Lạc Sơn (Hòa Bình) lưu giữ lại câu hát Thường Rang
Một buổi ghi âm, thu hình hát đối của nhóm sưu tầm.
Còn giữ nét bản nguyên
Sang đầu thế kỷ 21, hát giao duyên dân tộc Mường đã được chú ý và khôi phục, xuất hiện trong các lễ hội Đình Cổi, Đình Băng… Vào dịp Tết 19-8 và 2-9 (Tết Độc lập) được phục dựng, hình thức hát giao duyên có thêm cơ hội xuất hiện.
UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), UBND huyện Lạc Sơn đã có các kế hoạch sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn hát Thường Rang, Bộ Mẹng, hát Đúm giao duyên dân tộc Mường trên địa bàn huyện. Vừa qua, huyện đã tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát Thường Rang, Bộ Mẹng, hát Đúm giao duyên dân tộc Mường, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình”. Trong suốt các năm từ 2013 - 2020, nhóm sưu tầm gồm các ông Bùi Huy Vọng (Nghệ nhân Ưu tú, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật 2016), Bùi Văn Nỏm (nguyên Bí thư Huyện ủy) đã tổ chức được 30 cuộc hát giao duyên với sự tham gia của hơn 300 nghệ nhân, ghi âm được gần 1.000 GB dữ liệu. Theo ông Nỏm, đặc sắc nhất của hình thức hát giao duyên này thu hút người nghe bởi tính sáng tạo, ứng biến của chính người hát, phù hợp bất cứ hoàn cảnh nào. Đây là hình thức diễn xướng thực hành còn khá bản nguyên, chưa bị sân khấu hóa.
Nghệ nhân Bùi Văn Lịch (xóm Thóng, xã Vũ Bình) cho biết: “Tôi thích nghe các cụ hát từ khi còn nhỏ. Đến năm 13 tuổi tôi bắt đầu hát đối. Trong các đám cưới, mọi người thường hát thâu đêm rất vui. Trước sự tác động của các luồng văn hóa, các hình thức giải trí mới, tôi lo lắng hát giao duyên sẽ bị mai một. Bởi thế phải tranh thủ những dịp cưới, hỏi, lễ Tết khi con cháu quần tụ để truyền ngọn lửa đam mê”. Cũng với quan điểm ấy, nghệ nhân Quách Thị Lon (xóm Khang, xã Ân Nghĩa) thể hiện sự tự tin hơn khi chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã hát mỗi khi đi lên nương, lên núi và hát đúp (hát đối hai người) từ hơn chục năm nay. Cái khó của hình thức hát này là phải phụ thuộc lời hát của người đối diện và nội dung nào mình đã hát thì phải nhớ để tránh không trùng lặp. Bản thân tôi đã có cuộc hát đến 10 tiếng đồng hồ mà vẫn không bị trùng lặp”.
May là thanh niên cũng thích
Theo các nghệ nhân, một điều rất may là thế hệ thanh, thiếu niên ở địa phương cũng rất quan tâm đến nghệ thuật dân gian này. Khó khăn lớn nhất trong việc truyền dạy, đào tạo là làm sao để các em, các cháu có thể đặt lời thành câu, nhả chữ cho đúng. Để thực hiện điều này cần phải có quá trình và cần kiên trì hướng dẫn các em hát theo từng bối cảnh như hát thay cho lời chào (xin chào các em, các mẹ đến nhà), hát trò chuyện trong lúc ăn cơm, mời rượu, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình người khách đến chơi nhà…
Từ góc độ các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa, Ths Bùi Kim Phúc, Trưởng phòng Quản lý văn hóa - Sở VHTT&DL đánh giá: Di sản văn hóa hát Thường Rang, Bọ Mẹng đã đáp ứng được tiêu chí là một di sản của dân tộc Mường ở các tiêu chí: tính đại diện thể hiện bản sắc cộng đồng địa phương (chỉ có ở dân tộc Mường); sự đa dạng văn hóa trong sáng tạo của con người, thể hiện qua nhiều thế hệ; khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, thừa hưởng và đề cử bảo vệ.
Từ thực tế trên, các nhà quản lý văn hóa cũng như các đại biểu tham dự hội thảo đều đi đến thống nhất: Về phương thức bảo tồn: cần đưa di sản các dân tộc vào chương trình hội thi ở các cấp; cần sưu tầm lời cổ và truyền dạy để tiếp nối dòng chảy văn hóa bởi không chỉ góp phần phục vụ đời sống tinh thần mà còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.