Non nước Việt Nam

Đắk Lắk: Yang Mao nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống

Cập nhật: 25/01/2024 14:46:53
Số lần đọc: 725
Trước nguy cơ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của người Êđê, M’nông ở các buôn làng đang có nguy cơ bị mai một, xã Yang Mao (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Xã Yang Mao đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tổ chức nhiều lớp dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ; tặng chiêng kram cho các buôn; kiểm đếm các loại nhạc cụ, chiêng ché, nhà sàn truyền thống để tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ và có kế hoạch bảo tồn. Đặc biệt, gần đây xã Yang Mao đã tổ chức phục dựng lễ cúng bến nước ở buôn Mghí và buôn Kiều. Nhiều bến nước cũng đã được người dân trong các buôn đầu tư kinh phí sửa chữa, tôn tạo, phục dựng lễ cúng bến nước.

Năm 2022 là lần đầu tiên xã Yang Mao tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng, thi hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống dành cho 5 buôn đồng bào dân tộc Êđê, M’nông. Không chỉ vận động, tuyên truyền, xã còn dành nguồn kinh phí hỗ trợ, động viên các nghệ nhân luyện tập biểu diễn. Nghệ nhân Ama Kim ở buôn M’năng Tar chia sẻ: “Sự quan tâm thiết thực của chính quyền địa phương đến bảo tồn văn hóa truyền thống khiến bà con trong các buôn rất phấn khởi. Cùng với tổ chức liên hoan, biểu diễn, xã đã mở nhiều lớp diễn tấu chiêng kram, chiêng đồng, tổ chức liên hoan cồng chiêng, phục dựng các lễ cúng, tạo sân chơi bổ ích cho các nghệ nhân, thu hút ngày càng nhiều giới trẻ đam mê văn hóa truyền thống”.

Nghệ nhân Ama Sai dạy đánh chiêng Kram cho trẻ em buôn Kiều.

Nghề đan truyền thống của người Êđê, M’nông ở Yang Mao vẫn được một số nghệ nhân trong các buôn lưu giữ. Tuy việc mua bán, trao đổi những vật dụng này hiện nay không còn phổ biến như trước đây, song những vật dụng như gùi, mẹt, rổ, rá, thúng mủng vẫn được các nghệ nhân hằng ngày đan để sử dụng trong gia đình. Ngoài nghề đan, xã Yang Mao hiện còn trên 20 nghệ nhân vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, trong đó có những nghệ nhân cao tuổi nhưng vẫn thường xuyên dệt ra những tấm thổ cẩm để dùng hoặc bán. Nhiều nghệ nhân dệt đẹp, hoa văn, đường nét tinh xảo, sẵn sàng tham gia dạy nghề dệt thổ cẩm khi cấp trên về mở lớp. Những nghệ nhân có tay nghề cao hiện vẫn duy trì nghề dệt phải kể đến như: Amí Kim, Amí Khoa, Amí Blý (buôn Măng Tar), Amí Luynh, Amí Lê A, Amí Nhơm (buôn Hằng Năm), Amí Slớp (buôn Tul). Ông Trần Thế Thành, Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao cho biết, để duy trì và phát triển nghề truyền thống, xã đã đưa sản phẩm gùi và thổ cẩm truyền thống vào danh sách sản phẩm OCOP của địa phương.

Phục dựng lễ cúng bến nước của người Êđê ở buôn Mghí.

Với những giải pháp nói trên, thế hệ trẻ trong các buôn đang ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo tồn những văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay buôn Mghí, buôn Tul đã thành lập đội chiêng kram trẻ do chính các nghệ nhân truyền dạy và đang được nhân rộng trong các buôn còn lại. Đặc biệt, buôn Kiều đã thành lập nhóm nhạc nhí với thành viên là học sinh tiểu học và THCS tập luyện bài bản, sử dụng được nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Các em được nghệ nhân của nhóm thiện nguyện và nghệ nhân dạy sử dụng các nhạc cụ bộ gõ truyền thống như: chiêng kram, đing pah, t’rưng, trống… Vừa qua nhóm nhạc nhí của buôn Kiều đã tham gia Hội thi diễn tấu nhạc cụ dân tộc và trình diễn nhạc cụ dân tộc tại tỉnh.

Tùng Lâm

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Ngày đăng 24/01/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT