Lễ hội Tết mùa của đồng bào Bhnoong vùng cao Quảng Nam
Lễ hội năm nay, huyện Phước Sơn đưa thêm một số nội dung mới như phục dựng mô hình đuổi chim; tái hiện tục cưới hỏi của đồng bào các dân tộc thiểu số; giã gạo, sàng gạo và gói bánh... cùng các nội dung quen thuộc như trưng bày triển lãm hiện vật, giới thiệu hàng nông sản, giới thiệu ẩm thực truyền thống của người Bhnoong, GiẻTriêng…
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Bhnoong, lễ hội Tết mùa mang một ý nghĩa rất linh thiêng, nhằm tạ ơn thần linh đã cho dân làng một mùa nương rẫy bội thu, cầu mong mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên, dân làng khỏe mạnh và con cháu thành đạt.
Một trong những nội dung luôn thu hút sự chú ý của du khách là phục dựng và tái hiện nghi thức dựng cây Nêu. Đây là nét văn hóa truyền thống đặc trưng, thể hiện rõ nét văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Bhnoong qua lễ ăn mừng lúa mới.
Những nghi thức sinh hoạt văn hóa gắn với cây Nêu có ý nghĩa phản ánh tín ngưỡng tâm linh tạ ơn trời đất, tạ ơn tổ tiên, tạ ơn thần lúa của cư dân nông nghiệp được hun đúc theo chiều dài lịch sử của cộng đồng dân tộc Bhnoong.
Theo phong tục, cây Nêu được trang trí rực rỡ màu sắc vươn lên trời cao phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan trong sáng, cao đẹp của con người. Cây Nêu được chia thành ba đoạn tượng trưng cho thế giới quan về trời, đất và con người, là nhân sinh quan về tự nhiên và cây trồng xung quanh, thể hiện qua các biểu tượng bông lúa, loài cây trồng thân thiết bao đời đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tuy có những hình thức khác nhau, nhưng các cây Nêu đều mang ý nghĩa tinh thần cao đẹp, là biểu tượng tâm linh trong các nghi lễ truyền thống, thể hiện khát vọng nông nghiệp, ước vọng về một cuộc sống no đủ.
Tại lễ hội lần này, việc tái hiện lễ cưới hỏi của đồng bào Bhnoong được xem là điểm nhấn thú vị không những đối với du khách mà còn với chính những người dân Phước Sơn, bởi văn hóa cưới hỏi truyền thống của bà con Bhnoong đang dần mai một.
Các chi tết như trai gái bắt vợ, bắt chồng, vai trò của ông mai bà mối, câu hát giao duyên hay lễ vật cầu hôn, bó củi kết hôn… Qua việc tái hiện lễ cưới của đồng bào Bhnoong đã thật sự gây ấn tượng mạnh, giúp cho người dân và du khách hiểu rõ hơn về nét đẹp vốn có của đông bào Bhnoong xa xưa.
Theo phong tục truyền lại, lễ cưới chính của tộc người Bhnoong thường được diễn ra trong 3 ngày với các nghi lễ như lễ chuyển củi; lễ xếp củi; lễ Bla - vợ chồng trao nhau nắm cơm, gan gà cùng ăn và uống rượu cần; lễ Tahi - được tiến hành trong nội bộ họ hàng nhà trai, nhà gái; lễ Tava - một con heo được giết thịt chia cho 2 gia đình và cuối cùng là thiết đãi dân làng.
Ngoài ra, trong lễ hội lần này, các hoạt động khác như triển lãm hiện vật, giới thiệu hàng nông sản, phục dựng mô hình đuổi chim, liên hoan nghệ thuật quần chúng; giã gạo, sàng gạo và gói bánh; giới thiệu ẩm thực truyền thống và đánh, múa cồng chiêng tại lễ hội cũng được các đồng bào thể hiện khá sôi động, mang âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên.
Chính những âm thanh sống động của tiếng trống, chiêng cùng những nét độc đáo của nghi thức dựng Nêu, hay tái hiện lễ cưới hỏi Bhnoong đã mang đến cho du khách gần xa những trải nghiệm thú vị khi tham gia vào lễ hội./.