Lâm Đồng: Phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mạ ở Lộc Bắc
Trang phục truyền thống từ chất liệu thổ cẩm của người Mạ (Bảo Lâm) khoe sắc tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Theo đó, trong 3 tháng từ tháng 5 - 7/2024, các đơn vị trực thuộc Sở (Bảo tàng Lâm Đồng, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật) phối hợp cán bộ văn hóa địa phương sẽ tiến hành nghiên cứu, khảo sát tại địa bàn xã Lộc Bắc, xác định những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mạ có nguy cơ mai một, tổng hợp tư liệu làm cơ sở nghiên cứu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống và phát triển du lịch. Tư liệu hoá các giá trị văn hoá phi vật thể của đồng bào các dân tộc Mạ - Lộc Bắc bằng các báo cáo, video, hình ảnh làm cơ sở nghiên cứu, lưu trữ và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Nghệ nhân Ka Mom với hơn 40 năm dệt thổ cẩm
Cụ thể, sẽ tổ chức khảo sát, kiểm tra, thu thập thông tin để nghiên cứu ở tất cả các thôn buôn trên địa bàn xã Lộc Bắc. Tiến hành phỏng vấn đồng bào, người thực hành nghề dệt thổ cẩm, người trực tiếp gìn giữ các di sản văn hóa. Tổng hợp kết quả thu thập, nghiên cứu các giải pháp phục hồi, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và nghề dệt.
Tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho 30 chị em phụ nữ là thanh thiếu niên và trung niên (tuổi 12 - 45) đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Lộc Bắc do các nghệ nhân có uy tín, am hiểu và nắm giữ kỹ năng dệt, các già làng, người có uy tín tiến hành truyền dạy.
Trang phục truyền thống của người Mạ Bảo Lâm
Tổ chức thực hiện tư liệu hóa về nghề dệt thổ cẩm: Thực hiện phim tư liệu phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền.
Việc hỗ trợ, nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mạ, huyện Bảo Lâm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Quỳnh Uyển