Non nước Việt Nam

''Làng đò'' phủ mặt Ngô Đồng (Ninh Bình)

Cập nhật: 09/12/2022 10:18:22
Số lần đọc: 955
Dưới vách núi đá vôi dựng đứng, sông Ngô Đồng (Ninh Bình) nằm ngang, tĩnh tại. Ở đó, mùa xuân hoa gạo đỏ, mùa đông sương giăng trắng trời. Sông Ngô Đồng bắt nguồn từ núi Cấm Sơn (xã Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình), là một phụ lưu của sông Sào Khê - nối sông Hoàng Long với sông Vạc. Đây là con đường thủy duy nhất đưa du khách vào tham quan thắng cảnh Tam Cốc.

Sông Ngô Đồng mùa lúa chín. Ảnh: Phan Ái

Cửa Quen đón khách quen

Trời trở lạnh, hơi lất phất mưa phùn, nhưng chị Chu Kim Thỏa (xóm Cửa Quen, thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải) vẫn mặc áo mưa giấy ra bến đón khách. Chúng tôi cũng bận áo mưa, tiếng sột soạt nó theo bước chân khi leo lên chiếc đò tôn.

Không xuất phát từ bến chính Tam Cốc cách đó chừng 400m, vì nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Hiệp bảo, khách quen thì đi bến Cửa Quen. Bến đò chỉ nằm gọn ở địa phận thôn Văn Lâm (gồm bốn xóm Cửa Quen, Đoàn Kết, Xuân Thắng, Cộng Hòa), nên tất cả các hộ dân trong thôn đều được chở đò. Hiện cả thôn có 1.326 số đò (tính theo số hộ dân).

Bắt đầu nhịp chèo, chị Kim Thỏa đã thốt lên: “Hôm nay có tận 1.309 số đò xếp hàng. Mùa này mà đò vẫn đặc nghịt sông, toàn khách tây. Chở khách tây có khi nhọc hơn chở khách ta đấy”. Nhọc, theo chị là nhọc cả công chèo lẫn thu nhập. Ban quản lý khu du lịch Tam Cốc quy định một đò chỉ chở hai khách nước ngoài hoặc bốn người Việt, giá vé đồng nhất cho một khách gồm 150 nghìn đồng/lượt đò và 120 nghìn đồng/lượt tham quan.

Sông Ngô Đồng mùa này đẹp tựa bức tranh. Dãy núi đá vôi xám chàm thấp thoáng ẩn hiện cùng làn mây trắng in bóng nước. Tiếng chim lảnh lót vang lên như khúc nhạc trời. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đều hướng ống kính lên núi Văn ghi hình núi mũ quan Văn, rồi quay sang phải chụp đền Thái Vi rêu phong cổ kính ẩn hiện trong vòm cây xa tít.

Đò đi tiếp đến “cửa trong” vào hang Cả. Qua vòm hang lặng gió, cảm giác ấm áp trở lại, ai nấy đều ngỡ ngàng trước rừng nhũ đá rủ xuống với rất nhiều hình thù kỳ lạ như những ông tiên câu cá, rồng bay, phượng múa... Chị Kim Thỏa thuyết minh: Hang Cả là hang lớn nhất và đẹp nhất. Vào mùa nước lũ, nước cũng không ngập tới trần, các nhũ đá ít bị bào mòn, nên hang còn nhiều nhũ đá nhất so với hai hang còn lại.

Hang Hai thì ngắn và hẹp hơn. Trần hang có nhiều nhũ đá tạo hình như đám mây, in bóng xuống mặt nước lung linh, kỳ ảo. Đèn máy ảnh chớp sáng vòm hang. Đò qua đò lại san sát mà các cô lái, anh lái thật tài, tưởng chạm mạn nhau đến nơi, liền khéo léo nhích mũi sang bên một chút, thế là lách nhau đi ngoạn mục. Con đò cứ nhẹ nhàng lướt xuôi dòng nước đến suối Tiên. Đàn cá bơi rõ mồn một giữa lớp rong rêu đu đưa như múa dưới làn nước trong vắt.

Qua quãng sông hẹp và nông đến hang Ba. Ruộng trũng hai bên dòng nước tạo thành cánh cung thung lũng ngoạn mục, với ba bề núi đá lô nhô. Lòng hang Ba như căn phòng kín gió. Chị Kim Thỏa bảo: “Mùa hè ngoài bến dù có nắng như đổ lửa thì đến đây như vào phòng điều hòa”.

Bất chợt đò qua dòng nước hẹp giữa hai trái núi dựng đứng, gọi là núi Kẽm Gió, tất cả chúng tôi rùng mình vì lạnh. Nhưng cảnh sắc lộng lẫy đã làm mọi người quên lạnh, cùng nhau leo lên mỏm núi “mỏ đại bàng” ghi hình núi non, trời nước hữu tình. Len qua các núi Tiều Phay, Đong Đanh, Bực Bài, đò dừng ở hang Chân Quèn, khách lên chùa Nội Lâm là hết tuyến du lịch. Tất cả đò đều quay về. Mỗi đò chúng tôi, vượt đê đi tiếp.

Qua hang Chân Quèn, sông Ngô Đồng rất nông, có thể lội qua. Người làng đắp con đê đất ngăn sông, ngăn cả thuyền bè. Chúng tôi đi vòng theo bờ đất để sang đê. Gọi là bờ chứ chỉ là một vệt nhỏ đất bùn lầy lội ẩn hiện giữa những bụi cỏ mần trầu, cỏ gấu, cây xuyến chi. Vài con lợn khoang bụng võng, lấm lem bùn chạy rông, dũi mõm vào lòng đất. Giúp chị Kim Thỏa khiêng chiếc đò tôn qua con đê, anh Hoàng Hiệp gọi ơi ới xuống đò.

