Lâm Đồng: Tĩnh lặng cùng hoang dã
Nhiều du khách thích thú khi được đến với cây sồi ba cạnh tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng).
Chỉ cách đường lớn một quãng rất ngắn, ngay sát khe nước dẫn vào hẻm núi, nhiều loài thú nhỏ nô giỡn như không thèm để ý đến sự có mặt của con người. Vài con rắn mầu lục, vài con tắc kè đổi mầu nằm lơ đễnh hớp nước mưa trên thân gỗ mục. Ngay bên đường đã thấy xuất hiện nhiều loài cây quý thuộc họ lá kim như thông hai lá dẹt, hoàng đàn, thông đỏ, thông tre lá ngắn, thông nàng, du sam, hồng tùng, thông năm lá, bạch tùng. Tôi lặng người khi đứng dưới gốc cây sồi ba cạnh (Trigonobalanus verticillata), loài cổ sinh sót lại từ thời tiền sử. Những cây sồi ba cạnh quý hiếm cùng với thông hai lá dẹt (Pinus krempfii), loài thông có tuổi với loài khủng long, chỉ còn một quần chủng duy nhất sót lại trên thế giới đang sinh tồn ở rừng Bidoup, là một điều bí ẩn của thiên nhiên. Giữa rừng già ẩm ướt, tiếng côn trùng râm ran, tiếng những con voọc lạc bầy vọng từ đỉnh núi. Anh Lê Ngọc Nhật, hướng dẫn viên của Vườn kể rằng, đừng nói gì đến vắt và rắn ẩn đầy dưới tàng lá mục, thỉnh thoảng đồng bào Cơ Ho ở các buôn K’long K’lanh, Đưng Ja Jiêng, Liêng Ca đi rừng còn gặp báo và gấu lởn vởn trên những triền rừng. Thậm chí, chó sói rừng Bidoup cũng đã từng kéo đàn xuống núi đến tận huyện lỵ Lạc Dương…
Đã không ít lần đến với rừng sâu Bidoup-Núi Bà nhưng mỗi lần tôi lại có thêm những cảm giác mới mẻ mà đại ngàn mang lại. Gần hai mươi năm trước, lần đầu tiên đặt chân lên chóp đỉnh của nóc nhà thứ hai Tây Nguyên này (sau Chư Yang Sin), tôi và mọi người trong chuyến khảo sát đã kinh ngạc thốt lên khi được nhìn thấy những cây thân gỗ cực lớn mang tên pơmu. Bạt ngàn rừng pơmu cổ thụ, có cây to đến mấy người ôm không khuất đã tồn tại hàng nghìn năm trên đỉnh núi sương giá như những nhân chứng về sự trường tồn của tự nhiên nhiệt đới. Cũng trong dịp ấy, quần chủng thông hai lá dẹt lần đầu tiên được phát hiện trên đỉnh núi này. Trong đoàn khảo sát, ông Hoàng Bá Phổ, một cán bộ lãnh đạo ngành lâm nghiệp thời đó đã ôm lấy gốc thông hai lá dẹt mà nước mắt lưng tròng. Ở độ cao hơn 2.000 m, bốn mùa lạnh buốt, những loài cây như pơmu và thông hai lá dẹt chống chọi và sinh trưởng như một điều kỳ diệu. Điều lạ lùng là ở gốc hai loài cây ấy, dù trái cây bung nụ nảy mầm kín mặt đất mà không hề có thêm một cây mới nào tái sinh. Kể cũng lạ, ngay sau phát hiện đó, các cán bộ kỹ thuật của ngành lâm nghiệp chọn trái giống mang về với mong muốn sẽ có vườn ươm các loài cây thân gỗ quý hiếm ấy để đưa ra trồng đại trà. Thế nhưng, không mang lại kết quả. Có lẽ, chỉ Bidoup-Núi Bà mới thật sự là quê hương của những loài thực vật cổ sinh…
Với diện tích hơn 70 nghìn héc-ta, nằm ở trung tâm cao nguyên và thuộc vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, độ cao nhất của Bidoup-Núi Bà là 2.287 m. Từ đỉnh núi này có thể phóng tầm mắt tới ba cái “view” độc đáo của duyên hải miền trung và Tây Nguyên là Nha Trang xanh ngát mầu biển, cao nguyên bazan Đắk Lắk và thành phố mù sương Đà Lạt. Một không gian khoáng đạt ẩn hiện qua những thung cao lũng thấp chập chùng mây núi. Bidoup-Núi Bà có 91% diện tích là rừng với các kiểu rừng: rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi trung bình lá rộng, rừng kín hỗn hợp cây lá rộng lá kim ẩm á nhiệt đới, rừng lùn đỉnh núi, rừng thưa cây lá kim, kiểu phụ rừng rêu, trảng cỏ, rừng hỗn giao lá rộng và rừng tre nứa.
