Hoạt động của ngành

Lâm Đồng sẽ phát triển kinh tế đêm và 3 cụm không gian du lịch

Cập nhật: 28/07/2022 06:02:14
Số lần đọc: 687
Là một trong những nội dung trọng tâm Nghị quyết số 18 do Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận vừa ký ban hành ngày 25/7/2022 (Nghị quyết số 18), tiếp nối các thành công của Nghị quyết số 07 và định hướng các nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn sắp tới về phát triển du lịch chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.  


Du lịch sinh thái gắn với tham quan trải nghiệm sản phẩm đặc sản địa phương sẽ góp phần làm phong phú thêm không gian du lịch

Kết quả nổi bật sau 5 năm phát triển du lịch chất lượng cao

Trước Nghị quyết số18, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 07, ngày 16/11/2016 về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07, ngành Du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế động lực của tỉnh. Nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và Nhân dân địa phương về vai trò, vị trí ngành Du lịch được nâng lên; ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong hoạt động du lịch ngày càng tốt hơn.  

Công tác quản lý, bảo đảm môi trường tự nhiên - xã hội trong hoạt động du lịch ngày càng thực hiện chặt chẽ, hiệu quả; sự gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực với du lịch ngày càng rõ nét. Các doanh nghiệp du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ du khách ngày càng có ý thức hơn về đạo đức kinh doanh, văn minh thương mại, phong cách giao tiếp, ứng xử, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển du lịch theo hướng bền vững. Nhiều sản phẩm và loại hình du lịch mới được đưa vào khai thác, kinh doanh thu hút ngày càng đông du khách như: Du lịch canh nông, du lịch thể thao mạo hiểm,...  

Tỷ trọng ngành Du lịch - dịch vụ trong GRDP toàn tỉnh đến cuối năm 2021 đạt 38,8%. Giai đoạn 2016-2020, tổng thu từ khách du lịch là 52.164 tỷ đồng, chiếm 2% doanh thu từ hoạt động du lịch của cả nước. Thời gian lưu trú của du khách bình quân là 2,1 ngày. Giai đoạn 2016-2019, lượt khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng đều mỗi năm với mức tăng trưởng bình quân là 8,9%; lượt khách qua lưu trú tăng bình quân 11,9%; khách quốc tế chiếm 10,1% tổng số khách qua lưu trú. Số lượng lao động trực tiếp phục vụ ngành Du lịch khoảng 13.000 lao động; trong đó, có 80% số lao động trực tiếp được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ. Giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nên khách du lịch đến Lâm Đồng giảm mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của ngành Du lịch ngày càng nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí là một trong 4 nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo của Lâm Đồng

Mục tiêu phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025

Xây dựng, phát triển thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại, đẳng cấp quốc tế; lượng khách du lịch đăng ký lưu trú tăng bình quân 9-10%/năm (đến năm 2030 tăng bình quân 11-12%/năm); trong đó, khách quốc tế chiếm từ 12-13% tổng lượng khách qua lưu trú (năm 2030 là 15%), với ngày lưu trú bình quân đạt từ 2,5 ngày trở lên (năm 2030 là 2,7 ngày). Hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác các dự án đã chấp thuận đầu tư tại Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Đầu tư và đưa vào khai thác 2 công trình trọng điểm: Khu Du lịch Đankia - Suối Vàng, Khu Du lịch hồ Đại Ninh. Hoàn thành quy hoạch, kêu gọi đầu tư và triển khai đầu tư 2 công trình trọng điểm: Khu Du lịch hồ Prenn và Khu Du lịch núi Sa Pung...  

Tiếp tục phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (đạt chuẩn 3-5 sao); phấn đấu đến năm 2025, số phòng đạt chuẩn cao cấp đạt khoảng 8.000 phòng, chiếm trên 25% trong tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (năm 2030 là 15 ngàn phòng, chiếm 35%). Hình thành và nhân rộng các mô hình khách sạn thông minh 4.0 đối với hệ thống các khách sạn cao cấp từ 4-5 sao trên địa bàn tỉnh. Xây dựng thí điểm và đưa vào hoạt động 3-5 mô hình tham quan, mua sắm, giải trí về đêm tại thành phố Đà Lạt; 2 mô hình tham quan, mua sắm, giải trí về đêm tại thành phố Bảo Lộc...

Đa dạng hóa thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh gắn kết với các hoạt động du lịch. Ưu tiên phát triển 4 nhóm sản phẩm chủ lực: Du lịch sinh thái gắn với tham quan, văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch canh nông. Đa dạng hóa các nhóm sản phẩm hỗ trợ: Chăm sóc sức khỏe, du lịch ẩm thực, du lịch tâm linh. Thu hút khoảng 15.000 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch; trong đó có 85% lao động trực tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ (năm 2030 là 20.000 lao động và tỷ lệ 90%). Xây dựng thương hiệu điểm đến “Lâm Đồng - an toàn, văn minh và thân thiện”...

Phát triển kinh tế đêm và cụm không gian du lịch

Nghị quyết 18 đề ra nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững, trong đó: nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, mô hình phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Lạt và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện quy hoạch các khu vực có tiềm năng về du lịch; xây dựng chính sách thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, thương hiệu, kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh du lịch trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển thương hiệu, khai thác kinh doanh du lịch tại Lâm Đồng...

Lâm Đồng sẽ phát triển 3 cụm không gian du lịch, gồm: thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch, trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế; cụm du lịch thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận, cụm du lịch các huyện phía Nam trở thành vệ tinh và phát triển các điểm dừng chân, các khu, điểm du lịch gắn với tuyến giao thông chiến lược: Cụm cảng hàng không Liên Khương, Quốc lộ 20, đường cao tốc Giầu Dây - Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương, đường cao tốc Đà Lạt - Nha Trang, đường Trường Sơn Đông...

Phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo như: Du lịch sinh thái gắn với tham quan, văn hóa (bao gồm văn hóa bản địa, kiến trúc đặc thù, du lịch tâm linh; văn hóa, văn nghệ đường phố,...); du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch canh nông gắn với quảng bá, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP của địa phương nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch, sản phẩm đặc sản của địa phương…

Ngoài ra, các công tác khác tiếp tục được chú trọng: xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu, chuyển đổi số hoạt động phát triển du lịch; Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch; Liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt và các hội nghề nghiệp khác trong phát triển dịch vụ du lịch...

Lê Hoa

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Đăng ngày 28/7/2022

Cùng chuyên mục