Lễ hội người Chăm
Lễ hội Ka-tê ở Phan Thiết
Lễ hội Ka-tê
Lễ hội Ka-tê là lễ hội dân gian thiêng liêng, đặc sắc và rất quan trọng đối với bà con người Chăm. Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến những người đã khuất, tưởng nhớ đến các vị anh hùng dân tộc, thường được tổ chức trong khoảng từ ngày 25/9 đến ngày 25/10 dương lịch hàng năm.
Trong dịp lễ, người dân tập trung tại các đền tháp, trình diễn những điệu múa nhạc dân gian trong kho tàng âm nhạc của người Chăm. Những ngày này, bà con cũng đi thăm viếng, chúc những điều tốt lành cho nhau. Lễ hội được chia làm hai phần là phần lễ và phần hội
Phần lễ, bao gồm nghi thức hành lễ đón rước phục y, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc phục y cho tượng thần, đại lễ... Còn phần hội sẽ là những màn biểu diễn múa dân gian, các làn điệu dân ca trong tiếng trống Ginăng, trống Paranưng và kèn Saranai.
Lễ hội Ka-tê tổ chức theo từng làng, sau đó tổ chức trong từng gia đình.
Năm 2019, vào ngày 28/9, tại tháp Pô Klong Garai ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, hàng ngàn người dân địa phương và du khách đã đến tham dự lễ hội Ka-tê truyền thống. Đây là lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn. Nghi thức mở đầu của lễ hội là lễ rước y trang Nữ thần Po Nagar (còn gọi thần Mẹ xứ sở, dạy đồng bào Chăm trồng lúa, dệt vải) từ nhà người con út của Nữ thần (xã Phước Hà, huyện Thuận Nam) về đền Pô Nư Kành (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) để thờ cúng. Ngày thứ hai lễ hội là rước y trang lên tháp Pô Klong Garai và các vị chức sắc Chăm làm nghi lễ tắm cho thần, dâng lễ vật cúng thần. Trong những ngày này, tại các làng, thôn người Chăm sinh sống nhộn nhịp bởi tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginăng cùng với điệu múa quạt của những thiếu nữ Chăm.
Ninh Thuận là tỉnh có hơn 72.200 đồng bào Chăm sinh sống, tập trung ở 35 thôn, khu phố thuộc 13 xã, thị trấn ở 6 huyện, thành phố trong tỉnh. Năm 2017, Lễ hội Ka-tê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar
Tháp Bà Pô Nagar tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây là cụm tượng tháp Chăm còn nguyên vẹn và rất đẹp còn lại cho tới ngày nay. Lễ hội diễn ra hàng năm từ ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch, thu hút rất đông người dân trong vùng và du khách thập phương.
Tháp Bà Pô Nagar tọa lạc trên đồi Cù Lao nằm cạnh dòng sông Cái, thể hiện lối kiến trúc độc đáo của người Chăm. Hệ thống tháp đã tồn tại hơn 1.200 năm, được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1979. Đồng thời, Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2012.
Trên thực tế, lễ hội Tháp Bà Pô Nagar đã vượt ra ngoài phạm vi tỉnh Khánh Hòa. Cùng với người dân Khánh Hòa và người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận về tham gia lễ hội, còn có sự tham gia của người dân một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Thừa Thiên-Huế, Thành phố Hồ Chí Minh… Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar từ lâu đã là nơi hội tụ của các tộc Chăm, Raglai, Kinh và các cộng đồng khác ở miền Trung và Tây Nguyên.
Lễ hội Tháp bà Pô Nagar gồm nhiều nghi thức, trong đó có lễ thay y Thánh Mẫu, lễ thả hoa đăng, lễ cầu Quốc thái dân an, dâng lễ Mẫu, múa Bóng và hát Văn…
Hàng năm, những ngày diễn ra lễ hội, bà con nhân dân khắp nơi hành hương về Tháp Bà để cảm tạ ơn Mẫu và cầu xin Mẫu ban cho có sức khỏe, làm ăn được no đủ, tránh mọi tai ương, bệnh tật… Hình ảnh đức Mẹ Pô Nagar đã trở thành người mẹ tinh thần giúp con cháu mạnh mẽ và có niềm tin để vượt qua những khó khăn, lao động sáng tạo để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong lễ hội, múa Bóng là phần rất đặc sắc, nó gắn với địa danh xóm Bóng. Múa Bóng còn được gọi là múa Dâng bông, người ta kết hoa thành mâm hay hình tháp rồi đội lên đầu và múa. Thân hình lắc lư, tay múa và chân nhảy theo điệu nhạc nhưng những bông hoa không hề bị rơi xuống đất…
Lễ hội cầu mưa
Lễ cầu mưa của đồng bào Chăm H’roi tỉnh Bình Định là một nghi thức mang ý nghĩa tạ ơn trời đất đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống đồng bào no đủ, mọi người được bình an khỏe mạnh.
Đây là một nghi thức lễ độc đáo, quan trọng. Khi trời hạn hán kéo dài, nắng nóng, không có nước để tưới lúa, tưới cây, đồng bào sẽ làm lễ cầu mưa. Bà con có thể làm lễ riêng ở trên rẫy của mình theo từng hộ gia đình hoặc cả làng làm chung một lễ, dân làng cùng nhau chuẩn bị và đóng góp lễ vật để cúng.
Lễ hội cầu mưa thường được tổ chức vào ngày 16 - 20/2 âm lịch hàng năm, già làng là người chỉ đạo mọi việc trong lễ hội, từ việc chọn ngày làm lễ đến việc họp người dân trong làng cùng nhau đóng góp đồ lễ. Tùy vào điều kiện của mỗi làng hay tình hình hạn hán kéo dài mà có thể lễ vật cúng là trâu hoặc heo, nhưng trên đài tế luôn luôn phải có đầy đủ một đôi gà trống, hai ché rượu, một vòng sáp ong, một chén gạo và trầu cau... để dâng lên các vị thần ban sức khoẻ, thần mưa, thần thuỷ lợi.
Việc tiến hành nghi lễ cúng cầu mưa được tổ chức tại trung tâm của làng. Tất cả người dân trong làng đều có mặt, đại diện cho mỗi gia đình đến chạm tay và khấn trước món đồ cúng, người Chăm H’roi quan niệm phải làm như vậy thì mới được thần biết đó là người của làng nên thần sẽ phù hộ cho. Trong lễ cúng, người Chăm H’roi cầu chỉ vừa đủ không bao giờ xin nhiều vì họ sợ lòng tham sẽ làm thần nổi giận không cho nữa.
Lễ hội cầu mưa cũng là dịp để đồng bào người Chăm H’roi hội tụ gặp gỡ, là lễ hội gắn kết cộng đồng rất đặc biệt.