Tiến sĩ Lê Văn Hương-Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà đã cung cấp những dữ liệu khái quát. Theo đó, riêng khu hệ thực vật có mạch đã ghi nhận tại Vườn có 2.089 loài thuộc 829 chi, 186 họ khác nhau; trong đó có 74 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 35 loài có tên trong danh lục đỏ của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN). Nơi này cũng được đánh giá là “vương quốc hoa lan” với hơn 317 loài thuộc 85 chi trong tổng số 1.250 loài lan của Việt Nam. Về khu hệ thú, Bidoup-Núi Bà còn bốn lớp động vật gồm lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp ếch nhái với 131 loài thuộc 27 bộ, 29 họ; trong đó có hơn 70 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới IUCN và có mặt trong danh lục các loài động vật thuộc Công ước CITES. Một thú vị khác, Bidoup-Núi Bà được ghi nhận là một trong 221 khu vườn chim đặc hữu thế giới và là một trong ba vườn chim đặc hữu của Việt Nam với 304 loài chim đang sinh sống tại đây...
Với hệ thống các giá trị khác biệt, Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà là một trong những khu vực đa dạng sinh học còn chứa nhiều bí ẩn mà các nhà khoa học trong và ngoài nước đã và đang tập trung khám phá. Kể từ ngày thành lập (năm 2004), địa chỉ này đã tiếp đón và cộng tác với hơn 200 đoàn chuyên gia quốc tế và trong nước đến nghiên cứu; phối hợp đào tạo tám tiến sĩ, 30 sinh viên cao học và đại học. Các cán bộ của Vườn cũng đã thực hiện sáu đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có hai đề tài cấp nhà nước; công bố hơn 30 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước; xuất bản một số đầu sách chuyên khảo, hướng dẫn kỹ thuật. Hơn hai mươi năm trước, khi tiếp cận với đỉnh cao này, tôi từng gặp Jonathan, nhà điểu học người Anh làm việc tại Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) khi anh dựng lều trên núi hàng tháng trời nghiên cứu các loài chim. Lần đó, mắc phải cơn lũ lớn phải nằm lại giữa rừng, tôi đã phải nhờ đến mì tôm và cà-phê của anh. Tôi cũng từng may mắn được gặp hai nhà khoa học trẻ ngoại quốc khác trong một chuyến lội rừng Bidoup. Đó là Tiến sĩ Taylor Spottwood Field từ Đại học Tennesee (Mỹ) đến đây nghiên cứu về độ che bóng trên cây thông hai lá dẹt và Tiến sĩ Tim J.Brodribb của Đại học Tasmania (Australia) tìm hiểu thực tế để củng cố những cứ liệu khoa học cho một dự án về sự trộn lẫn sinh thái giữa hai vùng bắc và nam bán cầu. Các nhà khoa học đều tỏ ra ngạc nhiên trước những phát hiện mới mẻ giữa rừng già rậm rạp, âm u bao nhiêu năm qua được bảo tồn một cách khá nghiêm ngặt. Sau những trải nghiệm thú vị, Brodribb đã nói với tôi: “Các bạn thật may mắn vì còn giữ được khu bảo tồn đa dạng sinh thái tuyệt vời thế này”. Field cũng trầm trồ: “Tôi chẳng biết nói gì ngoài sự phấn khích tuyệt vời khi tiếp cận với Bidoup-Núi Bà và thấy được sự hứa hẹn trong việc nghiên cứu và phát triển vùng rừng quốc gia này”. Là một người trẻ yêu rừng, hướng dẫn viên Hồ Ngọc Hiếu cũng không giấu niềm tự hào khi nói với tôi: “Em hướng dẫn rất nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước, trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Em rất hạnh phúc khi cảm nhận sự hứng thú của họ. Mọi người thật sự ngạc nhiên trước thế giới tự nhiên phong phú, đa dạng mà lần đầu tiên họ được tận mắt chứng kiến khi tìm hiểu, khám phá tại Vườn...”.