Cuối sông, vách núi đá vôi xám trắng dựng đứng trước mặt. Chon von sườn đá là những cụm cây xanh hiên ngang như dũng sĩ giữa lưng chừng trời. Ria sông, lác đác những chiếc vó bè mầu nâu nổi giữa đám tảo xanh, hoa súng tím trong dòng nước xanh biếc. Xa xa, những mái lều cỏ, cánh đồng lúa thấp thoáng sau những vách núi cao ngất. Chị Kim Thỏa gọi: “Có tép đồng tươi không ông ới?”. Người đàn ông nhoài người ra khỏi vó bè, tiếng oang oang loang ra mặt nước: “Còn ít thôi, dạo này họ kích điện nhiều quá. Lấy nhiều thì từ từ nhá!”.

Đò nan đã thành dĩ vãng

Non trưa, đò về lại bến Cửa Quen. Gia đình chị Kim Thỏa nhất định mời cơm. Tôi không để tâm lắm đến đặc sản dê núi thơm phức, chỉ chú ý đến món đồng quê ấm áp thân thương là thịt rim mắm tép, canh riêu cua đồng, rau luộc, tép rang, cá rán. Ngon miệng, tôi hồn nhiên ăn tận bốn bát cơm quê, no lặc lè. Kệ mọi người cà kê uống rượu, tôi ra thăm vườn tược.

Vườn có nhiều giống lan quý: Thảo kèn. Long tu Lào. Trầm tím, Trúc Phật bà, Ngọc điểm. Tuyết nhung. Tam bảo sắc, Vũ nữ, Hạc vỹ…, nhưng chị Kim Thỏa than: “Làm lan giờ vứt rồi, trước dịch covid nhà tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng tiền lan, sau dịch thì mất trắng. Vợ chồng tôi bảo nhau tập trung chở đò và làm hai sào ruộng ven sông thôi, lan để nhà chơi chứ không bán buôn gì nữa”.

Cổng nhà có hai chiếc đò nan cũ, một úp sấp như cái nấm đen, một thả sen nở hoa tím hồng. Hỏi chuyện đò nan, chị Kim Thỏa bỗng nhìn xa xăm, nhớ về ký ức: tôi sinh ra và lớn lên ở làng này. Năm 1989, tôi lấy chồng người làng và bắt đầu chèo đò đến nay. Hồi bé tôi hay sang nhà chú tôi là ông Chánh xem làm đò nan. Cả làng mỗi nhà ông làm đò, nên mọi người hay tập trung ở đấy. Bọn trẻ sang không chỉ thích xem đò mà còn được ăn quả sắn thuyền ngọt chát, tím đen cả môi. Đó là phần thưởng ông cho mấy đứa khi xếp nan tre thành hàng thẳng tắp phơi nắng.

Ông Chánh làm đò cẩn thận lắm, trước tiên ông ra bụi tre chọn những cây già, đều mầu và không bị cháy “cật”. Đem tre về chẻ, vót nan, phải rất đều tay. Ông dùng nan đan “mê đò”, đem phơi khô, cạp lại. Rồi ông lấy gỗ làm “thang đò”, buộc kỹ lại bằng cước trắng. Sau đó lấy nhựa vỏ cây sắn thuyền, do ông cất công sang tận Nho Quan thu hái, đem sơn vỏ và lòng đò. Lại phơi nắng cho khô, mới đem đò xuống nước.

Đò nan trở thành dĩ vãng từ lâu. Ông Chánh cũng hóa người thiên cổ. Giờ cả làng dùng đò tôn vừa nhẹ vừa bền và khiêng xuống nước đỡ nhọc. Anh Đinh Văn Trọng, chồng chị Kim Thỏa chia sẻ: “Mùa đông khách thì các chủ đò cũng kiếm được, nhưng khi nước lên, thì có khi cả tuần cả tháng mới đi được một chuyến. Những hộ gia đình có suất mà không muốn chèo đò sẽ bán lại quyền chở đò cho nhà khác với giá 40 triệu đồng/năm”.

Cả cuộc đời gắn với bến Cửa Quen, với sông Ngô Đồng thân thương, gia đình anh Trọng, chị Thỏa cũng như các hộ dân trong thôn, chăm chỉ cần mẫn chèo đò khi mùa du lịch. Mùa vắng khách họ lại cấy cày trên cánh đồng bên sông lộng gió, dùng nước sông tưới tắm lúa màu.

Thương người nông dân chín nắng mười sương, sông Ngô Đồng không lở bồi và rất ít ngập lụt. Là một trong những con sông đặc biệt - không có bờ, khi con nước rút, để hai bên sông khoảng đất phù sa màu mỡ, người nông dân gieo hạt, rồi cây lúa cứ vươn lên theo con nước. Cánh đồng lúa xanh non, đến mùa vàng óng ả, là nhịp cầu nối dòng sông Ngô Đồng thơ mộng với dãy núi Cấm Sơn hùng vĩ, tạo ra bức tranh sơn thủy kỳ ảo phiêu bồng.

Tam Cốc là ba hang động nằm ở phía nam cố đô Hoa Lư, cách trung tâm Hà Nội khoảng 110km. Tam Cốc đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, nơi đây còn được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn” của đất Ninh Bình. Nơi đây vẫn giữ được nét thôn quê mộc mạc cùng với những di tích lịch sử , văn hóa nổi tiếng như: Đền Thái Vi, chùa Bích Động, hang động Tam Cốc, Động Tiên, chùa Linh Cốc…

Thiên Nga

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 02/12/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT