Lào Cai: Đưa chính sách hỗ trợ phát triển du lịch vào cuộc sống
Động lực phát triển du lịch cộng đồng
Nghị quyết 06 ngày 9/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, gồm hỗ trợ vay vốn đầu tư điểm du lịch; hỗ trợ vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại các điểm du lịch. Theo đó, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án/điểm du lịch. Đối với phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, mức cho vay đối với người lao động tối đa không quá 100 triệu đồng/người (mỗi hộ được vay tối đa 200 triệu đồng/2 lao động).
Quang cảnh hội nghị.
Thời hạn cho vay theo chu kỳ của từng dự án và tối đa không quá 60 tháng. Áp dụng lãi suất cho vay hộ cận nghèo theo quy định từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Các cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng có thể vay vốn đầu tư, làm mới hoặc cải tạo, mở rộng nhà truyền thống các dân tộc thiểu số để kinh doanh dịch vụ lưu trú (homestay) tại các điểm du lịch cộng đồng…
Ông Trần Sơn Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, tạo động lực để du lịch cộng đồng phát triển.
Để thực thi chính sách, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về việc bổ sung dự toán ngân sách tỉnh năm 2021 ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay theo Nghị quyết 06 với kinh phí 11 tỷ đồng.
Năm 2022, qua tổng hợp rà soát từ các địa phương, nhu cầu hỗ trợ vay vốn đầu tư điểm du lịch và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng khoảng 26 tỷ đồng.
Để chính sách đi vào cuộc sống
Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu trong triển khai nghị quyết, tuy nhiên, theo thực tế việc đưa chính sách vào cuộc sống vẫn còn những khó khăn. Sau gần 1 năm Nghị quyết được ban hành, một số đối tượng thuộc diện được thụ hưởng chính sách vẫn chưa thực sự hiểu rõ quy trình, thủ tục để được tiếp cận nguồn vốn.
Đại diện các cơ sở du lịch thảo luận tại hội nghị.
Theo phản ánh của một số tổ chức, cá nhân đầu tư điểm du lịch, việc tiếp cận nguồn vốn vay để hỗ trợ đầu tư điểm du lịch còn vướng mắc do điều kiện quy định cần phải có các giấy tờ chứng minh tài sản đảm bảo tiền vay, tuy nhiên, đối với một số điểm du lịch hiện tại các giấy tờ này đang được thế chấp tại các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, việc định giá tài sản đảm bảo tiền vay không áp dụng theo giá thị trường mà áp dụng theo định giá của tỉnh nên giá trị tài sản thấp, khó tiếp cận mức vay tối đa.
Anh Trần Chí Thành, Giám đốc Hợp tác xã Tả Phìn Xanh, Chủ đầu tư điểm du lịch Vườn đá Tả Phìn, thị xã Sa Pa đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội linh hoạt hơn trong thẩm định thế chấp tài sản theo mức đánh giá của thị trường hoặc ngân hàng thương mại nếu không sẽ rất khó có cơ hội tiếp cận. Anh Thành cũng đề nghị cơ quan chuyên môn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khai thác nguồn khách du lịch.
Chị Sùng Thị Lan, xã Tả Van, thị xã Sa Pa cho biết, Nghị quyết 06 rất thiết thực, tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh homestay ở địa phương thuộc diện thụ hưởng vẫn chưa hiểu rõ chính sách nên chưa đề xuất được nội dung đề nghị hỗ trợ, chị Lan cũng mong muốn cơ quan chuyên môn và Ngân hàng Chính sách xã hội đơn giản hóa thủ tục để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.
Anh Hoàng Hải Đăng, xã Nghĩa Đô, Bảo Yên bày tỏ mức vay theo Nghị quyết 06 còn khiêm tốn, để đầu tư một homestay theo mô hình nhà sàn ở địa phương chi phí cần gấp 2 - 3 lần so với mức vay theo nghị quyết; bên cạnh đó, số hộ có nhu cầu vay nhiều nhưng nguồn vốn phân bổ về địa phương khá hạn chế. Anh Đăng cũng đề xuất có thêm hỗ trợ cho vay đối với các tổ vận hành điểm du lịch, đội văn nghệ.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải đáp ý kiến của các cơ sở du lịch.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, qua tổng hợp của các địa phương thì nhu cầu vay vốn của các hộ rất lớn, đơn vị sẽ rà soát các hộ, tổ chức đủ điều kiện để giải ngân nguồn vốn ngay trong tháng 1/2022, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.
Bà Thu cũng khẳng định quy trình thủ tục vay vốn không có gì khó khăn, người dân có nhu cầu sẽ thực hiện vay vốn tín chấp qua các hội, đoàn thể có xác nhận của chính quyền địa phương; chủ đầu tư điểm du lịch là cơ sở kinh doanh vay thì trực tiếp làm việc với ngân hàng. Về bảo hiểm tiền vay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã có ý kiến đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn. Các hộ gia đình trước đây đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tùy từng trường hợp cụ thể vẫn được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo chính sách này...
Mạnh Dũng