Suối Đa Mưng chảy từ chóp đỉnh Yaric xuống thung lũng K’long K’lanh. Nước suối lạnh như cắt. Những người dân tộc Cơ Ho địa phương nói với tôi rằng, đây là nơi ngày xưa loài trăn núi thường về sưởi nắng, có những ngày cả đàn trăn nằm dài bên suối phơi vảy lấp lánh. Đi ngược dòng về phía Khánh Hòa, tôi cũng đã gặp rất nhiều ngọn thác. Những dòng thác chưa có ai đặt tên khoe vẻ đẹp tinh khôi và róc rách những bản nhạc thần tiên giữa đại ngàn hùng vĩ. Thật khó lòng diễn tả và chia sẻ được vẻ đẹp của thiên nhiên mà chỉ khi thật sự tĩnh lặng trầm mình giữa không gian rừng già mới cảm nhận được. Tôi cũng đã ngẩn ngơ trước những dòng suối thượng nguồn Bidoup-Núi Bà khi lần tìm ngọn nguồn của những dòng sông. Thiên nhiên thật kỳ diệu. Những đỉnh cao này là nơi phát tích của hai dòng sông Đồng Nai và Sêrêpok huyền thoại. Tôi muốn gọi Sêrêpok là “dòng sông chung thủy”. Từ đỉnh Bidoup, những con suối nhỏ đã kết thành dòng Krông Nô. Khi chảy đến địa phận Đắk Lắk, Krông Nô kết nước với Krông Ana để trở thành dòng Sêrêpok chảy ngược qua nước bạn Campuchia, nhập vào Biển Hồ rồi từ đó hòa vào Mê Công. Đến lúc này thì Sêrêpok góp nước của mình xuôi về chín nhánh Cửu Long và đổ vào Biển Đông của Tổ quốc. Sông trôi miên man qua bao thác, bao ghềnh, bao buôn, bao sóc rồi cuối cùng đã trở về mạch nguồn đất mẹ, trở về với nơi chốn đã sinh thành ra sông...
Đêm về, giữa buôn làng của người Cơ Ho dưới chân núi Bidoup, ngọn lửa được đốt lên. Trong cái lạnh căm căm của thung lũng rừng già, chỉ có lửa mới đủ làm cho nụ cười ấm lại. Ở buôn K’long K’lanh, những con cá hồi được di thực từ đất nước Phần Lan xa xôi về đây và nuôi dưỡng thành công trên những dòng suối Đạ Mưng, Liêng Sú. Món cá hồi nướng thơm phức cùng những cần rượu sóng sánh mầu mật ong từ chiếc chóe cổ trong nhà già làng Ha Tang đã làm cho khoảng cách chủ và khách bị xóa nhòa. Đồng bào bản địa nơi này vẫn vậy, hồn hậu và cởi mở. Tâm tính của họ phóng khoáng như những ngọn núi, bí ẩn và kiêu hãnh tựa sâu thẳm đại ngàn. Ngày xưa có giặc, buôn làng cùng đánh giặc và dựng nên quê hương anh hùng; ngày nay họ cần cù làm ăn, xây dựng quê hương, góp sức giữ rừng như giữ nguồn sống, giữ mạch nguồn văn hóa. Bên chóe rượu, già làng Ha Tang kể sự tích về núi Bidoup: “Ngày xưa, người khổng lồ Kơ Jút và người bạn thân của mình thường hay qua lại thăm nhau. Nhiều năm chơi thân với nhau nhưng cũng không tránh khỏi những lúc bất đồng, bởi người khổng lồ Kơ Jút luôn tự cao không bao giờ để bạn vượt lên trên mình. Một hôm, trong lúc hai người uống rượu, không biết vì sao người khổng lồ và người bạn thân cãi cọ rồi đánh nhau. Người khổng lồ Kơ Jút đã vả vào mặt của người bạn thân, làm cho bạn của mình ngã mặt cúi xuống đất, không đứng dậy được. Từ đó, người bạn thân của người khổng lồ có tên là Bidoup”. Trong tiếng Cơ Ho, từ “bidoup” có nghĩa là “bị ngã nhào mặt úp xuống đất và không đứng dậy được”.
Miên man theo dòng ký ức của những người dân tộc bản địa, tôi bất giác ngước mắt nhìn lên dãy núi huyền thoại và liên tưởng nhiều điều từ câu chuyện của già Ha Tang. Không gian đêm rừng càng khuya càng tĩnh lặng như nhắc nhớ thêm rằng, rừng già Bidoup-Núi Bà không chỉ là một kho tàng thiên nhiên quý giá mà còn là địa bàn cư trú ngàn đời của nhiều tộc người. Những chủ nhân lâu đời của miền núi rừng này còn lưu giữ, ẩn tàng những hệ giá trị văn hóa vô cùng độc đáo từng được tổ tiên họ sáng tạo, hun đúc. Một ngày gần nhất, tôi sẽ quay trở lại, sẽ tĩnh lặng tận hưởng, thanh lọc tâm hồn trong hơi thở của thiên nhiên hoang dã và xin tiếp tục được kể câu chuyện về những tộc người anh em thân thiết giữa núi đỏ, rừng xanh...
Bài và ảnh: Uông Thái Biểu