong đời sống hằng ngày, hiện nay tôi vẫn đang gìn giữ cách làm nghề dệt truyền thống từ ngày xưa và truyền dạy lại cho các con của mình", bà Y Mỹ cho biết.
Những người phụ nữ miệt mài bên khung cửi thì những người đàn ông Gia Rai ở xã Ya Xiêr cũng dành nhiều thời gian để đan lát tạo ra những vật dụng phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Trước đây phương tiện vận chuyển phổ biến nhất của người Gia Rai là gùi đeo trên vai và có rất nhiều loại gùi khác nhau, gồm gùi dùng cho việc cõng lúa, gùi dùng đựng quần áo thổ cẩm, gùi dùng để cõng củi… Lúc đó, hầu hết đàn ông đều biết làm nghề đan lát, biết nghề chính là để làm ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống gia đình mình.
Những người phụ nữ Gia Rai ở xã Ya Xiêr luôn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Hiện ở xã Ya Xiêr số người biết đan gùi còn rất nhiều. Nhưng để đan được những chiếc gùi quý, giá trị của người Gia Rai, như gùi Hla Grong, gùi Korh (loại gùi có rất nhiều hoa văn) thì rất ít.
Theo già A Hiếu ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy thì cái khó của việc làm 2 chiếc gùi này là hoa văn rất nhiều, gùi còn có nắp và được đan 3 lớp, lớp trong là bằng cây lồ ô, giữa là lót lá cây đót, lớp ngoài cùng dùng cây giang. Hoa văn trên mỗi chiếc gùi rất tinh tế, phản ánh được cuộc sống, phong tục, bản sắc văn hóa của người Gia Rai.
Già A Hiếu (bên trái) ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy người còn biết đan những chiếc gùi quý của người Gia Rai.
Cùng với việc giữ gìn các nghề truyền thống, văn hóa cồng chiêng, múa xoang cũng được người Gia Rai ở xã Ya Xiêr gìn giữ và lưu truyền. Lớp lớn tuổi dạy cho những thanh niên, thiếu niên trong làng. Cứ như thế âm thanh cồng chiêng luôn vang vọng khắp các làng người Gia Rai.
Ông A Lưng ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy chia sẻ: cồng chiêng luôn được sử dung trong các lễ hội của người Gia Rai, như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng nhà rông mới, cúng yàng lúa, mở nước giọt.
"Cồng chiêng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống, vì vậy tôi cũng với già làng và các nghệ nhân thường xuyên tổ chức tập đánh cồng chiêng cho những thanh thiếu niên trong làng, để sau này chúng biết hết cồng chiêng của mình, phong tục ngày xưa của mình không đứa nhỏ nào quên được truyền thống của dân tộc Gia Rai mình", ông A Lưng chia sẻ.
Với sự quan tâm của chính quyền địa phương và những nỗ lực của các nghệ nhân trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc đã làm chuyển biến được ý thức của người Gia Rai trên địa bàn xã Ya Xiêr trong việc tôn trọng, gìn giữ và đưa các giá trị truyền thống vào đời sống. Toàn xã hiện còn lưu giữ được 43 bộ cồng chiêng; 04 làng người Gia Rai sinh sống đều có nhà rông và mỗi làng đều thành lập được đội cồng chiêng, múa xoang.
"Bản sắc văn hóa dân tộc Gia Rai ở địa phương mình đây là đan gùi, dệt thổ cẩm, cồng chiêng, ting ning. Bà con dân Gia Rai chúng tôi ở đây không bao giờ bỏ, ví dụ dệt thổ cẩm vẫn duy trì, đan lát vẫn còn, cồng chiêng vẫn còn, nhà rông vẫn còn, bất cứ văn hóa đúng với chủ trương Đảng, Nhà nước mình cho phép thì mình vẫn gìn giữ và lưu truyền", ông A In, già làng làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy chia sẻ.
Các nghệ nhân ở xã Ya Xiêr luôn tích cực truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy cho biết: với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, những năm qua, chính quyền xã luôn quan tâm truyên truyền, vận động người dân duy trì các lễ hội, phong tục, nghề truyền thống đã được phục dựng; mở các lớp truyền dạy các kỹ năng thực hành diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca, nhạc cụ truyền thống. Đồng thời, động viên các thế hệ nghệ nhân người Gia Rai nỗ lực giữ gìn và truyền dạy các nghề truyền thống, đánh cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ.
Trong dòng chảy thời gian, nhiều nơi những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ dần mai một, nhưng ở xã Ya Xiêr, những giá trị đó đang được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, bởi ở đó có sự quan tâm của chính quyền địa phương và những nghệ nhân người Gia Rai tâm huyết, nặng lòng với văn hóa dân tộc./.
Khánh Ngân