Lâm Đồng: Phát triển du lịch Đà Lạt xanh và bền vững
Du khách trải nghiệm thành phố ngàn hoa Đà Lạt.
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó nêu rõ, xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Định vị thương hiệu du lịch Đà Lạt
Đà Lạt có “công năng gốc” là đô thị nghỉ mát. Khí hậu và thiên nhiên Đà Lạt đã hấp dẫn những người làm công tác quy hoạch, từ “trạm nghỉ dưỡng vùng cao”, vùng đất trên cao nguyên Langbiang này được dự phóng ngay từ ngày đầu khảo sát sẽ trở thành “thủ đô mùa hè” của Đông Dương. Từ ý tưởng quy hoạch “thành phố châu Âu” đầu tiên của Paul Champoudry (1905) đến “thành phố phong cảnh” của Jean O’Neil (1919) và Ernest Hébrard (1923), Jacques Lagisquet đã quy hoạch Đà Lạt thành “thủ đô mùa hè” (1942-1944).
Giáo sư Jame H. Spencer, Chủ tịch Viện Nghiên cứu và phát triển Third Rock, Hoa Kỳ, thông tin, dự án quy hoạch và thiết kế đô thị Đà Lạt của Hébrard theo nguyên tắc “quy hoạch thành phố vườn”, được mong đợi là thành phố nghỉ dưỡng trên núi kiểu mẫu. Xuyên suốt dự án, ý tưởng của Hébrard là “thành phố trong cỏ cây và cỏ cây trong thành phố”, Đà Lạt là thành phố sinh thái, không xuất hiện những ống khói từ nhà máy công nghiệp.
Trải qua 130 năm xây dựng và phát triển, Đà Lạt đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch. Vùng đất này kết hợp giữa cảnh quan núi rừng tuyệt đẹp với nhiều di sản lịch sử-văn hóa, tự nhiên đa dạng, tạo nên trải nghiệm du lịch độc đáo. Đà Lạt còn được biết đến với kiến trúc độc đáo của những công trình và biệt thự cổ mang phong cách châu Âu. Đây còn là nơi hội tụ nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của hơn 20 dân tộc. Đà Lạt và vùng phụ cận sở hữu ba di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, gồm Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang.
Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Đà Lạt được các tổ chức quốc tế bình chọn nhiều giải thưởng tốt về du lịch và môi trường. Điều này khẳng định Đà Lạt là thành phố hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài”. Tiến sĩ Phạm S thông tin, sau 130 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế; Festival hoa Đà Lạt được Hiệp hội Festival và Sự kiện quốc tế - khu vực châu Á trao tặng giải thưởng “Festival Hoa đẹp nhất châu Á” năm 2024. Đà Lạt còn là trung tâm di sản kiến trúc Pháp của Việt Nam và khu vực, hai lần được công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” và là một trong những điểm đến lãng mạn của châu Á. Hãng CNN (Hoa Kỳ) bình chọn Đà Lạt là một trong 18 “kho báu châu Á” năm 2023.
Hệ giá trị cốt lõi, nổi bật của Đà Lạt chính là đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên; văn hóa, lịch sử và di sản kiến trúc đô thị. “Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, môi trường sinh thái trong lành, con người hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Tất cả sự hòa quyện ấy đã tạo cho Đà Lạt nhiều tính độc đáo, trở thành địa danh quen thuộc với mọi người Việt Nam và du khách quốc tế”, Tiến sĩ Phạm S chia sẻ.
Cần những giải pháp hiệu quả
Đà Lạt là vùng đất sở hữu nhiều di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có nhiều tiềm năng để khai thác các loại hình du lịch, góp phần phát triển du lịch xanh, bền vững. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú cho hay: “Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt. Phát triển du lịch xanh, bền vững đã trở thành mục tiêu quan trọng của địa phương. Mục tiêu được đặt trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường du lịch”.
Thời gian qua, Đà Lạt tích cực triển khai các quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch. Trong đó, tập trung xây dựng Đà Lạt trở thành một trong những đô thị du lịch “xanh” của cả nước cả về môi trường cảnh quan và môi trường xã hội, với các sản phẩm du lịch “xanh” dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, như du lịch sinh thái gắn với trồng rừng và bảo vệ rừng; du lịch sinh thái gắn với tham quan các di tích lịch sử cách mạng, di chỉ khảo cổ; du lịch kết hợp khám chữa bệnh; du lịch gắn với giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học; du lịch hội thảo - hội nghị; du lịch gắn với huấn luyện thể thao; du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao...
Theo Tiến sĩ Phạm S, Đà Lạt cần chuyển biến mạnh mẽ ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng cao; từ du lịch tiêu tiền ít sang du lịch tiêu tiền nhiều. Đồng thời, Đà Lạt cần tăng cường xúc tiến đầu tư du lịch giữa các vùng trong nước và các quốc gia; kết nối sản phẩm du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch; thu hút đầu tư đồng bộ các dự án công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế ban đêm, thu hút các dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao toàn cầu về du lịch… Ông cho rằng, thông qua ngoại giao, Đà Lạt cần chủ động đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quốc gia, khu vực và quốc tế để quảng bá thương hiệu Đà Lạt và phát triển du lịch; quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch; nghiên cứu, đưa ra các chính sách hỗ trợ và quy định về du lịch chất lượng cao…
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt Cao Thế Anh gợi mở, Đà Lạt cần hình thành bộ tiêu chí phát triển xanh đặc trưng. Khi có bộ tiêu chí sẽ phổ biến đến người làm du lịch, như vậy mới có thể phát triển du lịch đồng bộ. Ông đề xuất, cần tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả việc liên kết nội vùng điểm đến Đà Lạt và liên kết liên vùng; triển khai bản đồ du lịch xanh Đà Lạt bằng điện tử; triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn du lịch ASEAN cho Đà Lạt liên tục; duy trì và hệ thống hóa các thông tin quảng bá du lịch Đà Lạt đa ngôn ngữ, đa phương thức và cách thức truyền thông…
Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa, đại diện Viettravel tại Đà Lạt chia sẻ, du lịch Đà Lạt nên đẩy mạnh cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, không nên tập trung cạnh tranh bằng giá; chú trọng nâng cao nền dịch vụ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh, Trưởng Khoa Du lịch Trường đại học Đà Lạt cho rằng, du lịch Đà Lạt cần quan tâm mức chi tiêu và chất lượng dịch vụ tương xứng để định vị thương hiệu. Đồng thời, cần có chính sách thu hút những “sếu đầu đàn” có tiềm lực lớn đến đầu tư, tạo ra hệ sinh thái lớn, lan tỏa sản phẩm du lịch thương hiệu cao cấp cho địa phương.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đặc trưng của Đà Lạt rất hấp dẫn với xứ nóng. Để khai thác được nguồn khách cao cấp từ quốc gia khác phải định hình lại nhóm khách hàng, nhằm có chiến lược, xây dựng hướng tiếp cận và cung cấp dịch vụ chiều sâu hơn. Từ đó, xứ ngàn hoa không phải lo lắng về nguồn khách và phụ thuộc vào thị trường nào.
Bài và ảnh: Mai Văn Bảo