Hành trang lữ khách

Lâm Đồng: Trải nghiệm nghề trà ở B’Lao

Cập nhật: 26/05/2023 15:00:59
Số lần đọc: 883
Ở Nhật và Do Thái, học sinh được dạy ở cấp trung học và đại học về thực nghiệm cuộc sống và phương cách làm ra của cải vật chất để sau này trở thành công dân có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Mấy năm gần đây, Trường Chuyên Bảo Lộc và các trường đại học ở thành phố lồng ghép chương trình trải nghiệm nghề trà ở B’Lao, vùng đất xanh giàu đẹp ở cao nguyên.


Bảo Lộc nổi tiếng với những nông trường chè. Ảnh: Võ Đình Quýt

Mấy năm trước, đôi lần gặp các em sinh viên Nhật và Do Thái đến trải nghiệm nghề trà ở B’Lao. Khi được hỏi chi phí chuyến đi, các em đều trả lời tiền do làm thêm (part time) mà có, vậy các em có nhận xét gì tại vùng nguyên liệu trà ở Việt Nam! Đa số các em đều trả lời nghề trồng trà ở đây chưa được cơ giới hóa 100% nhưng từ những giọt mồ hôi và sản phẩm làm ra đã gắn bó giữa người và đất. Cộng đồng dân cư ở B’Lao là những người yêu trà đến mức bỏ nghề lại nhớ, tuy nhiên đối với những người trồng trà trực tiếp, kiến thức về khoa học ứng dụng công nghệ cũng như am hiểu về thị trường không nhiều. Và các em còn cho biết, ở Do Thái, luận án tốt nghiệp ra trường là thành lập công ty với chiến lược khả thi, còn ở Nhật, cả dòng tộc chuyên sâu vào một nghề bằng tất cả kiến thức của nhân loại về nghề đó...

Uống trà tại nhà máy

Thực tế ở xứ trà B’Lao, nhiều người được sinh ra hoặc định cư vài chục năm nhưng khi được hỏi quy trình từ lúc trồng trà đến khi ra sản phẩm cuối cùng không phải ai cũng trả lời chính xác. Một trong những nguyên nhân chính ở người lớn là kỹ năng quan sát tiếp cận, còn đối với thế hệ trẻ, lãnh đạo nhà trường thời ấy không tổ chức trải nghiệm về loại cây công nghiệp này để có một ít hiểu biết về quê mình trước khi bước chân vào dòng chảy xã hội. Gần đây các trường đại học ở thành phố và Trường Chuyên Bảo Lộc đi trải nghiệm về nghề trà B’Lao, đó là một sự kiện đáng quý.

Học sinh tham quan vườn trà

Mới đây Câu lạc bộ (CLB) Trà B’Lao đã làm cầu nối cho các trường đưa học sinh và sinh viên đi thăm các vùng nguyên liệu trà. Bà Đỗ Sơn - Phó Chủ nhiệm, Trưởng Ban Điều hành CLB cho biết: “Ngày trước, khi lãnh đạo nhà trường cùng với các em sinh viên, học sinh trong và ngoài tỉnh ghé thăm, thưởng thức trà ở CLB đều đặt vấn đề là muốn trực tiếp đến vùng nguyên liệu, nhà máy để xem cho biết trồng và chế biến trà như thế nào, được thưởng thức trà tại chỗ để xem hương vị trà trong bốn bức tường và tại vùng nguyên liệu! Chính những lời đề nghị chân thành của lãnh đạo nhà trường nên CLB liên hệ với các ông chủ vùng nguyên liệu và Nhà máy Trà Tam Dương- Triệu Minh để lập chương trình trải nghiệm. Tại đây, các em được các hướng dẫn viên CLB tận tình thuyết minh bằng hình ảnh thật tại cơ sở, và quá trình trải nghiệm các em hiểu thế nào là công việc từ trồng, chăm sóc cho đến khi thu hoạch mang về nhà máy tiếp tục chế biến theo các công đoạn: làm héo, vò, luộc, đánh móc, ủ lên men... bằng thủ công hay công nghệ hiện đại.

Bữa trưa trải nghiệm

Cũng tại vùng nguyên liệu, các em còn nghe được sự chia sẻ thân tình của ông Chủ nhiệm CLB Trần Đại Bình kiêm Giám đốc Công ty TNHH Trà Thiên Thành về thị trường trà trong nước và thế giới. Ông Bình cho biết, loại trà đen xuất khẩu cho thị trường Nga và Trung Đông, Ôlong dành cho thị trường Đông Nam Á và loại trà truyền thống ngoài cho nội địa còn xuất cho các thị trường Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada - nơi có lượng Việt kiều đông nhất, tuy nhiên thị trường nội địa hiện nay trà Ôlong gần như là thức uống chính. Ngoài ra, được biết thêm về luật pháp nghiêm ngặt của các nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kể cả thủ tục hải quan.

Sau những lần trực tiếp tại khu nguyên liệu và nhà máy sản xuất, các em biết thêm lịch sử đất và người B’Lao, sự thăng trầm nghề trà cũng như thị trường xuất khẩu. Được thấy dây chuyền công nghiệp trong sản xuất đại trà, kể cả kỹ thuật bao bì đóng gói... Lúc chào tạm biệt, đa số trong các em đều có sự trăn trở trách nhiệm của công dân trong một đất nước được thiên nhiên ưu đãi. Em Trần Ánh Hồng, sinh viên Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh tâm sự: “Chúng em là dân thành phố, biết đến xứ trà B’Lao đã lâu nhưng không thể tưởng tượng được nghề trà một nắng hai sương nhưng đầy hạnh phúc, chúng em sẽ tiếp tục mời gọi các bạn đến thăm xứ sở giàu có này”. Còn em Lê Mạnh Hùng - Trường Chuyên Bảo Lộc chia sẻ: “Em được sinh ra và lớn lên ở xứ trà, bây giờ mới được các thầy cô, Ban chủ nhiệm CLB và các chú chủ cơ sở trà “cho mở mắt”. Cám ơn đất và người B’Lao đã nuôi em khôn lớn. Mai này có thể em ở lại quê theo nghề trà của cha ông, cũng có thể sau khi tốt nghiệp đại học xong, em sẽ lập nghiệp nơi khác nhưng những hình ảnh quê hương xứ trà yêu thương của mình luôn nằm trong tâm thức em”.

Trần Đại

 

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Đăng ngày 25/05/2023

Cùng chuyên mục