Hoạt động của ngành

Lâm Đồng: Thị trường du lịch nông thôn

Cập nhật: 19/08/2021 07:59:06
Số lần đọc: 825
Vì sao lại có các tour du lịch mang tên “Một ngày làm nông dân” khắp các vùng miền trên cả nước, ở các trang trại trồng rau, hoa, cà phê, trái cây, đồng muối, ruộng lúa, hồ cá, ao sen...? Bởi, ở đó có sự khác biệt gần như hoàn toàn với cuộc sống bình thường nơi phố thị, tạo nên một sức hút vì tò mò, vì muốn trải nghiệm... nhiều hơn là sự hấp dẫn ban đầu đối với du khách.



Khách du lịch ngoại quốc tại cơ sở sản xuất tơ lụa Cường Hoàn

Thời hoàng kim của du lịch nông thôn

Hiện nay, du lịch nói chung đóng băng hoàn toàn, không chuyến bay thương mại, không du khách quốc tế, cách ly và phòng, chống dịch bệnh... khiến thị trường du lịch nội địa nói chung và du lịch nông thôn nói riêng gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bỏ qua thời kỳ du lịch dần suy thoái và kiệt quệ từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và tung hoành, khiến “du lịch quốc tế không hạ cánh” dẫn đến khách du lịch nước ngoài giảm dần về con số không; thì, trước khi dịch bệnh COVID xảy ra, (từ năm 2019 trở về trước) du lịch nông thôn Việt Nam rất thu hút du khách, đặc biệt là du khách ngoại quốc.

Cơ sở sản xuất tơ lụa Cường Hoàn (Lâm Hà), mỗi năm đón 20-30 ngàn lượt khách, mà đa phần là khách quốc tế đến tham quan quy trình ươm tơ, dệt lụa, tẩy nhuộm, thiết kế sản phẩm, may trang phục, thêu tranh lụa của gia đình. Mô hình này được ông Phạm Văn Cường gầy dựng suốt mấy chục năm, vừa sản xuất vừa làm du lịch, nên du khách ngoại quốc rất ưa chuộng. Nhiều mô hình sản xuất thủ công khác ở vùng nông thôn, như làm gốm, dệt thổ cẩm, làm nhẫn bạc... cũng rất thu hút du khách nước ngoài.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng có về khách du lịch, doanh thu, đầu tư và có những tác động lan tỏa đến vận tải, thương mại và các ngành nghề liên quan khác. Còn du lịch nội địa, riêng năm 2019, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, có khoảng 85 triệu lượt khách đi du lịch trong nước, mà khoảng 70% điểm đến du lịch nằm ở khu vực nông thôn. Với dân số trên 100 triệu người, thì gần như mỗi năm của thời kỳ ấy, mỗi người dân Việt Nam đều có ít nhất một chuyến du lịch cùng gia đình, bạn bè, hay nhóm hội, cơ quan...

Khách nội địa của du lịch nông thôn

Nhiều gia đình Việt Nam thường cho con tham dự các khóa học kỹ năng sống trong kỳ nghỉ hè, như gia đình chị Lê ở Đà Lạt. Mấy năm trước, chị Lê thường cho cậu con trai (nay gần 20 tuổi) tham gia các tour kỹ năng sống. Và năm 15 tuổi, chàng trai đã có một tour trải nghiệm xa gia đình lần đầu tiên là làm muối và trồng hành ở vùng quê Ninh Thuận, với mục tiêu cho con trải nghiệm cuộc sống “không giống như ở nhà mình”. Chàng trai mới lớn theo một khóa học, được gợi mở các định hướng về tương lai, được cắm trại theo nhóm cùng bạn bè và được trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn, xa gia đình.

