Lễ hội đình Trà Cổ - Cột mốc văn hóa vùng biên
Ông Nguyễn Phúc Vinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái phát biểu khai mạc Lễ hội đình Trà Cổ năm 2024. Ảnh: TTXVN
Đình Trà Cổ và Lễ hội đình Trà Cổ với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo từ lâu đã trở thành “Cột mốc văn hóa” vùng biên của tỉnh Quảng Ninh. Năm 2023 đình Trà Cổ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đình Trà Cổ là một trong những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc của thành phố Móng Cái mang đậm văn hóa Việt truyền thống. Được xây dựng từ thời Hậu Lê (năm 1461), trải qua những tác động của thời gian, đến nay đình Trà Cổ đã trải qua các đợt trùng tu, tôn tạo.
Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc; đồng thời tưởng nhớ và tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân đã có công khai phá lập làng, gây dựng mảnh đất Trà Cổ ngày nay. Hàng năm từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch, tại đình diễn ra Lễ hội đình Trà Cổ với nhiều hoạt động truyền thống, quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian.
Đặc biệt, nét độc đáo của lễ hội là lễ rước “Ông Voi”. Nghi lễ này được duy trì thường niên, trở thành nét riêng có của vùng đất biên ải Móng Cái.
Lễ nghênh thần tại Lễ hội đình Trà Cổ năm 2024. Ảnh: TTXVN
Lễ hội đình Trà Cổ năm 2024 được tổ chức theo 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm: Lễ Mộc dục; rước mâm hoa quả và cây đèn thần vào đình; Rước Ông Voi ra đình chầu (diễn ra vào ngày 30/5 Âm lịch); Lễ Thỉnh sinh; Khai mạc lễ hội; Lễ nghênh thần; Lễ an vị; Chuyển Ông Voi về nhà; Lễ đóng cây cai đám, gọi sổ bìa xanh; dâng lễ của nhân dân và du khách (diễn ra vào ngày 1/6 Âm lịch); rước cỗ chay cỗ mặn của ông đám đương nhiệm; dâng lễ...; Lễ cất cây cai đám... Phần hội gồm: Chấm thi Ông Voi; Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ hội đình; các hoạt động trò chơi dân gian (kéo co, đi cà kheo, viết thư pháp, nhảy bao bố…).
Phát biểu tại lễ hội, ông Nguyễn Phúc Vinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái nhấn mạnh: Lễ hội Đình Trà Cổ là một hoạt động văn hóa được tổ chức thường niên với quy mô cấp thành phố, nhằm tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong việc xây làng lập ấp, mở mang bờ cõi... Khơi dậy, nâng cao lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần có từ lâu đời.
Từ đó xây dựng tình đoàn kết các dân tộc, quyết tâm đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh, góp phần xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nêu cao trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi cán bộ đảng viên trong việc bảo tồn giữ gìn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đồng thời, đây cũng là dịp để quảng bá các giá trị của di tích và Lễ hội đình Trà Cổ nói riêng cũng như các nét đẹp văn hóa của thành phố Móng Cái nói chung đến du khách trong và ngoài nước. Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển sản phẩm du lịch thành phố và Đề án phát triển Du lịch thành phố đến 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo UBND thành phố Móng Cái, đến nay địa phương này có 59 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 4 di tích cấp quốc gia; 12 di tích cấp tỉnh.
Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái trao chứng nhận cho các ông cai Đám trong hội thi " ông Voi". Ảnh: TTXVN
Bên cạnh đó, văn hóa phi vật thể của Móng Cái có trên 40 di sản thuộc nhiều loại hình đã được kiểm kê, phân loại, trong đó có 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó được coi là những “Cột mốc văn hóa”, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và là nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt có giá trị, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn…
Cũng trong ngày 6/7, trên địa bàn thành phố Móng Cái diễn ra các Lễ hội truyền thống Đình Bình Ngọc, Đình Tràng Vĩ, Đình Đông Thịnh; trong đó Đình Tràng Vỹ và Bình Ngọc đã được công nhận là di tích cấp tỉnh.
Thanh Vân