Bảo tàng Quảng Nam trưng bày chuyên đề ''Gốm Chu Đậu từ tàu đắm Cù Lao Chàm''
Gian trưng bày chuyên đề “Gốm Chu Đậu từ tàu đắm Cù Lao Chàm” tai Bảo tàng Quảng Nam. Ảnh: Q.T
Hiện vật gốm Chu Đậu khai quật từ tàu đắm Cù Lao Chàm lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam rất đa dạng về loại hình, chất men, hoa văn trang trí, bao gồm đồ gốm hoa lam, gốm men ngọc, gốm men trắng, men nâu, men nhiều màu…
Phương pháp chế tạo gốm cổ Chu Đậu đạt trình độ rất cao, chuốt dáng, tạo hình bằng bàn xoay trước khi trang trí hoa văn và tráng men. Họa tiết trên gốm thể hiên đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Trang trí gốm vô cùng phong phú, từ vẽ, khắc, đắp nổi rất hài hòa, tinh xảo, điêu luyện.
Hình tượng rồng được thể hiện khá phổ biến trên đồ gốm thời Lê sơ thế kỷ XV với hình rồng 5 móng là biểu tượng của vương quyền, quyền lực tối cao của nhà vua. Cũng có đồ sứ vẽ hình rồng nhưng rồng trên đó chỉ có 4 móng. Đây là những đồ được làm để vua ban cho những người trong hoàng tộc hoặc tặng những người được đặc biệt ưu ái khác.
Gốm Chu Đậu khai quật từ tàu đắm Cù Lao Chàm đã phát hiện được nhiều hiện vật trang trí hoa văn rồng bằng nhiều kỹ thuật khác nhau như ấm tạo dáng và vẽ lam hình rồng; âu, lọ, đĩa men trắng vẽ lam hình rồng; bát, chén gốm men trắng văn in hình rồng.
Những phát hiện về đồ gốm hoa văn trang trí hình rồng trong sưu tập gốm tàu đắm Cù Lao Chàm cho thấy các loại hình gốm men cao cấp, gốm ngự dụng không chỉ được sử dụng ở cung đình, hoàng tộc như Hoàng thành Thăng Long, Lam Kinh mà ở thời Lê sơ, chúng còn là sản phẩm thương mại sử dụng xuất khẩu ra thế giới.
Với khoảng 190 hiện vật phong phú về loại hình, kiểu dáng, họa tiết, đề tài trang trí, phương pháp tạo hình được lựa chọn trưng bày phần nào cho thấy kỹ thuật làm gốm và sự khéo léo của người thợ đã làm toát lên bản sắc, tinh hoa văn hóa Việt, rất đỗi gần gũi nhưng cũng mang đậm giá trị truyền thống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt từ ngàn xưa.
Hoạt động trưng bày góp phần khẳng định việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc trong hệ thống bảo tàng nói chung, Bảo tàng Quảng Nam nói riêng luôn được quan tâm và là nhiệm vụ hết sức quan trọng để từng bước đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng nhằm thu hút khách tham quan đến với Bảo tàng Quảng Nam hơn trong thời gian đến.
Trưng bày chuyên đề “Gốm Chu Đậu từ tàu đắm Cù Lao Chàm” diễn ra từ ngày 26/1 đến 26/2 bên cạnh các hoạt động trang trí khác với mong muốn góp thêm sắc xuân và cầu chúc năm mới Giáp Thìn an khang thịnh vượng đến với mọi nhà.
Quỳnh Thêm