Không quá nghiêm túc như các khóa “học kỳ quân đội”, “chúng em là chiến sĩ”, các em học sinh ở tuổi thiếu niên tham dự các khóa hè theo dạng vừa vui chơi, vừa học hỏi; được phục vụ ăn, ngủ, nghỉ… ngoài thời gian trải nghiệm trên đồng ruộng. Sau vài ngày làm nông dân, các bạn trẻ nắm khá rõ các công đoạn làm muối, quy trình canh tác hành vì được thực nghiệm trên đồng ruộng. Thêm vào đó, quá trình sống xa gia đình cùng nhau, giúp các em có những cảm xúc mới mẻ về cuộc sống tập thể, kỹ năng làm việc nhóm, thêm kiến thức thực tế về người nông dân...

Lâm Đồng - Đà Lạt đã có những đợt bùng nổ du khách vào các mùa hoa. Hiện tượng du khách nườm nượp đổ về các nẻo đường ở Đơn Dương trong mùa hoa dã quỳ, hay đường phố Đà Lạt trở nên đông đúc vào mùa hoa mai anh đào, hoa phượng tím... cho thấy sức hút của các mùa hoa, mà việc quảng bá chỉ thông qua các bức ảnh được người đi trước chụp rồi đưa lên các trang mạng xã hội của mình là Facebook, Zalo, hay Instagram...

Ở các vùng nông thôn khác, mùa hoa mơ, hoa mận, hoa tam giác mạch, vườn nho, vườn đào, hay mùa các lễ hội... chính là mùa du khách, bất kể là ở nơi xa xôi hẻo lánh nào, chỉ cần đó là sản phẩm du lịch mà họ thích. Đối tượng du khách của loại hình du lịch mùa hoa, mùa lễ hội rất đa dạng, không chỉ là giới trẻ, mà có thể là bất cứ ai, người lớn tuổi, gia đình, trẻ em... nhưng tâm điểm có lẽ là thanh niên và phụ nữ, bởi loại hình du lịch này thường gắn với nhu cầu chụp ảnh hơn là nghiên cứu và tìm hiểu.

Còn đối tượng nghiên cứu và tìm hiểu là sinh viên một số chuyên ngành cũng thường có một tour dài ngày trong thời gian học đại học tại những vùng nông thôn đặc trưng gắn với chuyên ngành đang học. Đây là cơ hội để các bạn sinh viên vừa tìm hiểu đặc điểm văn hóa bản địa ở một vùng quê, kết hợp với cắm trại và tổ chức các trò chơi đồng đội, giao lưu với người dân địa phương, hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng...

Du lịch nông thôn hay nông thôn làm du lịch

Du lịch nông thôn có sức hút bởi sự khác biệt của du lịch nông thôn với các loại hình du lịch khác. Khách du lịch hầu hết ở thành phố và các vùng đô thị hóa. Bản chất du lịch, ngoài nghỉ dưỡng, tận hưởng, còn là trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ. Nông nghiệp và nông thôn chính là nguồn tài nguyên quý giá chủ yếu bởi sự khác biệt đối với người dân phố thị. Khi mà các tầng lớp cư dân ở đô thị đang tăng lên nhanh chóng, thì nhu cầu nghỉ dưỡng ngắn ngày ở vùng nông thôn càng lớn, bất chấp mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi thời điểm, góp phần làm cho thị trường du lịch nội địa rộng lớn hơn.

Nhiều tour du lịch độc đáo, hấp dẫn và đã trở thành thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, như tour du lịch miệt vườn sông nước đồng bằng sông Cửu Long; tour thưởng ngoạn phong cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín, mùa nước đổ ở vùng cao Tây Bắc... Đến nay, trên cả nước có khoảng gần 400 điểm hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, mà phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, du lịch nông thôn còn có thể hấp dẫn hơn, khi có sự đầu tư về tiện nghi tại nơi nghỉ dưỡng. Có một thực tế là, các hộ dân làm du lịch chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, phát triển từ những dịch vụ đơn giản là tham quan trang trại, sử dụng nhà vườn thành nơi nghỉ ngơi của khách; cao hơn một chút là có sự liên kết giữa các hộ dân, hoặc giữa hộ dân với doanh nghiệp... nhưng đa phần, thiếu sự nâng tầm về cảnh vật, về đời sống vùng nông thôn trong cộng đồng để hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn...

Nhật Quân

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục