Tiềm năng và cơ hội của thị trường Halal ở Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tiềm năng của thị trường thực phẩm Halal khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương và cơ hội cho các doanh nghiệp, đồng thời, tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp nói chung cũng như sản phẩm và dịch vụ Halal nói riêng. Đây cũng là dịp để kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước và với các địa phương nhằm tăng cường hợp tác liên kết và đầu tư các sản phẩm Halal.
Khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người, chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới. Về quy mô thị trường, các nước Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỷ USD năm 2018.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đánh giá tiềm năng và năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm Halal rất hứa hẹn. Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương là nơi tập trung nhiều quốc gia có số lượng, người Hồi giáo đông nhất thế giới.
Sản phẩm Halal dự kiến sẽ mở rộng không chỉ đối với thực phẩm thuần túy mà cả dược, mỹ phẩm và có ảnh hưởng ngày càng lớn tới sự phát triển của ngành dịch vụ du lịch, tài chính, tiếp thị…
Ngành thực phẩm Halal không chỉ liên quan đến quá trình sản xuất mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như nguyên liệu, phân bón, chế biến, cung cấp dịch vụ hậu cần, do thực phẩm Halal không chỉ là sản phẩm là một quy trình từ nguyên liệu thô cho đến quá trình chăn nuôi, chăm sóc, giết mổ, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, Việt Nam có gần 50% mặt hàng nông sản như gạo, rau quả, chè, cà phê, điều, tiêu... được đánh giá là rất phù hợp với thị trường Halal.
Tiếp cận thị trường Halal cần đến sự tôn trọng, thấu hiểu những giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng đến sự cam kết và niềm tin vững chắc. Mỗi sản phẩm của nền nông nghiệp Việt Nam có thể được xem là chiếc cầu nối của sự thông hiểu và tôn trọng, gắn kết những người sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam với những người bạn, những đối tác ở các thị trường Hồi giáo.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, thị trường Halal mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn cho Du lịch Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt sẽ thúc đẩy cả ngành thực phẩm Halal phát triển. Dù đang ở thời điểm đầy khó khăn thách thức do đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra nhưng ngành Du lịch vẫn có sự gia tăng hệ thống dịch vụ ẩm thực, cung cấp thức ăn và đồ uống cho khách. Vì thế cơ hội đầu tư không chỉ giới hạn ở du lịch mà còn là quy trình sản xuất, mở rộng cửa với các công ty lĩnh vực giống, phân bón, trang trại chăn nuôi, công nghệ sản xuất thực phẩm, chế biến thực phẩm hay các công ty dịch vụ hậu cần.
Tại Việt Nam, sản phẩm Halal nói riêng và phục vụ người theo Đạo Hồi nói chung còn hạn chế. Cơ sở vật chất thiếu, nhận thức, hiểu biết của người dân và những người làm trong ngành du lịch về đạo Hồi và sản phẩm Halal chưa đầy đủ, dịch vụ chưa phong phú. Ẩm thực của Việt Nam phù hợp với đa dạng khách các quốc tịch, các tôn giáo, nhưng ít nơi có sản phẩm có chứng chỉ Halal nên ít lựa chọn cho khách đạo Hồi.
Thời gian tới, để phát triển thị trường Halal, theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, ngành Du lịch Việt Nam cần tập trung những nội dung sau: (1) Nâng cao nhận thức, hiểu biết về Halal và sản phẩm Halal cho các bên liên quan đến du lịch, đặc biệt là những người làm việc trong cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch. (2) Có chính sách và kế hoạch tạo điều kiện phát triển Halal trong ngành Du lịch. (3) Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ du lịch thân thiện với khách Hồi giáo tại Việt Nam, đặc biệt tại các trung tâm du lịch lớn, mở rộng các cơ sở cung ứng ẩm thực Halal, các nhà hàng, khách sạn, tour chuẩn Halal… (4) Quan tâm hơn đến công tác quảng bá, xúc tiến thị trường, thu hút khách sử dụng sản phẩm Halal tới Việt Nam.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, thời gian tới ngành Du lịch Việt Nam sẽ mở rộng và phát triển hơn nữa thị trường Halal khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, nâng cao hiểu biết, nhận thức, giao lưu với các quốc gia, tổ chức và cá nhân sử dụng sản phẩm Halal trong và ngoài nước theo nguyên tắc bình đẳng và các bên cùng có lợi.
Trung tâm Thông tin du lịch