Lễ cầu may, cầu phúc của người Khơ Mú
Lễ cầu may, cầu phúc thường được tổ chức vào khoảng tháng 11-12 âm lịch, là dịp để con cháu dâng lễ lên tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết; cầu mong cho các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh; tiễn năm cũ đi cùng tất cả nhưng xui xẻo, ốm đau, bệnh tật, mong được đón một năm mới với nhiều điều may mắn, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, gia đình hòa thuận. Nghi lễ được diễn ra trong quy mô từng gia đình, có sự tham gia của họ hàng, bà con dân bản.
Chủ lễ thực hiện lễ cầu hồn, vía cho mọi người
Nghi lễ bắt đầu bằng việc con cháu trong gia đình mổ lợn, gà để cúng. Mọi người trong gia đình đều tập trung tại gian thờ tổ tiên, gần chum rượu cần. Người con trai cả bắt một con gà trống đưa cho chủ nhà, chủ nhà vừa cắt tiết gà, vừa khấn, đồng thời bôi tiết gà lên đầu gối những người trong gia đình, lần lượt từ người nhỏ tuổi nhất đến người lớn tuổi nhất, cuối cùng bà chủ nhà sẽ bôi cho ông chủ nhà. Sau khi bôi xong, người con trai cả bắt tiếp con gà mái và thực hiện các bước tương tự. Trong lúc bôi tiết gà, chủ nhà khấn cầu cho mọi người trong gia đình khỏe mạnh, may mắn, tổ tiên phù hộ... những người tham dự lễ cũng đồng thanh khấn theo, chúc phúc, cầu may, cầu sức khỏe cho mọi người trong nhà.
Tiếp theo, ở giữa nhà gia chủ thực hiện nghi thức uống rượu cần, ông bà chủ nhà ngồi cạnh chum rượu cần, bà chủ nhà cầm sừng trâu để tiếp nước vào rượu, ông chủ lấy ra một đôi đũa tre gắp bã rượu từ trong chum ra, bón qua một cái lỗ sàn nhà (đã được đục sẵn từ trước) vừa bón ông vừa khấn mời ông bà tổ tiên uống rượu cần, về ăn tết với con cháu và phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, gia đình hòa thuận, làm ăn phát đạt. Khi ông chủ cất lời cúng thì những người già, người lớn cũng cúng khấn theo để cầu mong cho tổ tiên phù hộ cho gia chủ, các con các cháu.
Chủ lễ dính xôi cốm lên tóc con cháu cầu mong cho con cháu khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật
Thực hiện xong nghi thức, mọi người cùng nhau uống rượu cần và ăn củ quả đồ. Đầu tiên ông chủ mời những người lớn tuổi, có chức sắc trong bản, sau đó đến những người khác. Những người được mời uống rượu đều vừa vít cần rượu, nói lời cảm ơn gia chủ và cầu mong cho các con cháu trong gia đình khỏe mạnh, năm mới nhiều may mắn, khi đó mọi người ngồi xung quanh cũng khấn theo, ông chủ nhà cũng đáp lời cảm ơn, rồi cùng uống rượu cần.
Tiếp đó là Lễ cầu hồn, vía cho mọi người trong nhà, nghi lễ được thực hiện tại gian thờ nơi mời tổ tiên về ăn Tết. Ông bà chủ nhà tập trung tất cả con cháu ngồi xung quanh mâm lễ. Ông chủ nhà mặc trang phục bình thường nhưng phải vắt lên vai một chiếc khăn mặt để tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên. Ông mở xôi cốm, vê thành từng miếng nhỏ bằng đầu ngón tay, chấm vào các đồ lễ, rồi dính lên tóc của các con cháu, theo thứ tự từ người bé nhất đến người lớn nhất, mỗi người đều được dính miếng xôi, người nào có gia đình rồi mà con cái đi vắng không về dự được thì dính thêm một miếng xôi lên tóc của bố mẹ. Cuối cùng bà chủ nhà sẽ vê xôi dính lên tóc ông chủ nhà và cầu khấn cho chủ nhà khỏe mạnh, may mắn, nhiều phúc, nhiều lộc. Trong khi ông bà chủ nhà cúng khấn thì mọi người tham gia cũng đồng thanh cúng khấn theo xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho gia chủ khỏe mạnh, may mắn.
Phần hội rộn ràng với những lời ca điệu múa mang hơi thở mùa Xuân
Cúng xong cho mọi người trong gia đình, ông chủ thực hiện mời tổ tiên về ăn tết. Ông cũng vê từng miếng xôi nhỏ chấm vào từng bát thức ăn rồi dính vào mặt mâm, vừa dính xôi, ông vừa khấn mời tổ tiên về ăn tết, cầu khấn tổ tiên phù hợp cho mọi người trong gia đình khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, gia xúc, gia cầm sinh sôi. Thực hiện xong nghi lễ, mọi người vừa ăn cơm, vừa uống rượu cần và múa hát. Trong lúc múa hát mọi người dùng củ quả đã đồ sẵn bôi lên mặt những người tham gia, ai cũng phải bôi lên mặt một ít để lấy lộc, lấy phúc.
Nghi lễ cầu may, cầu phúc là nghi lễ truyền thống mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh sâu sắc của người Khơ Mú, thể hiện tính cộng đồng, đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng bản và cầu mong về một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đây là một nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Khơ Mú được tái hiện, góp phần “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.
Hoàng Nguyên