Hoạt động của ngành

Lào Cai: Tìm giải pháp cho việc sử dụng trang phục dân tộc tại các điểm du lịch văn hóa

Cập nhật: 05/12/2023 15:05:19
Số lần đọc: 447
Những ngày gần đây, dư luận lại "dậy sóng" khi trên mạng xã hội lan truyền về video của một bạn trẻ chia sẻ quan điểm cá nhân về việc khách du lịch khi đến tham quan Khu du lịch Cát Cát (thị xã Sa Pa) đã thuê, mặc những bộ trang phục dân tộc - không phải là trang phục truyền thống của dân tộc Mông - người bản địa của Cát Cát, hay bất cứ bộ trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số sinh sống tại Sa Pa.


Dư luận "dậy sóng" khi du khách chụp ảnh tại Cát Cát với những bộ trang phục không phải là trang phục dân tộc truyền thống ở nơi đây.

Thực tế, dư luận trên không mới, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này trong thời gian qua, ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Sa Pa. Trên các trang cá nhân, các group, fanpage của mạng xã hội Facebook và TikTok đều đã có những ý kiến chia sẻ, bình luận, khen chê, thậm chí phản ứng gay gắt về vấn đề này. Hiện tại, mới chỉ có Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, trong đó có nội dung mặc trang phục không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam tại lễ hội có thể bị xử phạt… chưa có văn bản nào quy định về văn hóa sử dụng trang phục tại các khu, điểm du lịch, trong khi các trang phục đó không hở hang, gây phản cảm.

Đây thực sự là một áp lực đối với chính quyền địa phương trong công tác quản lý văn hóa và những người làm du lịch tại Sa Pa. Với chức năng nhiệm vụ quản lý văn hóa tại địa phương, ngày 20/4/2023, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa đã ban hành Văn bản số 64/VHTT-TH về việc khuyến cáo không trưng bày, cho thuê trang phục, cổ phục nước ngoài trên địa bàn thị xã Sa Pa.

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa cho rằng: Các điểm du lịch cho du khách thuê những bộ trang phục không phải là trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số sinh sống tại Sa Pa, Lào Cai một phần nào đó gây ra nhầm lẫn về việc định vị thương hiệu và hình ảnh của du lịch Sa Pa. Chính vì vậy, ngay khi xuất hiện xu hướng cho thuê các bộ trang phục ngoại lai, Phòng Văn hóa và Thông tin đã có văn bản gửi đến các điểm du lịch để khuyến cáo các hộ kinh doanh du lịch cho thuê trang phục không cho du khách thuê những bộ trang phục ngoại lai. Thay vào đó, bổ sung vào bộ sưu tập cho thuê những bộ trang phục đậm sắc màu của văn hóa các dân tộc trên địa bàn thị xã hoặc các bộ trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Để khi du khách đến Sa Pa chụp ảnh sẽ định vị thương hiệu du lịch địa phương và lan tỏa được hình ảnh văn hóa của Sa Pa.

Các gian hàng cho thuê trang phục tại Khu du lịch Cát Cát.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV du lịch Cát Cát cho biết: Từ đầu năm 2023, Ban lãnh đạo Công ty rất trăn trở khi nhận thấy có một lượng rất đông du khách khi đến Cát Cát đều thuê mặc chụp ảnh các bộ trang phục không phải trang phục truyền thống của dân tộc Sa Pa. Thời điểm đông nhất có trên 30 cửa hàng kinh doanh dịch vụ cho thuê trang phục để chụp ảnh nằm ngoài phạm vi quản lý của Công ty TNHH MTV du lịch Cát Cát.

Qua tìm hiểu nắm bắt thị hiếu của du khách khi đến Cát Cát đều mong muốn ghi lại hình ảnh về chuyến đi về điểm đến của mình cùng người thân bạn bè. Do đó, việc thuê các trang phục dân tộc, hoặc các trang phục như các nhân vật trong các bộ phim cổ trang để hóa thân vào vai diễn trong phim mình từng yêu thích, mến mộ là mong muốn của rất nhiều du khách. Cùng với đó, sức mạnh từ truyền thông qua mạng xã hội đã tạo thành xu hướng du lịch chụp ảnh với những bộ trang phục dân tộc có xuất xứ từ nước ngoài ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Theo đó, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ (cho thuê trang phục, chụp ảnh, trang điểm…) trên địa bàn Sa Pa, nhất là dọc tuyến đường từ trung tâm thị xã Sa Pa xuống Khu du lịch Cát Cát cũng tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập.

Ngay sau khi nhận được văn bản của Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa, Khu du lịch Cát Cát đã khuyến cáo tới du khách.

Trong năm 2023, Công ty TNHH MTV du lịch Cát Cát đã nỗ lực thực hiện rất nhiều chương trình để tạo dựng hình ảnh, xây dựng, định vị thương hiệu cho Khu du lịch Cát Cát nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Mông Sa Pa bằng cách: Đầu tư kinh phí dàn dựng thực cảnh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông đen - mang tên The Cat Cat Show; duy trì hoạt động trình diễn văn hóa văn nghệ tại điểm du lịch…

Đặc biệt, đến nay, đã kết nối hơn 30 cụ già và 150 trẻ em tham gia các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa tại Khu du lịch, có sự tham gia truyền dạy văn hóa từ các nghệ nhân dân gian dân tộc Mông. Hình thành các điểm trình diễn nghề thủ công truyền thống cho khách trải nghiệm, vừa tạo ra sản phẩm truyền thống có thêm thu nhập. Công ty hỗ trợ sinh hoạt phí cho người già và trẻ em mặc trang phục truyền thống, tham gia các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, trình diễn nghề truyền thống tại Khu du lịch. Đồng thời, thu hút các cá nhân, đơn vị kinh doanh các sản phẩm từ nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại Sa Pa vào hoạt động dịch vụ phục vụ du khách tại Khu du lịch Cát Cát (thời trang từ vải lanh, nhuộm chàm, sản phẩm thổ cẩm; trang sức bạc, nông cụ…).

Cát Cát nỗ lực bảo tồn văn hóa bằng việc mở các show diễn.

Dẫu vậy, giữa trung tuần tháng 11/2023, sau khi có một du khách đến Cát Cát du lịch đã ghi lại hình ảnh và hiện tượng mặc các bộ trang phục cổ trang, trang phục dân tộc nước ngoài; đồng thời bày tỏ quan điểm cá nhân trên tinh thần xây dựng sao cho giữ gìn bản sắc văn hóa - giữ hình ảnh thương hiệu cho Khu du lịch Cát Cát - ngôi làng văn hóa dân tộc Mông được mệnh danh là đẹp bậc nhất Tây Bắc; đã nhận rất nhiều sự chia sẻ và có ý kiến tranh luận nhiều chiều về quan điểm này.

Trình diễn bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc Mông Sa Pa tại Cát Cát.

Ngay lập tức, với tinh thần cầu thị và mong muốn tìm ra giải pháp tích cực, mang tính bền vững lâu dài, Ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV du lịch Cát Cát đã tổ chức họp và thống nhất với gần 30 hộ kinh doanh cho thuê trang phục chụp ảnh và 50 thợ ảnh đang hoạt động trong phạm vi Khu du lịch Cát Cát về việc thay đổi định hướng cho khách du lịch mặc trang phục truyền thống dân tộc Mông Cát Cát và các trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

Khu du lịch Cát Cát định hướng du khách mặc trang phục truyền thống khi chụp ảnh.

Ban đầu cũng có không ít ý kiến chưa mấy đồng thuận về vấn đề này, nhưng sau khi phân tích rõ về việc nên định hướng cho du khách mặc trang phục truyền thống dân tộc Mông Cát Cát và các trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai, cũng đã nhận được sự hưởng ứng theo chiều hướng tích cực. Các thợ chụp ảnh cũng đã tỏ rõ quan điểm sẽ định hướng cho du khách mặc trang phục dân tộc truyền thống của Sa Pa để chụp ảnh. Sau 2 tuần thực hiện, đến nay, thay vì mặc trang phục, cổ phục và trang phục dân tộc du nhập từ nước ngoài để chụp ảnh, cơ bản các du khách khi đến Cát Cát đều đã tìm đến những trang phục truyền thống của các dân tộc địa phương nhiều hơn.

Trong xu thế phát triển, để đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến Cát Cát nói riêng, Khu du lịch trọng điểm quốc gia Sa Pa, Lào Cai nói chung, ông Kiên mong muốn các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương cần nghiên cứu giải pháp và đưa ra định hướng về việc mặc trang phục tại các điểm du lịch trên cơ sở vừa đảm bảo giữ gìn bản sắc lâu dài, vừa phát triển kinh tế của người dân và doanh nghiệp; khuyến cáo các hộ kinh doanh dịch vụ thuê trang phục chụp ảnh cũng cần chung tay tôn vinh văn hóa Việt Nam, văn hóa của cư dân bản địa, cũng là cách để nhận diện thương hiệu du lịch Sa Pa, trong đó ưu tiên sử dụng cho thuê trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; thuê các chuyên gia thiết kế để cách tân các bộ trang phục truyền thống mang sắc thái văn hóa các dân tộc, phù hợp với xu hướng hiện đại nhưng vẫn đảm bảo được hồn cốt của trang phục dân tộc thiểu số, mang đặc trưng văn hóa của địa phương.

Xin phép được chia sẻ ý kiến của ông Tô Bá Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai bày tỏ quan điểm trên trang facebook cá nhân: Là người sống và làm việc tại Sa Pa hơn 20 năm, tôi nhận thấy việc mặc các trang phục không phải là trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Sa Pa có thể khiến du khách quốc tế hiểu sai về văn hóa Việt Nam, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Trong khi đó, bản thân du khách không có lỗi khi mặc trang phục, cổ phục nước ngoài, bởi vì họ thấy đẹp, thấy phù hợp với nhu cầu của mình. Vì vậy, để Sa Pa phát triển du lịch gắn với văn hóa, truyền thống, bản sắc dân tộc chúng ta nên cùng suy nghĩ, tìm cách lan tỏa hình ảnh trang phục truyền thống các dân tộc đặc trưng của Sa Pa, tạo nên một Sa Pa vừa hiện đại, vừa giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.

Khó có thể quy định và ngăn cấm du khách mặc trang phục dân tộc không phải là trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam nói chung, của tỉnh Lào Cai, hay của thị xã Sa Pa nói riêng khi vào các khu du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa. Tuy nhiên, để khẳng định việc nên hay không nên thì cần một sự chung tay, đồng lòng và cùng đi đến thống nhất trong quan điểm tìm biện pháp tháo gỡ theo chiều hướng tích cực và bền vững…

Trước mắt, địa phương Sa Pa cần làm tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, tôn vinh giá trị các trang phục truyền thống dân tộc tại các điểm du lịch để định hướng cho khách du lịch mặc những trang phục mang sắc thái địa phương. Đồng thời làm tốt công tác truyền thông, định hướng dư luận và du khách biết khi đến Sa Pa, cùng chung tay để xây dựng và phát triển du lịch có văn hóa, có trách nhiệm. - Ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai.

Kiều Lê - Hoàng Thu - Phạm Bằng​​​​​​​

Nguồn: Báo Lào Cai - baolaocai.vn - Đăng ngày 05/12/2023

Cùng chuyên mục