Tin tức - Sự kiện

Kỳ vọng vào những chính sách ưu tiên để du lịch phát triển

Cập nhật: 23/12/2021 08:10:47
Số lần đọc: 885
Sau 2 năm bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19, ngành Du lịch đang nỗ lực phục hồi và phát triển trong tình hình mới. Tuy nhiên, để có thể vượt qua các khó khăn, thách thức và phát triển bền vững trong tương lai, cần phải có những chính sách ưu tiên, đặc thù dành cho ngành Du lịch. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch vừa có cuộc trao đổi với Báo Văn hóa về những vướng mắc và định hướng phát triển trong thời gian tới.  

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh. Ảnh TRUYỀN PHƯƠNG

PV: Thưa ông, trong bối cảnh Việt Nam liên tục đẩy mạnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước phục hồi kinh tế xã hội, ngành Du lịch đã có sự thích ứng, hồi phục như thế nào? Có những thuận lợi, khó khăn gì trong quá trình thực hiện phục hồi du lịch nội địa và định hướng giải pháp trong thời gian tới?

-Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Năm 2020, sau khi khống chế dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch đã đề xuất Bộ VHTTDL chủ trì, kích hoạt chương trình kích cầu “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” trên toàn quốc và đã rất thành công. Du lịch nội địa đã góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19 năm 2020, trong bối cảnh du lịch quốc tế vẫn bị đóng băng.

Năm 2021, sau đợt bùng phát lần thứ 4, với mục tiêu từng bước phục hồi ngành Du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân, Tổng cục Du lịch đề xuất và Bộ VHTTDL đã ban hành Hướng dẫn 3862 thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, đồng thời ban hành Chương trình phát động du lịch nội địa “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”. Chương trình sẽ được triển khai theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến mở rộng phạm vi cả nước.

Qua đó, tập trung giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm và các trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn; giúp doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại, tạo công ăn việc làm cho người lao động; đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các hoạt động du lịch; tăng cường truyền thông khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn. Hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp đang tích cực triển khai theo Hướng dẫn và các Chương trình này, đạt được mức tăng trưởng tốt ở một số nơi như: Phú Quốc, Khánh Hòa, Sa Pa…

Tổng cục Du lịch phối hợp với các địa phương, tổ chức kích hoạt tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn, linh hoạt; kết nối các điểm đến, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp và hàng không xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch.

Du lịch nội địa vẫn đang là cứu cánh của ngành Du lịch khi dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành. Ảnh DUY NGHĨA

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ ở một số địa phương chưa được đồng đều, dẫn đến mỗi địa phương có quy định khác nhau về phòng chống, dịch và hạn chế đi lại, gây khó khăn cho việc phục hồi du lịch. Bên cạnh đó, sau 2 năm dịch bệnh xuất hiện, các doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn lực, việc tham gia các chương trình kích cầu, hồi phục rất khó khăn. Cơ sở hạ tầng du lịch xuống cấp; nguồn nhân lực có chuyên môn thất thoát, rời bỏ ngành, mất việc cũng là một nỗi lo khi du lịch hoạt động trở lại

PV: Ngoài các nhóm giải pháp đã đề xuất, tới đây, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách đột phá gì để phục hồi và phát triển du lịch một cách thiết thực, bền vững?

- Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Trong thời gian tới, ngành Du lịch tiếp tục đề xuất các giải pháp để phục hồi và phát triển, trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch - lực lượng nòng cốt của ngành phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng chuyển từ trạng thái “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn”; hỗ trợ trong việc triển khai các hoạt động du lịch đảm bảo tiêu chí an toàn; giảm các loại thuế, phí; kích cầu du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch trong năm 2022.

Ngành Du lịch tiếp tục triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn mới phù hợp với Công văn số 10688/BYT-MT ngày 16.12 của Bộ Y tế về phòng chống dịch đối với người nhập cảnh từ 1.1.2022 khi mở đường bay thương mại thường lệ của Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời xem xét mở thêm các điểm đến đối với khách du lịch quốc tế như TP.HCM, Bình Định.

Xây dựng sản phẩm du lịch mới trước những nhu cầu thay đổi của du khách: dòng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh, các sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe...; cung cấp dịch vụ du lịch thông minh, tăng cường trải nghiệm bằng việc sử dụng các công nghệ tiên tiến.

Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn ngành Du lịch: ứng dụng công nghệ số trong marketing du lịch; quản lý và phát triển điểm đến du lịch thông minh; phát triển hệ thống thông tin số ngành Du lịch và các ứng dụng; hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch.

Đồng thời, chú trọng phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng cường công tác đào tạo, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Xu hướng, thói quen và nhu cầu du lịch của người dân đã thay đổi rất nhiều sau đại dịch. Ảnh DUY NGHĨA

Tăng cường phối hợp và liên kết ngành như phối hợp với ngành Hàng không trong công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối và phát triển thị trường du lịch; phối hợp với các cơ quan hải quan, thuế trong việc tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế xuất, nhập cảnh Việt Nam và mua hàng miễn thuế; phối hợp với ngành nông nghiệp trong việc cung ứng thực phẩm đầu vào cho các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống, bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ khách du lịch; phối hợp với ngành Công an bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu, điểm du lịch, phòng, chống các loại tội phạm...

Sau đại dịch, có thể xuất hiện trở lại các hiện tượng chèo kéo khách, cò mồi, nâng giá, ép giá, lừa đảo, cướp giật... gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Vì vậy, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội, tích cực hành động để xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, an toàn, hiếu khách.

PV: Xin ông cho biết việc tổ chức Hội thảo Du lịch năm 2021 có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay và ông có kỳ vọng gì đối với sự kiện này?

- Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Do những tác động quá nặng nề, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Du lịch Việt Nam rất cần sự quan tâm của cả bộ máy chính trị, chỉ đạo, chung tay tháo gỡ khó khăn, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Các địa phương đã mở lại hoạt động du lịch nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình mới. Ảnh DUY NGHĨA

Với Hội thảo Du lịch năm 2021, chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, ngành Du lịch mong mỏi đây sẽ là tiếng chuông để thu hút sự vào cuộc tích cực hơn của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành cho sự phục hồi và phát triển bền vững của Du lịch Việt Nam thời gian tới.

Chúng tôi cho rằng Hội thảo này rất trúng và đúng. Đúng về thời điểm khi mà Chính phủ đang phục hồi kinh tế xã hội của đất nước và Du lịch Việt Nam đang tích cực khởi động lại hoạt động du lịch trong nước, mở cửa từng bước thị trường quốc tế. Chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và phát triển tiếp theo sau tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Trúng là Hội thảo đưa ra 3 vấn đề thảo luận rất quan trọng và cần giải quyết, xử lý cho việc phục hồi và phát triển du lịch là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; Định hướng, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch; Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Qua đó, đánh giá lại tác động của các cơ chế, chính sách đã ban hành đối với sự phát triển của ngành, trên cơ sở đó, đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp riêng, ưu tiên, hữu hiệu, đặc thù để tạo điều kiện phục hồi du lịch, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, xác định phục hồi, phát riển du lịch là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội năm 2022- 2023.

Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội chọn du lịch làm chủ đề cho diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức trong nước và quốc tế trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến ngành Du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với Du lịch Việt Nam giai đoạn “hậu Covid-19”; về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển Du lịch trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển Du lịch trong điều kiện “bình thường mới”. 

Lại Thúy Hà (thực hiện)

 

Nguồn: Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT